Giải mã người giàu ở Việt Nam và hàm ý chính sách

Dân giàu, nước mạnh. Những người giàu do làm ăn chính đáng, nhờ tài năng kinh doanh sẽ tiếp tục giàu lên và xứng đáng được tôn vinh. Còn những kẻ giàu có do chộp giật sẽ sớm phải dừng bước, những kẻ giàu có do tham nhũng, do vi phạm pháp luật sẽ lộ ra ánh sáng hoặc bị loại bỏ. Đó là bản chất, là quy luật phát triển.

Người giàu Việt Nam đã công khai hơn
 
Người giàu Việt Nam đã công khai hơn

Đọc những thông tin kinh tế - tài chính mới nhất trên FICA:
Ở nước ta đã có nhiều nghiên cứu, bài viết, báo cáo, hội thảo… về người nghèo, thực trạng nghèo đói và xóa đói giảm nghèo. Một trong những Mục tiêu thiên niên kỷ do Liên Hiệp quốc đề ra là về xóa đói giảm nghèo, Việt Nam đã hoàn thành trước thời hạn với thành tích ấn tượng. Nhưng Việt Nam vẫn đang là nước nghèo và cuộc sống của bộ phận lớn dân cư vẫn còn khó khăn.

Mong muốn cho đất nước Việt Nam trở nên giàu có là thôi thúc mãnh liệt của bao thế hệ người Việt. Gần đây, trong một tọa đàm có nội dung "Nước Việt có giàu được không", có ý kiến cho rằng, Việt Nam có lịch sử dựng nước và giữ nước oai hùng, nhưng chưa từng là nước giàu, nếu so sánh tương đối với một số nước láng giềng như Trung Quốc, Thái Lan, thậm chí là Campuchia…

Trong một đất nước nghèo, với xuất phát điểm nông nghiệp đặc trưng nửa phong kiến, nửa thuộc địa, chiến tranh liên miên không thể nói đến sự giàu có của dân tộc và người dân. Với đường lối ĐỔI MỚI, Việt Nam đang là nước có thu nhập trung bình thấp với GDP đầu người hơn 2.000 USD và đang nỗ lực thoát "bẫy thu nhập trung bình thấp". Đất nước giàu lên trong quá trình phát triển – đây là điều đáng mừng, tuy nhiên, nếu quan sát một bộ phận dân cư giàu có ở nước ta trong những năm gần đây của thời kỳ đổi mới, người ta thấy còn những nỗi lo, trăn trở.

Cực bên kia, đối diện sự nghèo đói, là sự giàu có, người giàu, tầng lớp giàu…, thì còn chưa được nhìn nhận một cách thấu đáo, chưa được nghiên cứu sâu sắc. Những năm trong cơ chế kinh tế kế hoạch hóa tập trung, chế độ bao cấp, của cải, tư liệu sản xuất đều công hữu hóa, người giàu bị coi là đối tượng bóc lột. Cho đến bây giờ, nghiên cứu vấn đề người giàu, các cá nhân giàu nhanh ở Việt Nam vẫn được coi là "nhạy cảm", chưa "danh chính, ngôn thuận". Tuy nhiên, trong tình hình mới, chủ đề này cần thiết được đặt ra, nghiên cứu thực chất, nhìn nhận thẳng thắn, thảo luận công khai phục vụ cho cải cách và hoạch định chính sách phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

Sự thay đổi được coi là "đột phá" trong tư duy lý luận là sự thoát khỏi “bẫy giáo điều" về khái niệm "bóc lột sức lao động", được nhấn mạnh trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của đất nước: “… thực hiện phân phối chủ yếu theo kết quả lao động và hiệu quả kinh tế; đồng thời phân phối theo mức đóng góp vốn và các nguồn lực khác…”. Đây chính là cửa mở cho việc kích thích động lực làm giàu của các cá nhân, doanh nghiệp.

Những năm gần đây, bức tranh "những người giàu nhất Việt Nam" phần nào đã rõ dần, với những con số tài sản được công bố trên sàn chứng khoán.

Theo đó, chúng ta biết người giàu nhất thị trường chứng khoán năm 2008, ông Đoàn Nguyên Đức, Chủ tịch Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai, năm 2009 ông đã xuống vị trí thứ hai với hơn 146,6 triệu cổ phiếu HAG, giá trị thị trường là 9.240 tỷ đồng.

Năm 2009, ông Đặng Thành Tâm, Chủ tịch Tập đoàn Đầu tư Sài Gòn gồm nhiều công ty con, được cho là người giàu nhất thị trường chứng khoán Việt Nam, với 9.663 tỷ đồng; Cũng trong năm này, người đứng thứ ba là ông Phạm Nhật Vượng, Chủ tịch Tập đoàn Technocom (nay là VinGroup), với 85 triệu cổ phiếu VIC và 20 triệu cổ phiếu VPL, tương đương giá trị 8.363 tỷ đồng.

Trong năm 2009 danh sách 10 người giàu nhất Việt Nam được xếp theo thứ tự số tài sản của họ: Đặng Thành Tâm, Đoàn Nguyên Đức, Phạm Nhật Vượng, Trần Đình Long, Nguyễn Thị Kim Xuân, Đặng Thị Hoàng Phượng (em gái ông Tâm), Phạm Thu Hương (vợ ông Vượng), Lê Phước Vũ, Trương Thị Lệ Khanh, Nguyễn Duy Hưng. Lưu ý rằng, ba vị trí trên được cho là có giá trị tài sản áp đảo so với những người phía sau. Tổng giá trị cổ phiếu của ba ông đạt hơn 27.260 tỷ đồng, giá trị cổ phiếu của bảy người còn lại chỉ có gần 10.300 tỷ đồng.

Những năm sau đó danh sách này được công bố dài hơn và đã có sự thay đổi mạnh về vị trí. Năm 2011 danh sách được công bố lên đến 200 người, trong 10 người giàu nhất gồm ông Phạm Nhật Vượng (với tài sản 16.764 tỷ đồng),  Đoàn Nguyên Đức (4.348 tỷ),  Phạm Thu Hương (2.891 tỷ),  Nguyễn Hoàng Yến (1.971 tỷ), Phạm Thúy Hằng – em ông Vượng (1.919 tỷ), Nguyễn Thúy Hà (1.821 tỷ), Hồ Hùng Anh (1.789 tỷ), Nguyễn Văn Đạt (1.444 tỷ), Đặng Thành Tâm (1.399 tỷ) và Trần Đình Long (1.340 tỷ).

Gần đây nhất, năm 2014 danh sách 10 giàu nhất bao gồm ông Phạm Nhật Vượng (với tài sản 21.204 tỷ đồng),  Đoàn Nguyên Đức (8.382 tỷ),  Trần Đình Long (4.952 tỷ), Phạm Thu Hương (3.656tỷ),  Lê Phước Vũ (2.529 tỷ),  Phạm Thúy Hằng (2.442 tỷ), Nguyễn Hoàng Yến (2.134 tỷ), Hà Văn Thắm (1.678 tỷ), Đặng Thành Tâm (1.579 tỷ) và  Hồ Hùng Anh (1.545 tỷ).

Nhưng có lẽ đây mới là ‘phần giàu nổi’, bởi còn nhiều tài sản không thể hiện trên sàn chứng khoán, nhiều người ‘không lên sàn’, như ông Đào Hồng Tuyển, người được cho là có 2 tỷ USD  và được mệnh danh là ‘chúa đảo Tuần Châu’.

"Giải mã" người giàu Việt

Ngôi thứ sau từng năm có sự thay đổi, nhưng câu hỏi lớn nhất được đặt ra là nguồn gốc giàu có? Sự tích lũy vốn ban đầu có thể khác nhau với từng người giàu trong danh sách nêu trên, chẳng hạn có người do làm ăn từ các nước Đông Âu cũ sau khi bức tường Berlin sụp đổ vào năm 1989, có người do kinh doanh trong những năm đầu chuyển đổi… Tuy nhiên, số liệu thống kê của những người giàu nhất Việt Nam trên sàn chứng khoán cho thấy có khoảng 30% từ đất đai, từ bất động sản. Nếu tính chuẩn, tính hết, con số này có thể còn cao hơn nhiều.

Hiện tượng này có thể được đặt tên "tích lũy vốn nguyên thủy từ đất đai", cần được nhìn nhận một cách nghiêm túc, khi thiết kế các chính sách công, đặc biệt là Luật Đất đai và sự cụ thể hóa trong thực tế việc xác nhận và bảo vệ quyền sở hữu đất đai vì mục đích kinh tế, dân sinh và công bằng xã hội. Làm thế nào để phân biệt được quyền sở hữu đất đai toàn dân về danh nghĩa và sự sử dụng trên thực tế ổn định lâu dài của một số cá nhân, và liệu rằng sau thời hạn thuê 30 hay 50 năm nữa, các khu dự án, khu công nghiệp… có thuộc sở hữu tư nhân hay không?!

Nóng vội tăng trưởng nhanh khi chưa đủ điều kiện và cách làm đã dẫn đến "bóng bong bất động sản". Đây là bài học đắt giá cho việc điều hành chính sách. Từ năm 2011 đến nay, số người giàu nhanh do đất đai đã và đang đổi ngôi, trồi sụt. Số người trụ được đang có tích lũy vốn đáng kể, song số người lâm vào phá sản, nợ xấu chồng chất vẫn chưa giải quyết xong hậu quả. Kẻ thắng người thua là bình thường trên thương trường, tuy nhiên, trong khi thị trường bị méo mó, các trụ cột và nguyên tắc cơ bản của nó không được tuân thủ thì lòng tham luôn bị động cơ kiếm lời thúc đẩy và thắng thế, người ta "sẵn sàng chui đầu vào thòng lọng" nếu lợi nhuận trước mắt đủ hấp dẫn.

Giới ngân hàng, như bị dồn nén lâu ngày vì không tăng được tín dụng do sức cầu yếu về sản xuất và xuất khẩu của nền kinh tế, nên gần đây đã và đang làm nóng thị trường bất động sản bằng các khoản cho vay tăng nhanh chóng. Từ năm 2012 đến nay, dư nợ tín dụng bất động san đã tăng trưởng 70%. Năm 2014 có khoảng gần 40.000 tỷ đồng dư nợ cho vay được đổ vào bất động sản. Những tháng đầu năm 2015 dư nợ cho vay bất động sản tiếp tục tăng cao với hàng chục ngàn tỷ được đổ vào thị trường.

Cụ thể, số liệu từ báo cáo của Bộ Xây dựng cho thấy, thống kê dư nợ tín dụng trong lĩnh vực bất động sản tính đến 31/03/2015 đạt 333.701 tỷ đồng, tăng 10,5% so với thời điểm 31/12/2014. Người ta vẫn cố gắng tìm ra lý do khi nêu sự khác biệt về "sức nóng bất động sản" hiện nay so với ‘bong bóng’ của các năm trước. Song hãy lưu ý, chính Thủ tướng Chính phủ đã cảnh báo trên Cổng thông tin điện tử chính phủ, tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 5/2015: “Hiện thị trường bất động sản đã ấm lên, ngân hàng phải chịu trách nhiệm, phải theo dõi sát, kiểm soát tốt nguồn vốn đầu tư nhằm tránh tình trạng “bong bóng”, đổ vỡ, phát triển không lành mạnh của thị trường bất động sản như đã từng xảy ra trước đây”.

Người giàu Việt Nam đã công khai hơn

Nhiều người trở nên giàu có khi tích lũy của cải từ những đợt "bong bóng bất động sản" là một lời cảnh báo từ thực tiễn (ảnh minh họa) 

Cần chính sách tăng người giàu chính đáng, ngăn chặn làm giàu bất chính

Phải nói rằng, nhiều người giàu ở ta làm ăn chính đáng, kể cả họ làm giàu từ đất đai, từ bất động sản. Nhưng, cũng có không ít người như báo chí đã đưa tin, họ thiếu trung thực, vi phạm pháp luật, bằng nhiều thủ đoạn tinh vi, tiêu cực, đã để lại những hậu quả nghiêm trọng.

Trường hợp ông Hà Văn Thắm, như đã nêu ở trên, đứng thứ 8 trong top 10 người giàu nhất trên sàn chứng khoán năm 2014. Ông này, nguyên là thành viên HĐQT độc lập CTCP Sữa Việt Nam, nguyên Chủ tịch HĐQT Ngân hàng Đại Dương, nguyên Chủ tịch HĐQT CTCP Tập đoàn Đại Dương, kinh doanh trong lĩnh vực: Ngân hàng, Bất động sản, Thực phẩm, đã bị khởi tố ngày  24/10/2014 bởi Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an để điều tra về hành vi vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng.

Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, qua thanh tra Đề án cơ cấu lại các tổ chức tín dụng, đã phát hiện một số vi phạm pháp luật nghiêm trọng của cá nhân ông Hà Văn Thắm. Một số vụ án kinh tế trọng điểm khác được xét xử gần đây, như Dương Chí Dũng, bầu Kiên… đã đặt ra tính công khai minh bạch của các tài sản giàu có này. Hơn thế, dư luận đang đòi hỏi sự minh bạch, trách nhiệm giải trình của lãnh đạo các cấp chính quyền và thực thi chống quốc nạn tham nhũng.

Người giàu Việt Nam ngày càng nhiều, trong đó nhóm siêu giàu liên tiếp tăng lên ngay cả trong thời kỳ kinh tế khó khăn. Theo Báo cáo Thịnh vượng 2015 (Wealth Report) và ngân hàng Thụy sĩ UBS công bố năm 2014, Việt Nam đã có 2 tỷ phú đô la, 116 người siêu giàu (sản từ 30 triệu USD trở lên), tăng 6 người so với năm 2013.

Trong một thập kỷ tới, Việt Nam cũng được dự đoán là quốc gia có tốc độ tăng người siêu giàu nhanh nhất thế giới với 159%, lên 300 người. Nhưng đây được cho chỉ là bề nổi rất nhỏ của tầng lớp siêu giàu Việt Nam.

Dân giàu, nước mạnh. Chúng ta cần tôn vinh những người giàu làm ăn chính đáng, còn những kẻ giàu có do chộp giật sẽ sớm phải dừng bước, những kẻ giàu có do tham nhũng, do vi phạm pháp luật sẽ lộ ra ánh sáng hoặc bị loại bỏ. Đó là quy luật phát triển. Những người giàu do tài năng kinh doanh sẽ tiếp tục làm giàu và xứng đáng được tôn vinh. Đó là bản chất của họ.

Đất nước cần phát triển nhanh và bền vững, vì vậy, cần những chính sách đột phá và nhất quán. Những chính sách đó, trước hết phải sát với thực tế cuộc sống, khả thi và có hiệu quả nhằm ngăn chặn làm giàu bất chính, mặt khác, khuyến khích kinh tế tư nhân, coi thành phần kinh tế này là động lực phát triển, xây dựng và nâng tầm đội ngũ doanh nhân Việt, tạo môi trường kinh doanh, cải cách thể chế để loại bỏ các rào cản…

Sau thời kỳ giàu nhanh nhờ đất đai, chênh lệch địa tô, dựa vào các mối quan hệ… đã đến lúc chúng ta hy vọng chờ đón những người giàu trong lĩnh vực công nghiệp, công nghệ thông tin, điện tử, viễn thông, công nghệ sinh học...

Theo PGS. TS Phạm Quý Thọ
(Khoa Chính sách công, Học viện Chính sách và Phát triển)
Đầu tư
 

Hà Nội: Tận mục bến xe khách ngầm trên “đất vàng”