Giá xăng đẩy lạm phát Hà Nội và TPHCM tăng mạnh
(Dân trí) - Sau 3 tháng giảm phát và 1 tháng tăng CPI nhẹ, đến tháng 7, CPI đã bật tăng ở Hà Nội và TPHCM chủ yếu do xăng dầu tăng giá hồi cuối tháng 6. Dự kiến, đợt điều chỉnh giá xăng ngày 17/7 sẽ tác động mạnh đến CPI tháng 8.
Việc tăng giá xăng dầu vừa tác động trực tiếp lẫn gián tiếp lên lạm phát thông qua chi phí đẩy.
Cục thống kê hai đầu cầu kinh tế là Hà Nội và TPHCM vừa công bố số liệu chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 7/2013.
Theo đó, trong tháng này, CPI Hà Nội đã tăng 0,22% so tháng trước và tăng 5,97% so với cùng kỳ. Ở tất cả các nhóm hàng, chỉ số giá đều tăng so tháng trước, trong đó có 2 nhóm hàng tăng cao làm ảnh hưởng đến chỉ số giá là nhóm giao thông (nhóm duy nhất tăng trên 1%) và nhóm hàng nhà ở, điện nước, chất đốt và VLXD tăng 0,66%, còn lại các nhóm hàng khác tăng nhẹ dưới mức bình quân chung.
Nguyên nhân khiến chỉ số giá nhóm giao thông tăng mạnh chủ yếu do các đợt tăng giá xăng dầu liên tục vừa qua.
Tuy nhiên, ảnh hưởng đến CPI tháng này là do đợt tăng giá xăng dầu thực hiện vào cuối tháng 6 (giá xăng tăng 360 đồng/lít và dầu diezen tăng khoảng 370 đồng/lít). Còn đợt tăng ngày 17/7 vừa qua chưa ảnh hưởng trực tiếp đến chỉ số giá tháng này và dự kiến sẽ ảnh hưởng đến chỉ số giá tiêu dùng tháng sau.
Chỉ số giá tiêu dùng bình quân 7 tháng trên địa bàn Hà Nội đã tăng 5,75% so cùng kỳ với 10/11 nhóm hàng tăng, duy nhất có nhóm hàng Bưu chính viễn thông là giảm (giảm 0,14%).
Ngoài ra, với việc điều chỉnh giá gas đầu tháng 7 tăng khoảng 13.000 đ/bình loại 12kg và giá dầu hoả tăng tăng 300 đ/lít vào cuối tháng 6 đã khiến chỉ số nhóm nhà ở, điện nước, chất đốt và vật liệu xây dựng tăng 0,66%. Hiện giá gas Petrolimex bình nhũ loại 12kg có giá khoảng 350.000-380.000 đ/bình.
Nằm ngoài rổ tính giá, chỉ số giá vàng ở Hà Nội giảm, bằng 93,38% so tháng trước và bằng 85,9% so cùng kỳ năm trước, bình quân chung 7 tháng bằng 94,44% so cùng kỳ. Trong khi chỉ số giá USD tăng 0,63% so tháng trước và tăng 1,08% so cùng kỳ, bình quân chung 7 tháng tăng 0,18% so cùng kỳ.
Tại TPHCM, lạm phát ở mức 0,17% so với tháng trước và 3,54% so với cùng kỳ, đưa mức tăng so với tháng 12 lên 0,96%.
Số liệu thống kê ghi nhận, có 5 trên tổng số 11 nhóm hàng hoá thuộc rổ tính giá có chỉ số giá giảm so với tháng trước, bao gồm nhóm nhà ở, điện nước, chất đốt và VLXD, nhóm dược phẩm và dịch vụ y tế; nhóm bưu chính viễn thông, nhóm giáo dịch và nhóm hàng hoá, dịch vụ khác.
Trong khi đó, nhóm có chỉ số giá mạnh nhất là nhóm đi lại và bưu điện, tăng 1,3%. Các nhóm hàng khác có chỉ số giá tăng nhẹ.
Nhóm dịch vụ ăn uống tăng 0,11% với mức tăng ở nhóm lương thực là 0,01%, thực phẩm 0,23% và ăn uống ngoài gia đình không thay đổi so với tháng trước.
Nằm ngoài rổ tính giá, chỉ số giá vàng giảm tới 6,58% so với tháng 6 và giảm 8,89% so với cùng kỳ năm ngoái, trong khi chỉ số giá USD tăng 0,79% so tháng trước, tăng 2,64% so cùng kỳ.
Như vậy sau 3 tháng giảm phát và tháng 6 chỉ số CPI tăng nhẹ trở lại, đến tháng 7, hai đầu cầu kinh tế lớn của cả nước đã chứng kiến sự tăng mạnh trở lại về giá cả, chủ yếu do tăng giá xăng dầu. Dự kiến, với biên độ tăng giá xăng dầu lớn hơn trong ngày 17/7 vừa rồi (ngay đầu kỳ tính tiếp theo), CPI tháng 8 có thể bị đe doạ.
Bích Diệp