1. Dòng sự kiện:
  2. Hàng giá rẻ Trung Quốc đổ bộ

Giá gạo nội địa cao hơn giá xuất khẩu

Tại các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long, giá lúa hè thu đang ở mức 6.700 đồng/kg, cao nhất từ trước đến nay sau một thời gian ngắn giảm giá nhẹ. Giá gạo nguyên liệu cũng ở mức kỷ lục 10.500 đồng/kg.

Sáng ngày 28/7, sau khi kiểm tra lại sổ sách, ông Nguyễn Thanh Long, giám đốc điều hành công ty TNHH Gạo Việt (TP.HCM) mới giật mình vì chỉ trong vòng chưa đầy một tháng, giá gạo nguyên liệu tăng gần 20%.
 
Giá gạo nội địa cao hơn giá xuất khẩu - 1
Giá gạo nguyên liệu trong nước tăng cao (Ảnh: SGTT)

 

“Đón gió” giá thế giới

 

Ông Long nhớ lại: cơn sốt giá gạo thế giới, trong đó có Việt Nam diễn ra hồi cuối tháng 4/2008, gạo nguyên liệu xuất khẩu 5% tấm tại mạn tàu cao nhất cũng chỉ ở mức 9.700 đồng/kg, nhưng bây giờ đã vượt qua mốc 10.500 đồng/kg, tương đương hơn 510 USD/tấn.

 

Vài ngày gần đây, trong giới kinh doanh gạo xuất hiện thông tin cho rằng giá lúa gạo biến động là do có tình trạng đầu cơ, đón “gió” giá gạo Thái Lan được dự báo sẽ tăng. Trên thực tế, chỉ trong vòng khoảng 15 ngày đầu tháng 7/2011, giá gạo 5% tấm của Thái Lan tăng gần 100 USD/tấn, lên 570 USD sau khi đảng Vì nước Thái thắng cử và sẽ phải thực hiện chính sách cam kết hỗ trợ mua lúa khô loại thường cho nông dân không dưới 15.000 baht/tấn. Mức giá này quy đổi ra VND khoảng hơn 10.000 đồng/kg.

 

Gạo Thái Lan tăng ngay lập tức kéo giá gạo xuất khẩu Việt Nam tăng 30 – 40 USD, lên mức trung bình 500 USD trong khoảng 15 ngày đầu tháng 7. Giám đốc một doanh nghiệp tư nhân, chuyên cung ứng gạo nguyên liệu xuất khẩu ở Tiền Giang, cho biết tâm lý đầu cơ tích trữ gạo chờ giá tăng trong giới kinh doanh là có thật.

 

“Ai cũng dự đoán giá gạo Thái sẽ tăng sau bầu cử chính trị nên dồn lực mua vào. Trong mười ngày đầu tháng 7, chúng tôi nhanh chân mua được 10.000 tấn, giá chỉ dưới 10.000 đồng/kg. Đến đầu tuần này công ty bán cho doanh nghiệp xuất khẩu, lãi 500 đồng/kg”, vị giám đốc trên cho hay.

 

Theo ông Nguyễn Văn Đôn, giám đốc công ty TNHH Việt Hưng (Tiền Giang), với mức lãi vay hiện nay thì chi phí tồn kho mỗi tháng khoảng 160 – 170 đồng/kg gạo. Thế nhưng, trong vòng chưa đầy một tháng trở lại đây, gạo nguyên liệu nội địa tăng ít nhất 1.500 đồng/kg, gấp gần mười lần mức lãi vay nên kích thích doanh nghiệp cung ứng mua vào tích trữ.

 

Giá lúa gạo trong nước tăng nóng còn do doanh nghiệp mua vào nhiều để giao hàng xuất khẩu theo các hợp đồng đã ký. Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) dự kiến sản lượng gạo xuất khẩu quý 3 sẽ là 1,9 triệu tấn, nghĩa là từ tháng 7 đến tháng 9 mỗi tháng phải giao gần 700.000 tấn gạo cho khách hàng. Ngoài ra, một số doanh nghiệp cho biết, hơn hai tuần đầu tháng 7, do giá gạo Thái quá cao, nhà nhập khẩu chuyển sang mua gạo Việt Nam, nên doanh nghiệp tranh thủ ký hợp đồng và phải mua để giao cho khách.

 

Theo một nguồn tin, số đăng ký xuất khẩu gạo thương mại trong tháng này vượt 1 triệu tấn. Có nguồn tin còn cho hay Việt Nam lại vừa trúng thầu cung cấp thêm cho Indonesia số lượng vài trăm ngàn tấn gạo theo dạng hợp đồng tập trung.

 

Doanh nghiệp xuất khẩu lỗ

 

Ông Nguyễn Thành Long, giám đốc công ty Gạo Việt cho biết, do giá gạo nguyên liệu liên tục tăng mạnh nên hơn một tuần nay ông không dám ký hợp đồng thêm vì sợ lỗ. Một số doanh nghiệp khác cũng cho biết, đối với những hợp đồng ký được giá cao (từ 500 – 510 USD/tấn) trong hai tuần đầu tháng 7 vừa qua, nếu doanh nghiệp không mua ngay nguyên liệu vào thời điểm đó thì nay chắc chắn bị lỗ do giá tăng cao hơn 20 – 30 USD/tấn.

 

Tình trạng thua lỗ còn nặng nề hơn dành cho những hợp đồng ký trong quý 2 với giá thấp (460 – 470 USD/tấn), thời gian giao từ tháng 7 cho đến hết năm 2011. Theo VFA, số lượng gạo ký hợp đồng trong quý 2 vào khoảng hơn 1,3 triệu tấn.

 

Ông Huỳnh Minh Huệ, tổng thư ký hiệp hội Lương thực Việt Nam thừa nhận giá gạo nội địa tăng cao hơn giá xuất khẩu khiến cho nhiều doanh nghiệp bị lỗ do ký hợp đồng vào thời điểm giá thế giới ở mức thấp. Ông Huệ cũng dự báo, trong trường hợp giá gạo Thái tiếp tục tăng, nhu cầu nhập khẩu sẽ chuyển hướng, dự báo Việt Nam sẽ là nơi hưởng lợi vì giá thấp hơn và có khả năng cung cấp, đáp ứng thị trường.

 

Theo Đặng Hoàng

SGTT

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm