Giá nhiều mặt hàng tiêu dùng đã tăng!

Sau gần một tháng xăng dầu tăng giá, giá nhiều mặt hàng đã không thể “gồng” được nữa, bắt đầu leo thang.

Giá siêu thị đã tăng và sẽ còn tăng

Tại hệ thống siêu thị Hà Nội (TPHCM), giá đã tăng 300 - 3.000 đồng/kg với các mặt hàng: đường, cà phê bột, thực phẩm chế biến đông lạnh, cá đồng, cá biển, thịt heo, trứng gia cầm... Những mặt hàng khác tại siêu thị này như đồ nhựa, inox, nhôm gia dụng, hóa mỹ phẩm, thực phẩm chế biến... vẫn còn hàng dự trữ nên qua đầu tháng tám mới tăng 5-10%.

Bộ Tài chính vừa có công điện gửi các bộ, ngành, địa phương và các tổng công ty đề nghị các đơn vị và địa phương cần tăng cường công tác quản lý thị trường, có các biện pháp cụ thể, không để xảy ra hiện tượng lợi dụng việc điều chỉnh giá xăng dầu để tăng giá sản phẩm không hợp lý, ảnh hưởng đến lợi ích của người tiêu dùng.

Bộ Tài chính cũng yêu cầu các bộ, ngành và UBND các tỉnh triển khai ngay việc thanh tra, kiểm tra hàng hóa, dịch vụ, nhất là những hàng hóa, dịch vụ chịu tác động trực tiếp của giá xăng dầu; những hàng hóa thiết yếu đối với đời sống nhân dân; xử lý nghiêm các hành vi trục lợi bất hợp pháp.

Các hệ thống siêu thị Co-op Mart, Maximark, Citimark sẽ tăng giá 5-10% vào giữa tháng tám này ở một loạt mặt hàng: đồ nhựa gia dụng, thực phẩm chế biến, hàng thủy hải sản đông lạnh, mỹ phẩm...

Đối phó với nguy cơ sức mua giảm mạnh khi tăng giá hàng đồng loạt trong mùa mưa, hệ thống siêu thị Hà Nội đã chuẩn bị lượng tiền mặt lớn mua hàng trữ trước thời điểm tăng giá để qua tháng tám vẫn kềm giá được nhiều mặt hàng. Biện pháp tình thế của hệ thống Co-op Mart là sẽ tìm thêm nhiều nhà cung cấp cùng một mặt hàng để có giá thấp nhất.

Bà Nguyễn Thị Phương Thảo, đại diện ban giám đốc hệ thống siêu thị Maximark, lo lắng: “Nếu giữa tháng tám đồng loạt áp dụng giá mới cho các loại mỹ phẩm, thực phẩm chế biến, chủ yếu là hàng trong nước sản xuất, trong khi hàng nhập khẩu cùng loại không tăng, liệu hàng nội có đủ sức cạnh tranh hay không?”.

Giá chợ cũng leo thang

Một số chủ sạp chuyên bán sỉ mặt hàng nhựa gia dụng ở chợ Bình Tây (Q.6, TPHCM) đã áp dụng giá mới do các cơ sở nhựa tăng theo giá xăng dầu, tăng khoảng 3-5% so với giá cũ. Tính ra mỗi món hàng nhựa tăng khoảng 4.000 - 5.000 đồng.

Theo ông Huỳnh Quốc Bảo - cán bộ ban quản lý chợ, đây là đợt tăng giá khởi đầu nhưng mức tăng không đáng kể. Các ngành hàng khác cũng đang rục rịch tăng giá. Tại chợ đầu mối thủy sản khô Bình Hưng (H.Bình Chánh), giá bán sỉ một số mặt hàng cá khô nước ngọt, nước mặn vận chuyển từ các tỉnh miền Trung, ĐBSCL đã tăng 1.000-2.000 đồng/kg.

Giá leo thang mạnh nhất là 5.000-10.000 đồng/kg ở các mặt hàng khô cá sặt (200.000 đồng/kg), khô cá lóc (75.000 đồng/kg), tôm khô (330.000 đồng/kg).

Tiểu thương hàng rau củ tại nhiều chợ lẻ ở TPHCM mấy ngày nay đã đẩy giá bán rau củ nhích lên với lý do giá vận chuyển rau bằng xe gắn máy từ chợ đầu mối về các chợ cũng tăng cao theo xăng. Giá tăng 500-1.000 đồng/kg ở một số loại rau củ thường sử dụng nhiều trong bữa ăn gia đình: rau muống, cải xanh, cải ngọt, đậu côve, dưa leo, cà chua...

Ông Huỳnh Tấn Phong, chi cục trưởng Chi cục Quản lý thị trường TPHCM, cho biết đoàn kiểm tra liên ngành do Sở Tài chính chủ trì đang có kế hoạch chuẩn bị kiểm tra giá cả hàng hóa, dịch vụ trên thị trường địa bàn TP.

Theo đánh giá của ông Phong, đến nay đã có nhiều nhà sản xuất cho rằng trước mắt còn kềm được giá, còn về lâu dài sẽ phải điều chỉnh giá lên chứ không thể “gồng” nổi; nhưng hiện chưa có cơ sở để nói rằng giá những sản phẩm tăng theo giá xăng dầu là lợi dụng để nâng giá bất hợp lý.

Theo Tuổi trẻ