1. Dòng sự kiện:
  2. Hàng giá rẻ Trung Quốc đổ bộ

Giá xăng tăng ngược thế giới, đại biểu Quốc hội yêu cầu giám sát chặt

(Dân trí) - Theo đại biểu Quốc hội, nếu Liên Bộ Tài chính - Công Thương điều chỉnh giảm thuế nhập khẩu thì giá xăng chưa cần tăng thêm 1.200 đồng/lít vào đêm qua.

Đọc những thông tin kinh tế - tài chính mới nhất trên FICA:

Tối qua, liên Bộ Công Thương - Tài chính đã điều chỉnh tăng giá bán lẻ xăng A92 và E5 thêm 1.200 đồng/lít; dầu diesel tăng 500 đồng/lít và dầu madut tăng thêm 500 đồng/lít. Riêng mặt hàng dầu hỏa giảm giá 64 đồng/lít.

Như vậy, đây là đợt điều chỉnh tăng giá bán lẻ xăng dầu lần thứ 2 liên tiếp kể từ đầu tháng 5 với tổng cộng mức tăng thêm 3.150 đồng/lít. Trước đó, ngày 5/5, giá xăng bán lẻ trong nước cũng tăng mạnh gần 2.000 đồng/lít…

Trao đổi bên lề kỳ họp sáng nay 21/5, nhiều đại biểu Quốc hội lo ngại việc giá xăng tăng sẽ ảnh hưởng tới tốc độ phục hồi hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp.

Sau hai lần điều chỉnh liên tiếp, giá xăng đã tăng thêm 3.150 đồng/lít.
Sau hai lần điều chỉnh liên tiếp, giá xăng đã tăng thêm 3.150 đồng/lít.

Theo đại biểu Quốc hội Cao Sỹ Kiêm, giá xăng tăng phụ thuộc vào cung cầu trong nước, giá thế giới và cơ chế điều hành giá xăng theo nguyên tắc thị trường. Tuy nhiên, ông cũng bày tỏ thái độ băn khoăn về quyết định tăng giá xăng, thay vì có thể điều chỉnh thuế xuất nhập khẩu xăng.

“Nếu Liên Bộ điều chỉnh giảm thuế nhập khẩu thì giá xăng lần này có thể giữ nguyên. Doanh nghiệp đang phục hồi hoạt động sản xuất, kinh tế đang lên và mới bắt đầu dễ thở hơn, nhưng cùng lúc tăng cả xăng, điện, tỷ giá có thể gây ảnh hưởng đến hoạt động của doanh nghiệp, làm giá thành sản phẩm tăng lên. Điều này khiến cho việc tăng sức cạnh tranh của hàng hóa trong nước bị hạn chế”, ông Kiêm lo ngại.

Đại biểu Quốc hội Bùi Thị An cho rằng, Việt Nam đã theo cơ chế thị trường, giá xăng tăng là theo thị trường, thể hiện tính hội nhập của nền kinh tế.

“Tuy nhiên, chúng ta là thị trường định hướng XHCN, đương nhiên phải có sự quan tâm của Nhà nước. Tôi đề nghị công khai giá xăng từ giá nhập, các nức lỗ, lãi một cách cụ thể. Giá xăng ảnh hưởng đến cuộc sống của nhân dân nên tăng nhanh, giảm chậm dân kêu”, bà An đề xuất.

Bà An nhắn nhủ Liên Bộ cần phải công khai các yếu tố hình thành nên giá xăng dầu, nguồn hàng nhập… “Chính phủ cần yêu cầu các đơn vị kinh doanh xăng phải minh bạch. Quốc hội nên có giám sát chặt chẽ giá xăng”, bà An nói.

Cho rằng giá xăng cần phải điều chỉnh cho phù hợp với xu thế giá thế giới, nhưng đại biểu Trần Hoàng Ngân lưu ý cơ quan chức năng cần theo sát biến động khó lường của giá thế giới. Theo quan sát của vị đại biểu này, trong ngày 20 - 21/5, giá xăng dầu thế giới đã giảm, nhưng Việt Nam lại điều chỉnh tăng.

“Việc điều chỉnh giá xăng dầu của ta dựa vào một chu kỳ nhất định, một thời gian nhất định, chứ không căn cứ vào biến động giá từng ngày. Cách đây khoảng 1 tuần, giá xăng dầu thế giới tăng, nên ta cũng tăng. Tuy nhiên, do thời điểm công bố giá xăng của ta không phù hợp với giá xăng trên thế giới, tạo nên sự căng thẳng cho người tiêu dùng”, ông Ngân nói.

Do đó, ông Ngân đề xuất Quốc hội nên có một giám sát chuyên đề về giá xăng dầu. Bởi đây là vấn đề thiết yếu trong đời sống hàng ngày và được nhân dân rất quan tâm.

Ông Ngân phân tích, theo quy định, việc điều chỉnh giá xăng phải có thời gian và thời gian đó trong vòng 15 ngày. Trong khi đó, giá xăng dầu các nước được điều chỉnh từng ngày, thế nên mới có độ chênh, khi giá xăng thế giới đang giảm thì giá trong nước lại tăng.

“Nên rút ngắn thời gian điều chỉnh giá xăng, tạo thói quen cho người dân về sự lên, xuống của giá xăng. Chỉ có như thế mới không tạo ra những cú sốc về giá. Vấn đề là làm sao giám sát được hiệu ứng đô- mi - nô từ giá xăng dầu đến giá cả các mặt hàng khác”, ông Ngân nhấn mạnh.

 Nguyễn Hiền


Hà Nội: Tận mục bến xe khách ngầm trên “đất vàng”

 

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm