1. Dòng sự kiện:
  2. Tư vấn tài chính cá nhân

Giá vàng "lao dốc không phanh" khi USD tăng vọt

(Dân trí) - Phiên giao dịch sáng nay 22/9, giá vàng thế giới lao dốc về sát mốc 1.900 USD/ounce khi đồng USD tăng vọt đã kéo giá vàng SJC giảm về 56,2 triệu đồng/lượng.

Theo đó, giá vàng SJC tại Hà Nội qua niêm yết của một số doanh nghiệp vàng lớn giao dịch ở mức 55,85 triệu đồng/lượng (mua vào) - 56,25 triệu đồng/lượng (bán ra) đối với giao dịch bán lẻ và 55,86 triệu đồng/lượng - 56,24 triệu đồng/lượng đối với giao dịch bán buôn.

Các mức giá này giảm mạnh mỗi chiều 200.000 đồng/lượng và 250.000 đồng/lượng so với chốt phiên hôm qua.

Tại TPHCM, giá vàng SJC qua niêm yết của doanh nghiệp ở mức 55,75 triệu đồng/lượng - 56,2 triệu đồng/lượng, giảm mạnh mỗi chiều 350.000 đồng/lượng so với chốt phiên hôm qua.

Giá vàng lao dốc không phanh khi USD tăng vọt - 1
Giá vàng tăng giảm thất thường, nhà đầu cơ nhỏ lẻ sợ mất vốn

Trên thế giới, lúc 8h50 sáng nay (giờ Việt Nam), giá vàng giao ngay tại châu Á qua niêm yết của Kitco.com có biên độ giảm tiếp xuống mức 1.910,7 USD/ounce.

Giá vàng giảm xuống mức thấp nhất trong gần hai tuần do đồng USD tăng mạnh. Giá vàng kì hạn của Mỹ giảm xuống còn 1.936 USD/ounce.

Đầu phiên giao dịch 22/9 trên thị trường Mỹ (đêm 17/9 giờ Việt Nam), chỉ số US Dollar Index (DXY), đo lường biến động của đồng bạc xanh với rổ 6 đồng tiền chủ chốt (EUR, JPY, GBP, CAD, SEK, CHF) đứng ở mức 93,76 điểm.

Đồng USD trên thị trường thế giới tăng vọt trở lại trong bối cảnh chứng khoán thế giới bị bán tháo và đồng bảng Anh giảm khá nhanh.

Ngoài ra, theo Kitco Metals, giá vàng còn chịu áp lực khá mạnh khi thị trường chứng khoán bị bán tháo. Nếu vàng không giữ được mốc hỗ trợ 1.925 USD/ounce, thì giá sẽ giảm sâu xuống dưới ngưỡng 1.900 USD/ounce, thậm chí xuống 1.875 USD/ounce.

Tuy nhiên, xét về dài hạn, vàng vẫn nằm trong xu hướng tăng giá trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 phức tạp, ngân hàng trung ương các nước tung ra các gói chính sách với lãi suất ưu đãi kể kích cầu nền kinh tế.

Trước đó, giá vàng đã tăng gần 30% khi ngân hàng trung ương các nước, dẫn đầu là Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) đã hỗ trợ nền kinh tế bằng cách ồ ạt bơm tiền ra thị trường, áp dụng lãi suất thấp.

Hiện các nhà đầu tư đang trông đợi vào bài phát biểu từ các nhà hoạch định chính sách của Fed trong tuần này để biết thêm manh mối về cách tiếp cận lạm phát của Ngân hàng Trung ương Mỹ.

Triển vọng kinh tế Mỹ cũng bị ảnh hưởng bởi nỗi lo dịch Covid-19 có thể bùng phát trở lại khi mùa cúm đang tới gần. Nước Mỹ chứng kiến số ca tử vong đã lên tới gần 200 nghìn trường hợp. Số ca nhiễm mới vẫn đạt trung bình gần 40.000 ca/ngày.

Hiện Mỹ vẫn là quốc gia chịu ảnh hưởng nghiêm trọng nhất của dịch, tiếp theo là Ấn Độ, Brazil.

Nước Anh đang xem xét phong tỏa toàn quốc lần hai vì dịch bệnh khi số ca nhiễm được ghi nhận mỗi ngày ở nước này tăng cao trong thời gian gần đây, nhất là số trường hợp nhập viện và nhiễm bệnh tăng vọt ở một số vùng miền bắc nước Anh và Thủ đô London.

Thủ đô Tây Ban Nha tái phong tỏa, các lệnh hạn chế đi lại áp dụng tại 6 quận trong thành phố này sẽ bắt đầu có hiệu lực từ ngày 21/9 do mức độ lây nhiễm Covid-19 đã vượt mức 1000 ca/100.000 dân.

Tại khu vực châu Á, đứng thứ 2 sau Ấn Độ về số trường hợp mắc là Iran, tiếp theo là Bangladesh.

Tính chung trên thế giới, hiện có hơn 31 triệu trường hợp mắc, hơn 960.000 trường hợp tử vong Covid-19 tại 215 quốc gia, vùng lãnh thổ. Tổng số bệnh nhân Covid-19 hồi phục là hơn 22,6 triệu và hơn 7,4 triệu bệnh nhân đang điều trị, trong đó hơn 61.000 trường hợp bệnh nặng hoặc nguy kịch.