Giả thiết về hai hướng sửa đổi Thông tư 13
Thông tư 13 có thể được sửa đổi nhưng không thay đổi, và có hai hướng sửa đổi về thời hạn thực hiện và cách định nghĩa.
Đây là giả thiết mà chuyên gia của Công ty Cổ phần Chứng khoán TPHCM (HSC) đặt ra, trong bản phân tích về triển vọng thị trường chứng khoán Việt Nam vừa công bố.
Trong tuần này, HSC có kế hoạch tổ chức hai buổi hội thảo với chủ đề “Thông tư 13 và xu hướng thị trường chứng khoán cuối năm 2010”, tại TPHCM.
Diễn giả của hội thảo này là ông Fiachra Mac Cana, Giám đốc điều hành bộ phận nghiên cứu của HSC. Đây cũng là tác giả của bản phân tích nói trên với quan điểm về khả năng có hai hướng có thể sửa đổi đối với Thông tư số 13 của Ngân hàng Nhà nước ban hành ngày 20/5/2010 và sắp có hiệu lực vào ngày 1/10 tới.
Trước đó, Thủ tướng Chính phủ cũng đã có yêu cầu Ngân hàng Nhà nước kiểm tra và rà soát lại một số quy định trong thông tư nói trên. Và đây là cơ sở để một số công ty chứng khoán suy tính về khả năng có điều chỉnh. Điều này cũng nằm trong sự chờ đợi của giới đầu tư, khi thời điểm Thông tư 13 có hiệu lực đã gần kề.
Theo dự tính của ông Fiachra Mac Cana, Thông tư 13 có thể được sửa đổi nhưng không thay đổi, và có hai hướng sửa đổi về thời hạn thực hiện và cách định nghĩa.
Hướng thứ nhất, chuyên gia này cho rằng khả năng Ngân hàng Nhà nước sẽ cho phép kéo dài thời hạn thực hiện tỷ lệ an toàn vốn tối thiểu (CAR) và tỷ lệ cho vay trên vốn huy động (LDR).
Đó cũng là hai điểm quy định mới mà một số ngân hàng, công ty tài chính cho rằng khó thực hiện khi Thông tư có hiệu lực. Trong văn bản gửi Ngân hàng Nhà nước vừa qua, Hiệp hội Ngân hàng (VNBA) cũng cho biết khả năng nhiều thành viên khó đáp ứng đúng hạn về tỷ lệ an toàn vốn tối thiểu là 9% như quy định trong Thông tư.
Ở hướng thứ hai, ông Fiachra Mac Cana dự tính việc sửa đổi sẽ bao gồm cả tiền gửi không kỳ hạn vào định nghĩa tiền gửi. “Nếu tiền gửi không kỳ hạn được bao gồm, thì theo HSC, tỷ lệ LDR của 18 ngân hàng lớn nhất sẽ vào khoảng 85%”, bản phân tích tính toán (gần với tỷ lệ bình quân của các ngân hàng giai đoạn từ năm 2005 đến nay - PV).
Cũng trong văn bản nói trên của VNBA, việc quy định nguồn vốn huy động dùng để cho vay quy định không bao gồm tiền gửi không kỳ hạn của các tổ chức kinh tế, Kho bạc Nhà nước, Bảo hiểm Xã hội… được đề nghị xem xét lại, bởi đây là nguồn vốn được phản ánh là có tính ổn định cao và chiếm tỷ lệ khá lớn, từ 15% - 20% trong tổng nguồn vốn huy động của tổ chức tín dụng.
Khi trừ đi khoản vốn này, cộng với tỷ lệ 20% của nguồn vốn huy động không được sử dụng để cho vay để đảm bảo khả năng thanh toán, thì LDR của các ngân hàng có thể sẽ ở mức thấp. Trong trường hợp tỷ lệ này quá thấp thì hiệu quả sử dụng vốn của ngân hàng sẽ hạn chế.
Tuy nhiên, một hướng mà chuyên gia của HSC tính đến là các ngân hàng có thể sẽ chuyển tiền gửi thanh toán từ các ngân hàng khác thành tiền gửi kỳ hạn để tăng dư nợ tiền gửi.
Và đánh giá mà ông Fiachra Mac Cana đưa ra là hầu hết các ngân hàng có thể thỏa mãn yêu cầu về tỷ lệ LDR, trong khi việc đảm bảo tỷ lệ an toàn vốn tối thiểu mới (9%) là khó thực hiện hơn.
“Chúng tôi cho rằng Thông tư 13 sẽ không được sửa đổi nhiều”, ông Fiachra Mac Cana dự báo.
Ngoài ra, một điểm mà chuyên gia này lưu ý thêm là tỷ lệ khả năng chi trả theo quy định trong Thông tư 13 là yêu cầu khó thực hiện nhưng điều này lại ít được đề cập đến.