Giá xăng tăng bất ngờ để chống đầu cơ?!
(Dân trí) - Bộ Công thương cho biết, với việc công khai giá và biết giá thế giới đang lên bao nhiêu, tại một số thời điểm đã có hiện tượng các cá nhân gom hàng, đầu cơ và tạo khan hiếm giả tạo nhằm mục đích trục lợi. Do đó,"khi giá lên không được thông báo trước".
Giá xăng tăng sẽ không được thông báo trước.
Nhiều câu hỏi về đợt tăng “sốc” giá xăng dầu ngày 28/2 vừa qua đã được đưa ra tại cuộc họp báo thường kỳ tháng 3 của Bộ Công thương diễn ra chiều 1/4.
Các thắc mắc của báo giới tiếp tục xoáy sâu vào nguyên nhân tăng giá bất ngờ và cường độ mạnh, gây “sốc” cho người tiêu dùng giữa lúc xăng thế giới đang trong đà giảm.
Tuy nhiên, theo lý giải của ông Võ Văn Quyền, Vụ trưởng Vụ thị trường trong nước, nguyên tắc “khi giá lên không được thông báo trước”. Điều này liên quan đến việc sửa đổi Nghị định 84 về kinh doanh xăng dầu.
Ông Quyền cho hay, các tài liệu doanh nghiệp đăng ký, các cơ quan trao đổi với nhau là tài liệu mật, không được công nkhai để tránh tình trạng sử dụng tài liệu này sẽ gây rúng động thị trường, gom hàng, đầu cơ, tạo ra khan hiếm”.
“Trên thực tế, chúng ta càng công khai giá, càng công khai bao nhiêu và biết giá thế giới đang lên bao nhiêu thì tại một số thời điểm đã có hiện tượng một số cá nhân thực hiện hành vi này, mặc dù chúng ta chưa thông báo”.
Việc thông báo trước hay thông báo sau, ông Quyền cho rằng, phải thực hiện như thế nào để vừa đảm bảo được minh bạch lại vừa đảm bảo được điều hành, không tạo ra sự khan hiếm giả tạo, bất ổn trong thị trường là mục tiêu cần tiến tới.
Khi trả lời câu hỏi, “liệu trong tháng 3, nhập khẩu xăng dầu tăng mạnh 23% so tháng trước, có phải do doanh nghiệp dự đoán giá thế tăng để gom hàng, đầu cơ không”, ông Quyền khẳng định, việc nhập vào lúc nào, số lượng bao nhiêu là doanh nghiệp tự quyết định.
Nhà nước chỉ yêu cầu các doanh nghiệp phải luôn đủ dự trữ 30 ngày, nếu doanh nghiệp nhập cao sau đó giá thế giới xuống thì doanh nghiệp lỗ, nhập thấp sau đó giá thế giới lên thì doanh nghiệp có lợi!
Ngoài ra, đại diện Bộ Công thương cũng cho biết, không có quy định pháp luật nào về việc nếu không chống được buôn lậu xăng dầu thì cho phép tăng giá.
“Việc điều hành giá xăng dầu tùy vào tình hình kinh tế - xã hội để tăng hoặc giảm. Việc chống buôn lậu xăng dầu qua biên giới chỉ là một trong những căn cứ chứ không phải là duy nhất”.
Về tình hình sửa đổi Nghị định 84 về kinh doanh xăng dầu, hiện Bộ Công thương đang lấy ý kiến đóng góp để báo cáo với Thủ tướng. Dự kiến sẽ trình Nghị định sửa đổi bổ sung chậm nhất 30/6/2013.
Bích Diệp