1. Dòng sự kiện:
  2. Hàng giá rẻ Trung Quốc đổ bộ

Giá xăng dầu luôn tăng phi mã, giảm nhỏ giọt

“Khi giá dầu thế giới tăng thì DN xăng dầu đòi hỏi tăng lên rất nhanh nhưng khi giá thế giới xuống thì giảm nhỏ giọt...” - PGS.TS Ngô Trí Long, nguyên Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu khoa học thị trường giá cả, nhận xét.

“DN kinh doanh xăng dầu thì lúc nào chả kêu bị lỗ”

Ông nhận xét như thế nào về tác động của thị trường từ các đợt tăng giá xăng dầu vừa qua?

Xăng dầu là một mặt hàng chiến lược, nên việc tăng giá xăng dầu sẽ có lợi vì khi mình xuất khẩu nguồn thu ngân sách tăng lên.

Tuy nhiên, bên cạnh đó nó lại ảnh hưởng đến một số mặt hàng khác như làm cho chi phí đầu vào tăng lên, chi phí tăng lên thì giá thành cũng tăng, điều đó làm cho giá cả mặt hàng khác tăng theo.

Cụ thể, đối với một số lĩnh vực sẽ tác động trực tiếp như vận tải, đánh bắt cá xa bờ, bên cạnh đó tác động gián tiếp là tất cả những hàng hóa vật tư tăng lên.
 
Giá xăng dầu luôn tăng phi mã, giảm nhỏ giọt - 1
Ông Ngô Trí Long: “Cơ chế xăng dầu nửa vời như hiện nay sẽ nảy sinh nhiều bất cập” (ảnh: VietNamnet).

Có ý kiến cho rằng, trước đây khi giá xăng thế giới ở 147 USD/thùng thì giá xăng ở Việt Nam cũng mới 14.500 đồng/ lít. Hiện giờ giá thế giới mới lên hơn 70 USD/thùng mà giá xăng trong nước đã lên tới 14.200 đồng/lít. Theo ông việc tăng giá này đã thực sự hợp lý?

Giá xăng tăng là do giá dầu thô thế giới tăng, hiện nay nhà nước lại không thực hiện việc bù lỗ giá xăng cho các DN nên việc tăng giá là đương nhiên. Mình phải thông cảm vì việc tăng giá là hoàn toàn khách quan.

Nhưng các DN cũng lựa vào đó để chờ khi giá dầu thế giới tăng thì đồng thời đòi hỏi tăng lên rất nhanh nhưng khi giá thế giới xuống thì giảm nhỏ giọt, phải chờ đến khi xã hội, người tiêu dùng gây áp lực mạnh mẽ thì họ mới giảm giá xuống.

Tuy nhiên, các DN kinh doanh xăng dầu cho rằng vì phải giữ giá thấp trong thời gian dài vừa qua khiến cho các DN bị lỗ nặng, dẫn tới việc tăng giá là tất yếu?

DN kinh doanh xăng dầu thì lúc nào chả kêu bị lỗ. Các báo cáo DN gửi lên cơ quan chức năng lúc nào cũng điệp khúc là lỗ triền miên, lỗ nặng, sập tiệm... nhưng đến bây giờ có thấy DN nào sập tiệm đâu.

Cơ quan thuế, kiểm toán kiểm tra được DN xăng dầu lỗ hay không

Vậy theo ông, đâu là bất cập trong việc điều tiết mặt hàng này?

Cần xem xét lại cơ chế quản lý giá xăng dầu. Nghị định 55 của Chính phủ giao quyền tự chủ cho doanh nghiệp quyết định giá xăng dầu, nhưng cũng cần xác định rõ cơ chế quản lý giá trong nền kinh tế thị trường là gì? Đối với những sản phẩm độc quyền phải hoàn toàn do Nhà nước định giá, không phải do doanh nghiệp tự quyết.

Vậy mặt hàng xăng dầu có phải là độc quyền không? Theo luật Cạnh tranh, DN được coi là độc quyền khi chiếm 30% thị phần trong nước, Bộ Tài chính khẳng định rằng hiện nay 11 DN đầu mối xăng kinh doanh dầu vẫn đang cạnh tranh với nhau nhưng riêng ông Petrolimex đã chiếm trên 60% thị phần. Như thế thì, Nhà nước phải định giá mới phù hợp với cơ chế thị trường, chứ không phải giao quyền tự quyết cho DN như hiện nay.

Mặt khác, Nghị định 55 là trao quyền tự quyết cho doanh nghiệp tự định giá nhưng lại nửa vời ở chỗ, mỗi lần định giá doanh nghiệp vẫn phải báo cáo cấp trên. Vòng luẩn quẩn đó chính là cơ chế “nửa dơi nửa chuột”.

Tuy nhiên, để hạn chế độc quyền, nhà nước cũng đã yêu cầu các DN phải đưa ra lý do thuyết phục thì mới chấp nhận tăng giá đấy chứ, thưa ông?

Phải nhìn thấy một điều khi giá dầu thế giới tăng thì các DN đòi hỏi tăng lên rất nhanh, rất nhiều nhưng khi giá thế giới xuống thì giảm nhỏ giọt, phải chờ đến khi xã hội, người tiêu dùng gây áp lực mạnh mẽ thì họ mới giảm giá xuống, thời gian tăng và số tiền tăng nhiều hơn là giảm đi.

Mặc dù vậy lúc nào DN xăng dầu cũng kêu bị lỗ, nhưng ai chứng minh là họ lỗ. Đúng là nhà nước trước khi cho tăng giá phải dựa trên cơ sở vào báo cáo tài chính chi phí thật của DN. Nhưng theo tôi Nhà nước vẫn dựa trên báo cáo của DN mà không có kiểm tra cụ thể.

Vậy trong bối cảnh chưa thể thả nổi hẳn việc kinh doanh xăng dầu theo giá thị trường thì muốn kiểm tra được chính xác các DN báo cáo có đúng với tình hình là bị lỗ hay không để từ đó có những quyết định tăng giá hợp lý thì phải có biện pháp gì, thưa ông?

Muốn kiểm tra tình hình thực tế của DN thì có hai cơ quan có thể nắm rõ nhất: Một là cơ quan thuế hai là kiểm toán. Chỉ có hai đơn vị này là có đúng chức năng, nhiệm vụ kiểm tra các DN này xem chi phí có đúng hay không, chi phí đó quyết định cho lợi nhuận bao nhiêu để quyết định giá bán cho hợp lý.

Nếu thực sự các cơ quan này mà làm sát sao thì chắc chắn hoạt động của DN sẽ lành mạnh hơn, và người tiêu dùng cũng sẽ được lợi.

Xin cám ơn ông!

Theo Lê Minh
VTC News

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm