Giá sữa và giá lương tâm

(Dân trí) - Trong khi giá sữa nguyên liệu thế giới giảm mạnh thì giá sữa trong nước tăng vùn vụt để trở thành thị trường có giá sữa cao nhất thế giới. Đây là một nghịch lý không thể chấp nhận được và là một vấn đề nghiêm trọng cần phải điều tra xử lý.

Ở các quốc gia Châu Âu và Mỹ, khi giá nguyên liệu giảm nhưng giá sữa vẫn giữ ở mức cao thì người tiêu dùng tổ chức biểu tình để phản đối các nhà sản xuất. Người dân cho rằng việc tăng giá "Đó là hành vi tội phạm".
 
Còn ở VN, người tiêu dùng chấp nhận sử dụng các sản phẩm sữa giá cao từ cuối năm 2008 đến nay. Người dân thiếu thông tin để so sánh giá sữa nguyên liệu hiện nay trên thế giới, chỉ biết bỏ tiền mua sữa giá cao một cách rất thụ động.
 
Người dân cũng chưa có thói quen tẩy chay các sản phẩm của các nhà sản xuất đi ngược lại quyền lợi chung của cộng đồng hay tác động xấu đến xã hội như gây ô nhiễm môi trường hay giá cao ở mức móc túi.
 
Nhưng dù có biết cũng không có sự lựa chọn nào khác, bởi vì các hãng sản xuất sữa đều tăng giá đồng loạt. Sữa là sản phẩm vô cùng thiết yếu, liên quan đến sức khỏe, dinh dưỡng và sự phát triển cơ thể của con người. Các nhóm đối tượng sử dụng sữa là trẻ em, người già và người bệnh, tăng giá sữa "bất hợp lý" là làm giàu bằng "bóc lột" các đối tượng này.
 
Hội bảo vệ người tiêu dùng lên tiếng về việc tăng giá sữa, nhưng không có biện pháp ngăn chặn. Ngay cả việc các hãng sản xuất quảng cáo đủ loại chất dinh dưỡng cao cấp, công thức sữa tiên tiến thì cũng không ai kiểm tra được chất lượng thực của nó. Thế giới từng phải sử dụng sữa nhiễm độc tố nguy hiểm đến sức khỏe và trước khi bị phát hiện, các sản phẩm sữa đó cũng từng được quảng cáo rất hấp dẫn.
 
Việc tăng giá sữa không chỉ gây thiệt hại cho người tiêu dùng mà còn những ảnh hưởng khác về mặt xã hội. Giá sữa quá cao, đa số người dân lại nghèo, đặc biệt là người dân vùng nông  thôn, miền núi.
 
Họ không có đủ tiền để mua sữa, trẻ em không được uống đủ sữa thì sẽ bị suy dinh dưỡng. Những thiệt hại này không định lượng được như thiệt hại về tiền bạc, nhưng nó nguy hiểm hơn rất  nhiều, bởi vì liên quan đến phát triển thể chất, sức khỏe của cộng đồng.
 
Giá sữa trong nước tăng cao đến mức không còn chịu được nữa, cho nên bên lề kỳ họp Quốc hội, đại biểu Nguyễn Đức Kiên - Ủy viên Ủy ban Kinh tế Quốc hội cho rằng các cơ quan chức năng phải vào cuộc quyết liệt để ngăn chặn việc liên kết độc quyền để tăng giá sữa.
 
Chúng ta chấp nhận quy luật của giá cả và quy luật của thị trường, nhưng không thể chấp nhận các mánh khóe kinh doanh mờ ám, làm giàu bằng cách móc túi người tiêu dùng một cách bất lương.

Lê Chân Nhân