Giá xăng không thể giảm hơn do... chính sách

(Dân trí) - Theo các chuyên gia, đáng lẽ trong lần điều chỉnh gần đây nhất, giá xăng phải giảm sâu hơn nếu cơ quan quản lý yêu cầu xả quỹ bình ổn hoặc dừng trích quỹ. Giá xăng dầu cũng không hoàn toàn theo giá thế giới do "vướng" các nguồn thu từ xăng dầu cho ngân sách Nhà nước.

 

xang-23316
Giá xăng có thể giảm sâu hơn, thậm chí giảm hơn 1.000 đồng/lít, nếu cơ quan quản lý yêu cầu doanh nghiệp xả quỹ bình ổn hoặc dừng trích quỹ bình ổn. 

"Phải giảm sâu hơn nữa"

Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính) dự báo, giá một số mặt hàng nhiên liệu như xăng dầu thành phẩm, LPG (gas) trong tháng 8 sẽ còn giảm tiếp hoặc ở mức thấp, tạo thuận lợi cho việc điều hành các mặt hàng này ở thị trường trong nước.

Lần gần nhất, giá xăng dầu trong nước được điều chỉnh giảm là vào ngày 4/8. Theo đó, giá xăng RON 92 và xăng sinh học E5 đồng loạt được điều chỉnh giảm 816 đồng/lít. Đây cũng là lần đầu tiên trong vòng 3 tháng qua, giá xăng RON 92 xuống dưới ngưỡng 20.000 đồng/lít, còn 19.304 đồng/lít.

Giá xăng dầu trong nước được điều chỉnh liên tiếp trong thời gian qua cùng với xu hướng giảm của giá nhập khẩu. Kể từ ngày 24/6 trở lại đây, giá xăng dầu nhập khẩu luôn nằm dưới mốc 80 USD/thùng, sau khi đã dao động quanh mốc này trong giai đoạn tháng 5-6.

Trên bình diện quốc tế, giá dầu thô cũng nằm trong xu hướng giảm, xuống mức thấp nhất 6 năm do lo ngại nguồn cung dư thừa. Nhiều chuyên gia dự báo, giá dầu thô có thể sẽ tiếp tục giảm sâu, thậm chí xuống còn khoảng 30 USD/thùng trong thời gian tới.

Tuy nhiên, việc giá xăng giảm vẫn chưa thực sự làm giới chuyên gia cũng như người tiêu dùng hài lòng. Đây là lần giảm thứ 3 liên tiếp từ giữa tháng 6 đến nay và tính từ đầu năm, giá xăng đã giảm 5 lần (tổng cộng 3.620 đồng/lít) và tăng 4 lần (tổng cộng 5.040 đồng/lít). Giá xăng hiện tại đang cao hơn cuối năm ngoái khoảng 1.420 đồng/lít.

Theo đánh giá của nhiều chuyên gia, trong lần điều chỉnh giá xăng gần nhất hôm 4/8, giá xăng có thể giảm nhiều hơn con số 816 đồng/lít. Có ý kiến cho rằng, điều hành xăng dầu bất hợp lý khi tăng nhanh nhưng giảm lại rất nhỏ giọt trong khi các doanh nghiệp xăng dầu đầu mối liên tiếp tăng chiết khấu cho đại lý, lên tới trên dưới 1.000 đồng/lít.

"Thông cảm, kẻo mắng oan"

Trao đổi về lần điều chỉnh giá xăng dầu này, TS. Ngô Trí Long cho rằng, đáng lẽ giá xăng lần này phải giảm sâu hơn, thậm chí có thể giảm hơn 1.000 đồng/lít, nếu cơ quan quản lý yêu cầu doanh nghiệp xả quỹ bình ổn hoặc dừng trích quỹ bình ổn. Hiện quỹ bình ổn theo báo cáo của Bộ Tài chính còn dư 1.794 tỷ đồng tính đến hết quý II.

Theo ông Long, hiện giá xăng ở Mỹ có mức trên dưới 14.000 đồng/lít. Trong bối cảnh khó khăn của doanh nghiệp Việt Nam hiện nay, cơ quan quản lý cần điều hành giá xăng dầu giảm để chia sẻ với doanh nghiệp. Bên cạnh đó, cơ quan quản lý giá cần có biện pháp “thúc” các doanh nghiệp vận tải giảm giá cước; bởi trong tháng này, giá xăng dầu đã giảm hơn 1.000 đồng/lít (tương đương giảm 6%-7%).

Trao đổi về vấn đề này, TS. Nguyễn Minh Phong cho rằng, dù khá khớp với xu hướng chung rồi nhưng giá mức lên xuống của giá xăng dầu vẫn không tương xứng với thế giới.

“Nước mình giá xăng dầu không hoàn toàn theo giá thế giới bởi ngân sách phụ thuộc lớn vào nguồn thu từ xăng dầu nên khi giá thế giới xuống mà các khoản thu tăng thì giá vẫn tăng thôi. Về chi tiết này, phải thông cảm cho ngành xăng dầu để không mắng oan cho họ”, ông Phong nói.

Tuy nhiên, ông Phong cũng cho biết, theo tìm hiểu của ông, doanh nghiệp đầu mối xăng dầu hiện đang để mức lãi định mức quá cao lên tới 1.300 đồng/lít. Con số này quá cao so với thông báo đưa ra chỉ khoảng 800 đồng/lít.

“Quyền lợi của người tiêu dùng phụ thuộc vào chính sách của nhà nước, tuy nhiên, ở đây cũng phải nói ngành xăng dầu có lỗi là ăn chiết khấu cao quá. Ngày xưa thậm chí chỉ 300 - 400 đồng/lít thôi mà họ đã sống tốt rồi”, ông nói thêm.

Bên cạnh đó, ông Phong cũng cho rằng, hiện nay, cơ chế quỹ bình ổn giá xăng dầu vận hành chưa ổn và không có tác dụng gì ngoài việc gây “nhiễu” giá, dễ bị ăn gian, lạm dụng. Trong khi đó, cơ chế thị trường vẫn chưa vận hành đầy đủ do thị trường thiếu cạnh tranh. Vấn đề đặt ra là cần phải sửa đổi lại cơ chế chính sách trong Nghị định về quản lý xăng dầu.

Phương Dung

 

Giá xăng không thể giảm hơn do... chính sách - 2