Giá vé máy bay Tết sẽ tăng mạnh?

(Dân trí) - Thông tư 103 vừa được liên Bộ Tài chính - Giao thông Vận tải ban hành đã chính thức “đột trần” cho các hãng hàng không nội địa. Theo đó, vé máy bay Tết chiều cao điểm của năm nay được dự báo sẽ cao hơn nhiều mức giá 1,7 triệu.

Có đắt và có siêu rẻ

Theo Thông tư số 103 do liên Bộ Tài chính - Giao thông Vận tải ban hành hôm 12/11, giá vé máy bay hạng phổ thông trên các chặng bay nội địa nằm trong danh sách độc quyền (duy nhất một doanh nghiệp khai thác) sẽ do Nhà nước quy định.

Doanh nghiệp sẽ căn cứ vào khung giá này để điều chỉnh các mức vé cho phù hợp với điều kiện kinh doanh của mình. Các chặng còn lại có sự tham gia của từ hai hãng hàng không trở lên sẽ không bị khống chế khung giá vé.

Theo nhiều chuyên gia trong ngành hàng không, Thông tư 103 có tính thị trường nhiều hơn so với cơ chế cũ ban hành cách đây một năm rưỡi. Thông tư bỏ khung giá trần trên các đường bay có cạnh tranh và cho phép các hãng hàng không nội địa tự quyết định giá vé dựa trên quan hệ cung-cầu và tương quan cạnh tranh, xóa bỏ sự cào bằng, bao cấp.

Như vậy với quy định mới, các hãng hàng không có thể bán vé máy bay cao hơn so với giá tối đa 1,7 triệu đồng hiện nay cho vé một chiều hạng phổ thông chặng Hà Nội - TPHCM. Ngược lại sẽ có thêm nhiều vé giá rẻ từ vài chục ngàn tới một, hai trăm ngàn cho chặng này trong những ngày ít khách như đầu tuần, mùa mưa bão…

Trên thực tế, các hãng hàng không nội địa đã nhiều lần nêu ý kiến về việc dỡ bỏ quy định giá trần với vé máy bay. Tổng Giám đốc Vietnam Airlines Phạm Ngọc Minh trong nhiều lần trao đổi với báo chí đều cho rằng: mỗi năm hãng này phải chịu lỗ hàng trăm tỷ đồng trên các chặng bay nội địa, trong khi hệ số sử dụng ghế đạt trên 71% nhưng trên thực tế, tổng doanh thu trên toàn mạng đang ngày ngày phải gánh bớt cho mạng bay nội địa.

Ông Tổng Giám đốc Jetstar Pacific Lương Hoài Nam khi đó còn là lãnh đạo của Pacific Airlines cũng cho biết: “Không có nơi nào trên thế giới mà hãng hàng không sợ bay dịp cao điểm như tết Nguyên đán ở Việt Nam. Chiều đông khách hay chiều ít khách đều có mức giá như nhau. Hành khách thì khốn khổ vì thiếu vé đi lại”.

Lý do để giải thích cho điều này: cơ cấu giá vé và số ghế dành cho một mức giá được các hãng hàng không tính toán làm sao để đạt được một giá bình quân có lãi cho một chuyến bay. Trên nguyên tắc đó, nếu giá trần cao (và những người mua vé sát ngày bay phải trả giá vé cao) thì sẽ có nhiều giá vé rẻ và số chỗ dành cho các giá rẻ đó (và ngược lại).

Việc phá bỏ giá trần, khi đó những người mua vé sát ngày bay, đặc biệt là những người lên sân bay mới mua vé sẽ phải trả giá vé cao hơn. Đồng thời, nhiều người mua vé xa ngày bay sẽ mua được vé máy bay với giá vé thấp hoặc rất thấp do số lượng ghế dành cho những loại giá vé thấp tăng lên.

Nhưng không “thả nổi” giá

Một câu hỏi được đặt ra: tại sao đến thời điểm này liên Bộ Tài chính - Giao thông Vận tải mới ban hành thông tư “cởi trói giá trần” cho các hãng hàng không?

Một lãnh đạo Cục Hàng không Việt Nam khẳng định: “Việc quản lý giá theo Thông tư 103 đi theo xu hướng điều tiết của thị trường để các hãng hàng không chủ động và tự do hơn trong việc đưa ra các mức giá vé sao cho có hiệu quả kinh tế tốt nhất.

Mỗi hãng có những dịch vụ khác nhau, trên cơ sở đó sẽ phân hạng giá vé phù hợp với phương thức kinh doanh và tạo được nhiều sự lựa chọn cho khách hàng. Điều kiện hiện nay của thị trường hàng không Việt Nam, với sự góp mặt của Vietjet Air, Indochina Airlines đảm bảo cho điều đó”.

Thị trường vé máy bay dịp Tết năm nay được đánh giá là sôi động hơn rất nhiều những năm trước khi có sự góp mặt của Indochina Airlines với 4 chuyến mỗi ngày trên trục Bắc - Nam. Trong khi đó, Vietnam Airlines cũng vừa tuyên bố sẽ tăng hơn 800 chuyến, Jetstar Pacific vừa bổ sung thêm máy bay mới và tăng lên 10 chuyến mỗi ngày (thêm hai chuyến so với ngày thường) trên trục chính Hà Nội - TPHCM, mở lại đường bay Huế - TPHCM và dự kiến mở mới đường bay Hà Nội - Cần Thơ.

Trước lo ngại rằng trong điều kiện không bị khống chế giá trần, các hãng hàng không có thể đẩy giá vé lên mức quá cao một quan chức Bộ Giao thông Vận tải khẳng định: mặc dù Thông tư 103 cho phép các hãng hàng không chủ động giá nhưng là trên cơ sở tính toán chi phí hợp lý, chất lượng dịch vụ…

Nhà nước vẫn chưa thả nổi hoàn toàn giá, để được áp dụng giá mới, các hãng hàng không phải đăng ký với liên Bộ. Nếu thấy giá quá cao, không hợp lý cơ quan hữu quan của Bộ GTVT sẽ can thiệp.

Phúc Hưng