Giá sữa vào vòng kiểm soát

Từ ngày 20/11, những sản phẩm dinh dưỡng công thức cho trẻ đến 36 tháng tuổi sẽ được xếp vào nhóm hàng bình ổn giá. Liệu việc siết chặt quản lý này có khiến giá sữa hết bất kham?

Bộ Y tế vừa ban hành thông tư quy định “Danh mục sữa dành cho trẻ dưới 6 tuổi thuộc hàng hóa thực hiện bình ổn giá”.

 

Tăng vô tội vạ

 

Theo danh mục này, từ ngày 20/11, các sản phẩm dinh dưỡng công thức cho trẻ đến 36 tháng tuổi; sữa và sản phẩm dinh dưỡng có chứa sữa động vật dưới dạng bột hoặc dạng lỏng có công bố sử dụng cho trẻ dưới 6 tuổi sẽ thuộc danh mục hàng bình ổn giá theo quy định của Luật Giá.

 

Như vậy, các mặt hàng sữa trước đây đã được “thay tên đổi họ” thành sản phẩm dinh dưỡng theo quy chuẩn của Bộ Y tế thì tới đây được coi là sữa. Các sản phẩm này sẽ quay trở về nằm trong danh mục hàng hóa phải bình ổn giá do Bộ Tài chính quản lý.

 

Các chuyên gia cho rằng không nên trông chờ vào danh mục quản lý giá sữa mà Bộ Y tế vừa ban hành.
Các chuyên gia cho rằng không nên trông chờ vào danh mục quản lý giá sữa mà Bộ Y tế vừa ban hành.

 

Theo ông Trần Quang Trung - Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm, Bộ Y tế - danh mục này là cơ sở để Bộ Tài chính thực hiện quản lý giá theo quy định của pháp luật, còn Bộ Y tế không có chức năng điều chỉnh giá. So với các quy định trước đây, thông tư mới đã bổ sung thêm sản phẩm sữa lỏng vào mặt hàng thuộc danh mục hàng hóa phải kê khai giá, chịu sự quản lý của nhà nước về giá.

 

Các số liệu thống kê cho thấy từ năm 2007 đến nay, giá sữa đã tăng 30 lần và vẫn không kiểm soát được. Trong khi người tiêu dùng bức xúc vì giá sữa tăng vô tội vạ thì nhiều tháng qua, 2 cơ quan chịu trách nhiệm quản lý chất lượng và giá sữa hiện nay là Bộ Tài chính và Bộ Y tế lại đổ lỗi cho nhau. Bộ Y tế cho rằng giá sữa là chuyện của nhiều năm qua và tăng không phải do tên gọi thì Bộ Tài chính lại nhận định đây là kẽ hở để doanh nghiệp (DN) lợi dụng, thừa cơ làm giá khi loại các sản phẩm vốn được gọi là sữa ra khỏi danh mục quản lý giá.

 

Nhiều kẽ hở

 

Dư luận đang kỳ vọng danh mục siết lại giá sữa mà Bộ Y tế vừa ban hành trong khi nhiều chuyên gia lại cho rằng trông chờ một danh mục là không đủ. Theo một chuyên gia thực phẩm, sau khi Bộ Tài chính ban hành thông tư về quản lý giá sữa vào năm 2008, tưởng rằng sẽ quản lý chặt giá sữa nhưng đây lại là kẽ hở để DN làm giá. “Thông tư này quy định trong vòng 15 ngày liên tục, sữa không được tăng 20% so với giá hiện tại. Với mức trần cao và thời gian quy định không được tăng giá ngắn như vậy thì khác gì tạo cơ hội để DN “rộng đường” tăng giá. Rõ ràng, các quy định quản lý sữa hiện nay đang có vấn đề chứ không riêng gì việc sữa thay đổi tên gọi” - vị chuyên gia này phân tích.

 

Ông Vũ Vinh Phú, Chủ tịch Hiệp hội Siêu thị Hà Nội, cho rằng Việt Nam không thiếu các văn bản quản lý giá sữa nhưng vấn đề nằm ở chỗ không quy trách nhiệm cụ thể cho một bộ, ngành nào nên đã dẫn đến tình trạng đùn đẩy trách nhiệm.

 

“Trong nước, chúng ta có hải quan, thuế, quản lý thị trường. Ở nước ngoài, chúng ta có thương vụ, sứ quán. Vậy tại sao chúng ta không điều tra xem mặt hàng sữa nước ngoài họ bán thế nào? Trong nước bán ra sao? Nhập về giá thế nào?... Hiện nay có hàng trăm mặt hàng sữa tại sao không xem mặt hàng nào thống lĩnh, chiếm thị phần lớn để bắt DN báo cáo và đưa vào diện điều tra?”- ông Phú đặt vấn đề.

 

Theo ông Phú, danh mục sữa dành cho trẻ dưới 6 tuổi thuộc hàng hóa thực hiện bình ổn giá có thể coi là hành động sửa sai của các bộ sau một thời gian “đá” trách nhiệm nhưng chưa đủ để giải quyết căn nguyên tình trạng loạn giá sữa. “Giá sữa không kiểm soát nổi là do lỗi của cơ quan quản lý”- ông Phú nhận định.

 

Có sự thỏa thuận, làm giá

 

Chuyên gia kinh tế Nguyễn Minh Phong cho rằng vai trò và trách nhiệm trong câu chuyện giá sữa phải thuộc về Bộ Công Thương vì cơ quan này quản lý thị trường theo Luật Cạnh tranh. Trong khi đó, bản chất ở đây là vấn đề về cạnh tranh và độc quyền chứ không phải là chất lượng, hàm lượng sữa.

 

“Nhìn vào thị trường sữa với khoảng 200 nhà nhập khẩu, nhiều người nghĩ rằng có sự cạnh tranh về giá nhưng có thể có sự thỏa thuận, làm giá, phân khúc thị trường giữa các doanh nghiệp. Bởi vì, nếu có sự cạnh tranh thì giá sữa không thể bình ổn ở mức cao như hiện nay” - ông Phong nhận định.

 

Ông Phong cho rằng không nên trông chờ vào danh mục quản lý giá sữa mà Bộ Y tế vừa ban hành vì nhiều năm qua, giá sữa vẫn đều đặn tăng dù nằm trong diện hàng bình ổn.

 

Theo Ngọc Dung

NLĐ