Giá hàng hóa “sốt” liên tục: “Hạ nhiệt” cách nào?

Chưa bao giờ giá hàng hóa lại trở thành vấn đề nóng bỏng mà cả Chính phủ lẫn người dân phải quan tâm đặc biệt như hiện nay. Mặc dù Chính phủ đã đưa ra rất nhiều biện pháp để kiềm cơn “sốt giá”, nhưng giá vẫn cứ… tăng vùn vụt!

Tăng, tăng và... tăng

Giá nhiều mặt hàng thiết yếu đã vượt xa so với dự đoán của nhiều người, tăng gấp rưỡi, gấp đôi so với cùng kỳ. Theo số liệu từ Tổng cục Thống kê, chỉ số giá tiêu dùng, (CPI) trong 10 tháng đã đạt 8,12% và nhiều khả năng đạt mức 9% năm 2007, vượt qua GDP dự kiến là 8,5%.

Trước tình hình trên, tại Quốc hội khóa XII, vấn đề giá cả cũng được các đại biểu mổ xẻ khá kỹ. Nhiều biện pháp kiềm chế giá đã được đưa ra. Chính phủ cũng đã hy sinh hàng ngàn tỷ đồng trong việc giảm thuế nhập khẩu đối với 18 mặt hàng, rồi tăng cường kiểm tra giá bán tại các DN…

Nhưng xem ra những “liều thuốc” này vẫn chưa đủ mạnh để hạ sốt giá hàng hóa. Giảm thuế nhưng người tiêu dùng vẫn không được hưởng lợi. Vì sao lại như vậy?

Nhiều ý kiến cho rằng, việc Chính phủ đưa ra các biện pháp trên nhằm kiềm chế giá tiêu dùng là duy ý chí. Bởi lẽ, hầu hết mặt hàng trên thế giới vẫn đang tiếp tục tăng mạnh. Nhà nước đã giảm thuế nhập khẩu đến 70% đối với mặt hàng nguyên liệu sữa, nhưng theo các doanh nghiệp, mức giảm thuế không ăn thua gì so với mức tăng giá trên thế giới.

Với các mặt hàng như gas, thuế nhập giảm xuống chỉ còn 5% nhưng giá bán vẫn tăng kỷ lục… Nguyên nhân chính của vấn đề là lượng tiền đưa ra lưu thông hiện nay vẫn rất lớn, trong khi đó thị trường hàng hóa vẫn đang trong tình trạng cung vượt cầu.

Do chưa chủ động được nguyên liệu và sản xuất trong nước chưa đáp ứng được nhu cầu tiêu dùng khiến nhiều mặt hàng như xăng, phôi thép phải nhập khẩu 70%-90%. Trong bối cảnh như vậy thì việc giảm thuế để kiềm giá bán là điều bất khả kháng!

Mới đây, Bộ Công thương cũng đã tiến hành làm việc với Tổng Công ty Xăng dầu VN (Petrolimex) về việc bình ổn giá xăng trong nước. Bộ này cũng đã gợi ý có thể sẽ quay lại thực hiện việc bù lỗ đối mặt hàng xăng như trước.

Nhưng theo một số DN đầu mối, giá xăng trên thế giới dự kiến sẽ đụng trần 100 USD/thùng, liệu nhà nước có đủ tiền để bù lỗ? Mặt khác, chúng ta đã bỏ bù lỗ, nay quay trở lại có phải là biện pháp tối ưu?

Nên chăng, nhà nước hãy để số tiền nhiều ngàn tỷ đồng bù lỗ để làm những việc khác tốt hơn, còn những gì thuộc về thị trường hãy trả nó về cho thị trường, không thể thực hiện kiềm giá một cách duy ý chí!

Đẩy mạnh GDP tăng cao - Giải pháp hiệu quả

Việc giá cả tăng nóng trong thời gian qua, ngoài yếu tố giá thế giới biến động thì việc điều hành giá cả trong nước vẫn “rối như canh hẹ”.

Đầu năm 2007, nhà nước quyết định tăng giá đối với hàng loạt mặt hàng thiết yếu, thả nổi một số mặt hàng nhưng đến thời điểm này, chúng ta lại tiếc vì giá như đừng làm như vậy thì giá trong nước sẽ biến động ít hơn?...

Nhiều ý kiến cho rằng, để giảm bớt sự tăng nóng của giá cả, ngoài việc kiểm soát chặt lãi suất, chúng ta phải tính đến chuyện rà soát lại các khâu phân phối, giảm bớt trung gian làm “đội” giá bán.

Đã đến lúc phải tổ chức sản xuất trong nước nhằm tăng nguồn cung và giảm bớt nhập khẩu. Theo đó việc chủ động về nguyên liệu để giảm bớt việc lệ thuộc vào thế giới sẽ giúp chúng ta điều tiết được giá cả tốt hơn…

“Chúng ta đã gia nhập WTO, nên việc Chính phủ tự đưa ra con số tỷ lệ lạm phát phải thấp hơn tốc độ tăng trưởng là không phù hợp. Vì vậy, thay vì chúng ta quá mải mê với việc tìm biện pháp để kiềm CPI ở mức 7,5% thì hãy tập trung sức lực để đẩy mạnh GDP lên mức cao hơn so mục tiêu.

Khi tốc độ tăng trưởng kinh tế đạt ở mức cao, thì CPI dù có tăng đến 9%-10% cũng không quá lo ngại và không ảnh hưởng nhiều đến nền kinh tế” - một chuyên gia kinh tế phân tích.

Theo Thúy Hải
Báo Sài Gòn Giải Phóng

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm