1. Dòng sự kiện:
  2. Hàng giá rẻ Trung Quốc đổ bộ

Giải cứu cá tra

(Dân trí) - Ba tháng đầu 2012 giá bán cá tra dao động từ 26.500 - 28.500 đồng/1kg, đa số người nuôi có lãi. Tuy nhiên từ tháng 3 đến nay giá cá tra liên tục lao dốc và nay chỉ còn 20.500 - 21.000 đồng, với giá này người nuôi lỗ từ 2.000 - 5.000 đồng/1kg.

Chiều 26/6, tại UBND tỉnh Đồng Tháp, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Cao Đức Phát chủ trì hội nghị sơ kết tình hình sản xuất và tiêu thụ cá tra vùng ĐBSCL 6 tháng đầu năm và kế hoạch 6 tháng cuối năm. Tuy nhiên hơn 2/3 thời gian của hội nghị, các đại biểu, doanh nghiệp dành để mổ xẻ nguyên nhân giá cá tra liên tục rớt giá, trong khi thị trường tiêu thụ vẫn rộng mở.

Vì sao giá cá lao dốc?

Đại diện cho các tỉnh nuôi trồng, chế biến và xuất khẩu cá tra vùng ĐBSCL, Sở NN&PTNT tỉnh Đồng Tháp báo cáo tình hình xuất khẩu thủy sản 5 tháng qua có nhiều khó khăn nhưng sản lượng và giá trị xuất khẩu tiếp tục tăng so với cùng kỳ năm trước. Cụ thể, sản lượng thủy sản xuất khẩu 69.673 tấn với kim ngạch xuất khẩu 193,5 triệu USD.

Tuy nhiên ngành cũng cho biết, từ tháng 3 đến nay giá cá tra liên tục giảm, từ  mức giá bán cá tra hấp dẫn 26.500 - 28.500 đồng trong 3 tháng đầu năm, đến nay giá cá chỉ còn 20.500 - 21.000 đồng, với giá này người nuôi lỗ từ 2.000 - 5.000 đồng trên mỗi kg cá.

Ngành thủy sản miền Tây trước nguy cơ chết dây chuyền

Trước hiện tượng giá cá tra rớt thê thảm trong vòng 5 năm qua, các đại biểu đã dành hơn 2/3 thời gian để mổ xẻ nguyên nhân

Tổng Cục Thủy sản Việt Nam nhận định, so với cùng kỳ năm 2011, trong 6 tháng đầu năm 2012 giá thành sản xuất cá tra nguyên liệu cơ bản ổn định ở mức 23.800 - 24.200/kg. Tuy nhiên, từ đầu năm đến giá bán cá tra liên tục giảm, đặc biệt là từ cuối quý I/2012 tình hình nuôi và chế biến cá tra gặp nhiều khó khăn. Cụ thể, giá bán cá tra trong tháng 5 dao động từ 23.000 - 23.500 đồng/1 kg nhưng hiện nay (18/6) chỉ còn 20.000 - 22.000 đồng/1 kg.

Thực tế, theo nhiều người nuôi cá tra ở các tỉnh ĐBSCL, hiện tại giá cá tra bán tại ao chưa tới 20.000 đồng. Mặc dù giá bán cá tra đã xuống thấp nhất trong vòng 5 năm qua nhưng doanh nghiệp vẫn còn ngó lơ, nông dân chỉ biết than trời.

Giải thích hiện tượng này, Ông Dương Ngọc Minh - Phó chủ tịch Hiệp Hội VASEP cho biết: “Nguyên nhân chính để dẫn đến tình trạng giá cá tra lao dốc như hiện nay là do thiếu vốn. Người nuôi thiếu vốn nên bán đổ bán tháo cho doanh nghiệp. Doanh nghiệp thiếu vốn nên cũng không thể mua cá của nông dân”.

Tuy nhiên, đại diện các ngân hàng có mặt tại hội nghị, Ông Nguyễn Ngọc Thạch - Giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Đồng Tháp phân trần: “Việc tìm ra nguyên nhân dẫn đến giá cá tra sụt giảm như hiện nay là cần thiết. Nhưng người nuôi cần tính toán lại chi phí đầu tư vì thực tế để cho ra 1 kg cá tra nguyên liệu thì người nuôi phải mất từ 22.00 – 23.000 đồng, trong đó chi phí cá giống, tiền thức ăn, tiền thuốc… là con số không nhỏ. Lãi suất ngân hàng như hiện nay chưa phải là một lí do chính để kéo người nuôi đi đến thua lỗ!”

Một nguyên nhân khác nhiều đại biểu các tỉnh cho biết là cung vượt cầu. Hàng năm diện tích nuôi cá tra liên tục tăng, sản lượng theo đó tăng lên. Nếu tính đến tháng 6/2012 ĐBSCL có 4.541 ha với tổng sản lượng ước đạt khoảng 700.000 tấn. Nhưng theo VASEP, riêng số doanh nghiệp là thành viên của Hiệp hội đã có vuông nuôi với sản lượng khoảng 600.000 tấn. Do đó, doanh nghiệp phải tự cứu mình (tiêu thụ cá của công ty) để giải bài toán nguồn vốn khó khăn như hiện nay.

Nhiều đại biểu khác cho rằng giá cá tra lao dốc như hiện nay là do thị trường quốc tế. Theo thống kê của VASEP, tính từ đầu năm đến ngày 15/5, kim ngạch xuất khẩu cá tra qua thị trường EU, (chủ yếu gồm Tây Ban Nha, Hà Lan, Đức, Ý…) đạt trên 169 triệu đô la Mỹ, giảm 14% so với cùng kỳ năm 2011. Đa số doanh nghiệp chế biến xuất khẩu cá tra Việt Nam phụ thuộc vào thị trường này.

Trong khi đó, có một hiện tượng lạ là kim ngạch xuất khẩu qua thị trường Mỹ đạt 127,6 triệu đô la Mỹ, tăng đến 44% so với cùng kỳ năm 2011. Nhưng theo Ông Dương Ngọc Minh - Phó chủ tịch Hiệp hội VASEP lo ngại đây sẽ là nguyên nhân tiếp theo để kéo giá cá tra tuột giảm, khi các doanh nghiệp đổ dồn xuất khẩu vào thị trường Mỹ.

Chưa tìm được hướng đi bền vững

Theo báo của Tổng Cục Thủy sản, trong 6 tháng đầu năm 2012 tình hình sản xuất con giống, diện tịch nuôi trồng, sản lượng đều tăng. Nổi bật nhất là báo cáo của Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam cho thấy nếu tính đến hết tháng 5/2012 giá trị xuất khẩu cá tra đạt trên 700 triệu USD, tăng 9,4% so với cùng kỳ năm 2011 và chiếm tỷ trọng 31,2% trong tổng số giá trị xuất khẩu thủy sản cả nước.

Với tình hình này, ngành nuôi trồng và chế biến cá tra của các tỉnh ĐBSCL đang trên đà phát triển. Tuy nhiên thực tế doanh nghiệp và người nuôi cá đang khóc ròng vì thua lỗ do giá cá giảm, doanh nghiệp không tiếp cận vốn, sản xuất cầm chừng cũng lỗ. Vậy đâu là nguyên nhân của thực trạng nền cá tra Việt Nam hiên tại? Tiến sĩ Võ Hùng Dũng, Giám đốc Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam chi nhánh (VCCI) Cần Thơ đặt vấn đề tại hội nghị.

Và thực tế với tình trạng khó khăn của ngành nuôi trồng và chế biến xuất khẩu cá tra hiện nay, ông Dũng cũng đưa ra giải pháp là yêu cầu các ngân hàng tiếp tục bơm vốn cho doanh nghiệp và người nuôi; Nhà nước tăng cường công tác quản lí về giống, diện tích và xuất khẩu của doanh nghiệp; VASEP phải đảm bảo thông suốt hệ thống thông tin về thị trường, xuất khẩu, giá cả. Ông Dũng cũng đề nghị tạm dừng cấp phép thành lập doanh nghiệp xuất khẩu cá tra và các doanh nghiệp phải mạnh dạng xây dựng thương hiệu.

Ngành thủy sản miền Tây trước nguy cơ chết dây chuyền

Hiện nay có hơn 70% doanh nghiệp sản xuất chỉ đạt công suất 30% nên đây cũng là một sự lãng phí nếu không tìm ra hướng đi bền vững cho ngành xuất khẩu cá tra

Góp phần tìm ra hướng đi bền vững cho con cá tra, các doanh nghiệp như Nam Việt, Vĩnh Hoàng, … tham gia đóng góp nhiều ý kiến. Đại diện công ty Nam Việt cho rằng ngân hàng tiếp tục cho doanh nghiệp vay là cần thiết. Nhưng một mặt phải chấp nhận cho một số doanh nghiệp yếu kém phá sản, từng bước cơ cấu lại các doanh nghiệp nhỏ thành doanh nghiệp lớn. Xây dựng giá sàn xuất khẩu cá tra và sớm đưa ngành nuôi trồng chế biến xuất khẩu cá tra vào ngành kinh doanh có điều kiện để nhà nước quản lí.

Trong khi đó nhiều doanh nghiệp khác lại lo ngại vấn đề chất lượng con giống là yếu tố phá vỡ con đường phát triển bền vững của con cá trời ban cho vùng ĐBSCL. Theo Tổng Cục Thủy sản, tính đến 15/6/2012 sản lượng giống toàn vùng đạt 1,5 tỷ con cá giống về cơ bản đáp ứng được nhu cầu thả nuôi của toàn vùng ĐBSCL. Tuy nhiên, với sự phát tiển ồ ạt về diện tích ươn giống như hiện nay (trên 1.000 ha) thì cơ quan nhà nước không thể quản lí được về chất lượng giống, dẫn đến tình trạng con giống xấu, tỷ lệ hao hụt tăng lên 40 - 50%, góp phần thêm gánh nặng cho người nuôi cá.

Do vậy nhiều đại biểu kiến nghị, song song với những giải pháp tìm hướng đi bền vững cho ngành nuôi trồng chế biến cá tra thì chất lượng con giống phải đặt lên hàng đầu. Nhà nước tăng cường công tác kiểm soát và quản lí, xây dựng cơ sở hạ tầng cho những vùng nuôi trọng điểm về đê bao, giao thông, điện và kiểm soát được chất lượng thức ăn, thuốc…

Kết luận hội nghị, Bộ trưởng Cao Đức Phát cho rằng: Trước khi Chính phủ đồng ý hai gói hỗ trợ 4.400 tỉ đồng dành cho người nuôi cá và DN thì trong lúc này người nuôi cá và doanh nghiệp cần có sự liên kết hỗ trợ nhau để cũng vượt qua khó khăn hiện tại.
 
Đối với người nuôi cá, Bộ trưởng lưu ý cần tính toán lại các khoản chi phí, tránh đầu tư dàn trải và nâng cao kỹ thuật, áp dụng tiến bộ khoa học để giảm rủi ro khi nuôi… Về doanh nghiệp, theo Bộ trưởng Phát, phải tập trung xây dựng thương hiệu, chánh làm gian lận trong thương mại, tăng cường công tác phát triển và bảo vệ thị trường...

Cuối cùng Bộ trưởng nhận định, việc giá bán cá tra rớt giá như hiện nay chỉ là khó khăn nhất thời, vì thực tế thị trường xuất khẩu cá tra của Việt Nam còn nhiều tìm năng nên các doanh nghiệp cần nổ lực với Chính phủ bằng cách tiếp tục mở rộng thị trường quốc tế trước khi tìm hướng đi căn cơ cho con cá tra Việt Nam.

Nguyễn Hành

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm