1. Dòng sự kiện:
  2. Hàng giá rẻ Trung Quốc đổ bộ

Bất thường trong việc bán hạt nhựa PP của Lọc hóa dầu Bình Sơn

(Dân trí) - Là một trong 12 dự án "đại dự án" khó khăn của ngành Công Thương, Nhà máy Sơ sợi Đình Vũ (PVTEX) được cho là dự án đang có hướng sáng để xử lý, thoát khỏi nhóm dự án này. Tuy nhiên, vướng mắc lại đang xảy ra trong việc tổ chức bán sản phẩm nhựa PP của Công ty Lọc hóa dầu Bình Sơn (BSR), đơn vị vận hành Nhà máy Lọc dầu Dung Quất.


PVTEX mới đưa thêm dây chuyền sản xuất mới vào hoạt động

PVTEX mới đưa thêm dây chuyền sản xuất mới vào hoạt động

Những bất ổn trong việc bán PP của BSR

Những người am hiểu ngành dầu khí đều hiểu rằng, một trong những yếu tố quyết định để PVTEX thoái khỏi tình trạng khó khăn hiện nay lại liên quan đến khâu tiêu thụ sản phẩm nhựa PP của BSR. Nhưng chính khâu tổ chức bán sản phẩm này của BSR trong nhiều năm qua lại rất có vấn đề, cần phải chấn chỉnh lại để đem lại lợi ích cho chính BSR và cả ngành dầu khí.

Theo thông tin từ PVN, quá trình bán PP của BSR diễn ra từ năm 2010 đến nay, chia làm 3 giai đoạn, nhưng ở cả 3 giai đoạn này, từ chỗ việc bán theo từng lô cho đến khi bán theo hợp đồng dài hạn, việc tổ chức bán hàng đều bất hợp lý nên việc tiêu thụ không ổn định, chưa tạo được thị trường, việc bán hàng khó khăn.

Thực tế, thời gian qua, việc BSR đồng ý cho 5 đối tác kể trên bao tiêu sản phẩm hạt nhựa PP của lọc dầu Dung Quất lại xuất hiện nhiều yếu tố bất hợp lý.

Theo thiết kế, hàng năm lọc dầu Dung Quất sản xuất khoảng 150.000 tấn hạt nhựa PP các loại. Trước năm 2018, BSR tổ chức bán đấu giá. Nhưng bắt đầu từ 2018 toàn bộ sản lượng theo kế hoạch (12.500 tấn/tháng) được BSR bán theo hợp đồng dài hạn cho 5 khách hàng kể trên với thời hạn hợp đồng 4 năm (từ 2018-2021) và đàm phán giá hàng năm. Riêng lượng hàng vượt kế hoạch BSR ký một phụ lục hợp đồng bán 100% cho OPEC.

Kết quả của Đoàn kiểm tra PVN về công tác tiêu thụ sản phẩm, trong đó có việc bao tiêu hạt nhựa PP này ở lọc dầu Dung Quất cho thấy có dấu hiệu khác thường.

Theo tìm hiểu, việc lọc dầu Dung Quất lựa chọn 5 đối tác vào đàm phán để lập tiêu chí chọn Nhà bao tiêu và đàm phán hợp đồng bao gồm 5 công ty kể trên là vi phạm nguyên tắc minh bạch, công bằng. Bởi việc mời hạn chế một số đối tác vào đàm phán để đưa ra tiêu chí lựa chọn nhà phân phối là không phù hợp về nguyên tắc cạnh tranh và quyền tự quyết của BSR.

Đáng chú ý, trong 5 đối tác mua hạt nhựa PP của BSR, thì ngay sau đó 2 công ty là DMC và PVBuilding đã bán trao tay ngay tại xưởng PP của BSR cho công ty OPEC để kiếm lời. Cụ thể, PVBuilding hưởng chênh 8 USD/tấn còn DMC hưởng chênh 3 USD/tấn.

Như vậy tiêu chí đưa ra để chọn nhà thầu đủ năng lực cho phân phối hạt nhựa PP của BSR hoàn toàn không có tác dụng và bị lợi dụng. Các công ty bán trao tay kiếm lời ngay mà không tạo giá trị gia tăng cho hệ thống phân phối, quảng bá sản phẩm PP của BSR cũng như mong dợi mà tạo cơ hội độc quyền cho một công ty.

Điều này cũng bộc lộ giá term do BSR xác định chưa sát thị trường nếu BSR bán thẳng cho khách hàng mua trao tay từ DMC và PVBuilding thì còn giúp tăng lợi chuận cho BSR từ 3-8 USD/tấn.

Thế “độc quyền” ấy được dẫn chứng bằng các con số cụ thể. Đó là BSR bán cho OPEC khối lượng 4.100 tấn/tháng theo hợp đồng term dài hạn, chiếm 33% sản lượng của nhà máy (4.100 tấn/12.500 tấn). Ngoài ra, toàn bộ lượng hàng sản xuất vượt kế hoạch (khoảng 2.000 tấn/tháng) được bán toàn bộ cho OPEC. Như vậy, OPEC được mua tối đa lên tới 6.100 tấn/tháng, chiếm 42% sản lượng của nhà máy.

Ngoài ra, hai công ty DMC và PVBuilding bán trao tay ngay cho OPEC với lượng hàng tối thiểu là 2.500 tấn/tháng.

Điều này có nghĩa, tổng lượng hàng OPEC mua trực tiếp và gián tiếp lên tới 8.600 tấn/tháng, chiếm gần 60% sản lượng của nhà máy lọc dầu Dung Quất.

Thế độc quyền gây khó khăn cho lọc dầu Dung Quất trong việc có điều chỉnh các khách hàng mới mở rộng thị trường tránh rủi ro. Các đối tác câu kết với nhau làm giá gây thiệt hại cho BSR về kinh tế và giảm sự chủ động trong sản xuất kinh doanh như hiện nay khi muốn bán cho đối tác khác để thực hiện các chủ trương kinh tế - chính trị.

Không để BSR tự tung tự tác

Để khắc phục những yếu kém trên trong quá trình tổ chức lại khâu bán hàng của BSR, PVN rõ ràng cần phải chủ động tham gia bởi đơn vị thành viên này không dễ tự cải tổ lại những yếu kém trong việc bán hạt nhựa PP, gây khó khăn cho chính công ty này cũng như các đối tác, trong đó có PVTEX- một dự án quan trọng khác đang cần được hỗ trợ.

Trong những nỗ lực để cứu PVTEX, PVN và PVTEX đã tìm kiếm nhiều đối tác tham gia, hỗ trợ vận hành nhà máy Sơ xợi Đình Vũ. Cuối năm 2017, PVTEX đã đăng thông báo tìm kiếm đối tác hợp tác vận hành Nhà máy này, đồng thời, ngày 18/12/2017, PVTEX cũng đã phát hành Hồ sơ mời hợp tác tới các đối tác trong và ngoài nước. Đến ngày 20/1/2018, chỉ có Tổ hợp An Phát Holdings + Fortrec Chemical + Reliance Pte. Ltd. (Tổ hợp APH) đã trình lại Hồ sơ đề xuất phương án hợp tác. Và ngày 18/4/2018, PVTEX đã báo cáo với các cổ đông về quá trình lựa chọn đối tác này.

Tại báo cáo này, PVTEX đánh giá An Phát Holdings là đối tác có kinh nghiệm quản lý sản xuất trong lĩnh vực nhựa công nghiệp và có năng lực về tài chính, đơn vị này sẽ đứng đầu tổ hợp và cung cấp tài chính để vận hành lại Nhà máy. Reliance Industry Ltd. là tập đoàn của Ấn Độ và đứng đầu thế giới về lĩnh vực lọc hóa dầu và xơ sợi. Trong khi đó, Fortrec Chemicals & Petroleum Pte. Ltd. (Singapore) chuyên cung cấp nguyên liệu và tiêu thụ sản phẩm xơ sợi. Theo PVTEX, Tổ hợp APH là đối tác có năng lực. Các bên thống nhất, Tổ hợp APH sẽ bỏ toàn bộ các chi phí liên quan đến sửa chữa và bảo dưỡng tổng thể Nhà máy, tuyển dụng và đào tạo lao động, huy động chuyên gia kỹ thuật nước ngoài hỗ trợ trong giai đoạn đầu vận hành Nhà máy ứng vốn lưu động và cung cấp nguyên liệu đầu vào với chi phí ước tính lên tới vài trăm tỷ đồng.


PVTEX có nhiều khả năng thoát khỏi nhóm dự kiến thua lỗ của ngành Công Thương

PVTEX có nhiều khả năng thoát khỏi nhóm dự kiến thua lỗ của ngành Công Thương

Để triển khai thực hiện các hỗ trợ tài chính nêu trên, trong phương án hợp tác, Tổ hợp APH có đưa một số điều kiện tiên quyết về pháp lý, thuế, khấu hao, cổ phần hóa, tiêu thụ các sản phẩm hóa dầu, trong đó có việc mua tối thiểu 35% lượng PP của BSR với các điều kiện mua bán tương tự như BSR đang áp dụng với các công ty khác.

Việc lựa chọn đối tác hợp tác là công khai và rộng rãi, đề xuất tiêu thụ sản phẩm PP được cho là đòn bẩy tài chính để cân đối dòng tiền và thu hồi số tiền mà APH đã bỏ ra trong giai đoạn đầu hợp tác.

Theo PVN, toàn bộ quá trình lựa chọn Tổ hợp APH là đối tác hợp tác vận hành Nhà máy Xơ sợi Polyseste Đình Vũ đều được PVN/PVTEX báo cáo Ban Chỉ đạo và các Bộ ngành có liên quan. Nội dung hợp tác giữa PVTEX và Tổ hợp APH cũng được PVN/PVTEX nhiều lần báo cáo tại các cuộc họp của Ban Chỉ đạo và trong các báo cáo về việc xử lý các dự án chưa hiệu quả của PVN.

Không phải là một "mệnh lệnh hành chính"

Về thông tin Opec cho rằng để thực hiện việc hợp tác giữa PVTEX và Tổ hợp APH, BSR sẽ thực hiện cắt giảm 35% khối lượng sản phẩm nhựa PP theo hợp đồng đã ký với khách hàng để cung cấp cho An Phát Holdings là theo “mệnh lệnh hành chính”, theo PVN, đây là đánh giá không đúng bản chất.

"Ở đây, theo các quy định phát luật hiện hành, PVN với vai trò là cổ đông tại các doanh nghiệp chỉ đưa ra định hướng Người đại diện vốn tại doanh nghiệp dựa trên lợi ích tổng thể và không phương hại đến lợi ích của bên thứ 3. Và tính đến nay, BSR vẫn đang đảm bảo cung cấp đầy đủ số lượng sản phẩm nhựa PP cho Opec theo đúng hợp đồng đã ký", đại diện PVN giải thích.

Trao đổi với báo chí xung quanh vấn đề hợp tác giữa PVTEX và APH ngày 2/11, ông Đinh Văn Sơn – Thành viên HĐTV PVN khẳng định: Việc lựa chọn Tổ hợp APH là đối tác vận hành lại Nhà máy Xơ sợi Polyestes Đình Vũ đã được tiến hành một cách công khai, rộng rãi, đúng tinh thần chỉ đạo của Chính phủ, Ban Chỉ đạo trong xử lý dự án chưa hiệu quả.

Về vấn đề sản phẩm nhựa PP của BSR, ông Đinh Văn Sơn cũng khẳng định, trong quá trình đàm phán, trao đổi hợp tác, chuyện các đối tác khi đàm phán hợp tác tận dụng lợi thế, vị thế của nhau trong hoạt động kinh doanh là bình thường và phù hợp với các quy định pháp luật.

Theo ông Sơn, “PVN không can thiệp vào bất kỳ hợp đồng kinh tế nào, mà ở đây, PVN chỉ sử dụng những quyền được quy định theo pháp luật để yêu cầu Người đại diện vốn của Tập đoàn tại đơn vị. Chúng ta đang thực hiện một chủ trương lớn của Đảng, của Chính phủ"

" 12 dự án chưa hiệu quả nếu không được xử lý sẽ để lại gánh nặng rất lớn cho nền kinh tế. PVN rất ý thức được trách nhiệm về vấn đề. Mục tiêu giải cứu các dự án chưa hiệu quả không thay đổi, công cụ Tập đoàn sử dụng trong trường hợp PVTEX là không đổi. Sản phẩm nhựa PP của BSR chỉ là một công cụ trong các giải pháp” – ông Đinh Văn Sơn nói.

Hà Nguyễn

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm