Giá giảm liên tục, Việt Nam vẫn là nước đa số dân chưa có ô tô
(Dân trí) - Mặc dù trong khoảng 1- 2 năm trở lại đây, trong xu hướng thuế nhập khẩu, giá xe trong nước giảm liên tục, nhưng Việt Nam vẫn được đánh giá là một nước mà đa số người dân chưa có ô tô đi.
Cụ thể, theo một báo cáo khảo sát về thị trường ô tô của Công ty Tư vấn chiến lược Solidiance, thị trường ô tô Việt Nam đạt mức tăng trưởng rất ấn tượng: 38% tính từ năm 2012 - 2016. Đây là mức tăng trưởng cao nhất nếu so với các nước trong khu vực như: Malaysia, Thái Lan và Indonesia...
Cũng theo đánh giá của Solidiance, lượng ô tô được tiêu thụ nhiều nhất ở Việt Nam là ở Hà Nội và TP.HCM. Chỉ riêng 2 thành phố này đã chiếm khoảng 45% tổng lượng xe được đăng ký tại Việt Nam hàng năm.
"Tính đến năm 2016, các loại xe du lịch đã đăng ký tại TP.HCM chiếm 211.000 xe và Hà Nội là 291.000 xe. Còn lại khoảng 600.000 xe được tiêu thụ rải rác tại các tỉnh thành khách. Dù vậy, tỉ lệ sở hữu ô tô của Việt Nam chỉ ở mức 16 xe/1.000 dân. Con số này thấp hơn nhiều nếu so với tỉ lệ người dân sở hữu ô tô tại Malaysia (341 xe/1.000 dân), Thái Lan (196 xe/1.000 dân) và Indonesia (55 xe/1.000 dân)", báo cáo cho biết.
Mặc dù vậy, điều này cũng không giấu được thực tế là tỷ lệ sở hữu ô tô/1.000 dân của Việt Nam vẫn còn rất thấp.
"Giá ô tô tại Việt Nam vẫn cao hơn so với các quốc gia khác trong khu vực là một nguyên nhân", Công ty Solidiance phân tích.
Theo Công ty này, ngành sản xuất ô tô tại Việt Nam vẫn chưa thực sự lớn mạnh, và ngành lĩnh vực phụ trợ liên quan đến ô tô còn kém phát triển, nên việc sản xuất, lắp ráp ô tô trong nước bị hạn chế, ảnh hưởng đến tỉ lệ nội địa hóa và các loại xe nhập khẩu vẫn chiếm số lượng lớn.
"Chưa kể, cơ sở hạ tầng giao thông kém phát triển, tình trạng ách tắc giao thông tại các thành phố lớn, khiến cho tỉ lệ người dân Việt Nam sở hữu ô tô vẫn ở mức thấp", Công ty Solidiance nhận định.
Việc sản xuất, lắp ráp ô tô trong nước bị hạn chế, ảnh hưởng đến tỉ lệ nội địa hóa và các loại xe nhập khẩu vẫn chiếm số lượng lớn.
Theo báo cáo khảo sát trên, các thương hiệu ô tô Nhật Bản và Hàn Quốc đang chiếm ưu thế trên thị trường Việt Nam. Trong đó, Toyota cùng các thương hiệu Mazda, Kia... đang chi phối phân khúc xe du lịch tại Việt Nam. Với hàng loạt loại xe nhập từ châu Âu như Renault, Volkswagen, MINI… người Việt Nam cũng có nhiều lựa chọn hơn.
Tuy nhiên, Công ty Solidiance cũng đưa ra nhận định: Với đà tăng trưởng như hiện nay, dự kiến thị trường ô tô Việt Nam sẽ còn phát triển mạnh
"Với tốc độ tăng trưởng ổn định của nền kinh tế, thu nhập bình quân đầu người gia tăng… sẽ làm gia tăng nhu cầu sở hữu ô tô, giúp thị trường ô tô Việt Nam tiếp tục phát triển trong thời gian tới", Solidiance đánh giá thêm.
Một nhận định quan trọng khác của Solidiance là khi Việt Nam tham gia vào các thỏa thuận hợp tác như Hiệp định Thương mại hàng hóa ASEAN (ATIGA), sẽ giúp hàng rào thuế nhập khẩu ô tô dần được gỡ bỏ, góp phần làm giá ô tô tại Việt Nam giảm mạnh từ năm 2018.
Cụ thể, bắt đầu từ năm 2018, thuế nhập khẩu ô tô từ các nước ASEAN vào Việt Nam sẽ giảm còn 0%. Một số dòng xe sẽ được hưởng nhiều ưu đãi, giảm giá bán canh tranh, giúp người tiêu dùng dễ dàng tiếp cận và có nhiều cơ hội sở hữu xe hơi.
Solidiance cũng dự báo với tốc độ tăng trưởng như hiện nay, thị trường ô tô Việt Nam sẽ đạt doanh số khoảng 225.000 chiếc vào năm 2020.
Hà Nguyễn