Giấc mơ nhà ở của người nghèo: Trách nhiệm của nhà quản lý

(Dân trí) – “Hướng đi của chính sách phát triển nhà ở đứng trên 2 chân: bằng thị trường cho người có tiền và bằng hỗ trợ của nhà nước cho người khó khăn. Chủ trương chung thắp lên hy vọng nhà ở cho người thu nhập thấp, người nghèo”- GS.Đặng Hùng Võ nhận định lạc quan.

2011 kết lại một năm “sóng gió” với thị trường bất động sản, thị trường chung cư, nhà ở với một quyết sách được Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng phê duyệt vào ngày cuối cùng của tháng 11 – Quyết định 2127 về Chiến lược phát triển nhà ở quốc gia đến năm 2020, tầm nhìn 2030.

Bộ Xây dựng (đơn vị làm Chiến lược) đề xuất chủ trương hành động tập trung vào phát triển nhà chung cư, nhà cho thuê giá rẻ. Bộ đặt mục tiêu phấn đấu đầu tư xây dựng mới 100 triệu m2 sàn nhà ở mỗi năm, trong đó tối thiểu khoảng 20% dành cho các đối tượng chính sách xã hội, người có thu nhập thấp tại khu vực đô thị. Theo đó, mọi công cụ về chính sách, quy hoạch, đất đai, tài chính, công nghệ được đổi mới nhằm huy động nguồn lực mọi thành phần kinh tế tham gia phát triển nhà ở theo cơ chế thị trường và chủ động triển khai các chương trình phát triển nhà ở cho người thuộc diện chính sách xã hội nói chung, cho người có thu nhập thấp tại đô thị và các hộ nghèo ở nông thôn nói riêng.
 
Giấc mơ nhà ở của người nghèo: Trách nhiệm của nhà quản lý - 1
Một khu nhà ở cho công nhân tại Đông Anh, Hà Nội.

Bộ trưởng Xây dựng Trịnh Đình Dũng chia sẻ, Bộ đã dồn nhiều tâm sức vào việc soạn thảo Chiến lược. “Chiến lược nhà ở lần này sẽ dùng phương tiện thị trường để thực hiện các mục tiêu xã hội vì con người. Đây là lần đầu tiên chúng ta có chiến lược phát triển nhà và cụ thể hoá chủ trương tập trung để phát triển nhà cho người thu nhập thấp, người nghèo” – ông Dũng khẳng định.

Nguyên Thứ trưởng Bộ TN-MT, GS.Đặng Hùng Võ đánh giá cao quan điểm khẳng định nhà nước có chính sách thúc đẩy thị trường nhà ở phát triển, đồng thời có chính sách hỗ trợ về nhà ở cho các đối tượng chính sách xã hội, người có thu nhập thấp và người nghèo gặp khó khăn về nhà ở.

Ông Võ phân tích: “Hướng đi của chính sách phát triển nhà ở đứng trên 2 chân: bằng thị trường cho người có tiền và bằng hỗ trợ của nhà nước cho người khó khăn. Chủ trương chung thắp lên hy vọng nhà ở cho người thu nhập thấp, người nghèo”.

Quyết định 2127, theo đó, là văn bản truyền tải thông điệp về trách nhiệm của nhà nước đối với giấc mơ nhà ở của người có thu nhập thấp, người nghèo. Thực hiện thành công Chiến lược là làm giấc mơ này trở thành hiện thực.

Để giải quyết nhà ở cho người có thu nhập thấp tại đô thị, nhà nước chủ động đầu tư phát triển quỹ nhà ở xã hội từ nguồn ngân sách để cho thuê, thuê mua, đồng thời ban hành các cơ chế, chính sách ưu đãi để khuyến khích các thành phần kinh tế tham gia đầu tư xây dựng nhà ở thu nhập thấp để bán, cho thuê, thuê mua.

“Chính sách này đã đặt lên 2 trụ chính: một là nhà nước chủ động đầu tư, hai là nhà nước khuyến khích cộng đồng tham gia đầu tư. Chiến lược cũng đặt ra một hệ thống giải pháp dựa trên đổi mới chính sách đất đai, quy hoạch và kiến trúc, tài chính (tín dụng và thuế), phát triển thị trường và quản lý sử dụng, khoa học và công nghệ, cải cách thủ tục hành chính, hoàn thiện tổ chức, tuyên truyền nâng cao nhận thức. Những giải pháp đổi mới như vậy chắc chắn tạo được con đường đi dễ dàng tới mục tiêu đặt ra” – ông Võ nhận định.
 

8 đối tượng có khó khăn về nhà ở Chính phủ ưu tiên giải quyết theo Quyết định 2127: 1 - Người có công với cách mạng; 2 - Các hộ nghèo khu vực nông thôn; 3 – Người thu nhập thấp tại khu vực đô thị; 4- Cán bộ, công chức, viên chức, nhân sỹ, trí thức, văn nghệ sỹ; 5 - Sỹ quan, quân nhân chuyên nghiệp thuộc lực lượng vũ trang; 6 – Công nhân lao động tại các khu công nghiệp, cụm công nghiệp và các cơ sở sản xuất, dịch vụ ngoài khu công nghiệp; 7 - Sinh viên, học sinh các trường đại học, cáo đẳng, trung cấp chuyên nghiệp và dạy nghề; 8 - Các đối tượng chính sách xã hội đặc biệt khó khăn (người tàn tật, người già cô đơn, người nhiễm chất độc da cam...).

P.Thảo