“Giấc mơ” bay thẳng tới Mỹ của hàng không Việt Nam sắp thành hiện thực?

(Dân trí) - Dự kiến, trong tháng 5 tới đây, Cục Hàng không Liên bang Mỹ (FAA) sẽ có bước phê chuẩn không chính thức đối với hàng không dân dụng Việt Nam về năng lực giám sát hàng không mức 1 (CAT1). Điều này mở ra cơ hội khả thi về một đường bay thẳng tới Mỹ sau hơn 10 năm ấp ủ.

Ông Lại Xuân Thanh - Cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam - đã cho PV Dân trí biết thông tin nói trên trong cuộc trao đổi sáng nay (18/4).

Năm 2001, giao dịch thương mại đầu tiên giữa Việt Nam và Hoa Kỳ được ký kết sau Hiệp định Thương mại song phương là Hãng hàng không Quốc gia Việt Nam (Vietnam Airlines) mua 4 máy bay Boeing 777-200ER của Boeing. Năm 2003, Hiệp định hàng không Việt Nam - Hoa Kỳ được ký kết, Hiệp định này cho phép các hãng hàng không mở đường bay thẳng giữa 2 nước.

Về phía Mỹ, mới chỉ có Hãng hàng không United Airlines của Mỹ mở đường bay từ San Fransisco tới TPHCM của Việt Nam nhưng transit (quá cảnh) ở Hongkong. Tuy nhiên, năm 2016 đường bay này đã tạm dừng khai thác, nguyên nhân được cho là do thị trường chưa tốt.

Phía Việt Nam, việc thiết lập đường bay thẳng đi Mỹ được Chính phủ giao cho Bộ Giao thông vận tải xúc tiến, nhưng đến nay vẫn chưa thể hiện thực hoá. Trong khi đó, từ năm 2004 Vietnam Airlines cũng có kế hoạch khai thác và đã sẵn sàng bay thẳng tới bờ Tây nước Mỹ.

Vietnam Airlines đã nộp hồ sơ tới Mỹ xin cấp phép bay thương mại, dự kiến bay thẳng vào năm 2018
Vietnam Airlines đã nộp hồ sơ tới Mỹ xin cấp phép bay thương mại, dự kiến bay thẳng vào năm 2018

Sở dĩ Việt Nam chưa thể thiết lập đường bay thẳng đi Mỹ là do “vướng” những rào cản ngặt nghèo về tiêu chuẩn an toàn và năng lực giám sát của hàng không Liên bang, mà điều kiện tiên quyết là phải đạt được Tiêu chuẩn CAT1 của FAA.

Cục trưởng Lại Xuân Thanh cho biết: “Việt Nam đã chuẩn bị kỹ càng về năng lực giám sát an toàn hàng không trong nhiều năm và đến nay sẵn sàng để phía Mỹ rà soát các thủ tục quan trọng này. Dự kiến, tháng 5 tới đây, FAA sẽ sang Việt Nam để thực hiện bước phê chuẩn không chính thức về CAT1”.

Theo Cục trưởng Lại Xuân Thanh, trong đợt phê chuẩn không chính thức này nếu kết quả tốt thì sẽ được FAA lưu giữ để công nhận trong đợt phê chuẩn chính thức, là cơ sở quan trọng cho đợt Đánh giá an toàn hàng không toàn cầu (IASA), trước khi chính thức phê chuẩn CAT1 cho Việt Nam.

Với những điều kiện từ phía Mỹ, sau khi đạt CAT1, Cục Hàng không Việt Nam sẽ được phép giám sát các hãng hàng không có trụ sở tại nước ta nhằm bảo đảm sự tuân thủ các quy chế và đáp ứng các tiêu chuẩn quốc tế để có thể bay thẳng đến Mỹ, không phải quá cảnh ở nước thứ ba.

Việt Nam đang duy trì theo các tiêu chuẩn an toàn hàng không của ICAO, nhưng để được FAA phê chuẩn Mức 1 thì phải nâng tiêu chuẩn theo quy định của Mỹ, trong đó bao gồm việc hoàn thiện bộ quy chế, vấn đề con người - đủ về số lượng và đảm bảo năng lực về giám sát viên, thanh tra...

Về nguyên tắc, tiêu chuẩn an toàn hàng không của FAA và ICAO không “vênh” nhau, nhưng việc giám sát an ninh đối với các chuyến bay đến Mỹ của Cục Điều tra Liên bang Mỹ (FBI) lại tuyệt đối nghiêm ngặt và những cảnh báo an ninh của FBI cao hơn rất nhiều so với những quy định về an ninh hàng không của ICAO hiện nay.

Được biết, Vietnam Airlines đã nộp hồ sơ xin cấp phép bay thương mại lên Bộ Giao thông vận tải Mỹ, trên cơ sở đánh giá CAT1 của FAA, Vietnam Airlines sẽ nghiên cứu, lập kế hoạch khai thác đến thị trường Mỹ, dự kiến vào năm 2018.

Các chuyên gia hàng không nhận định, thị trường hàng không Mỹ rất quan trọng, bay Mỹ tạo ra một vị thế mới cho các hãng hàng không của Việt Nam. Các hãng hàng không Việt Nam có thể mở đường bay thẳng tới Mỹ sau khi được phê chuẩn CAT1, nhưng phải chấp hành tuyệt đối về quy định an ninh an toàn hàng không của quốc gia đó, bởi từng có tiền lệ FAA hạ bậc về Tiêu chuẩn an toàn hàng không của một số nước sau khi đạt được CAT1.

Châu Như Quỳnh