Giá điện sẽ do Nhà nước điều tiết

(Dân trí) - “Nếu quy định Thủ tướng Chính phủ phê duyệt giá bán lẻ điện bình quân sẽ không đáp ứng được yêu cầu phát triển thị trường điện lực cạnh tranh và không phù hợp với quy định của Luật giá”, ông Phan Xuân Dũng, Chủ nhiệm Ủy ban KHCN và MT của Quốc hội nói.

Sáng nay 20/11, Quốc hội biểu quyết thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật điện lực. Toàn bộ dự thảo luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Điện lực đã chính thức được Quốc hội thông qua, với tỷ lệ 91,16% đại biểu tán thành.

Giá bán lẻ điện sẽ do Nhà nước điều tiết (ảnh minh họa).
Giá bán lẻ điện sẽ do Nhà nước điều tiết (ảnh minh họa).

Theo Báo cáo tiếp thu, giải trình ý kiến của các vị đại biểu Quốc hội về Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật điện lực, đề cập đến cơ cấu giá điện, có ý kiến đại biểu Quốc hội đề nghị cần quy định giao Thủ tướng Chính phủ phê duyệt giá bán lẻ điện bình quân.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội (TVQH) nhận thấy, vì điện là mặt hàng đặc biệt quan trọng, ảnh hưởng lớn đến đời sống kinh tế, xã hội nên theo quy định của Luật giá, Nhà nước thực hiện điều tiết giá bán điện bằng việc quy định khung giá của mức giá bán lẻ điện bình quân, cơ chế điều chỉnh giá và cơ cấu biểu giá bán lẻ điện. Theo đó, các đơn vị bán lẻ điện có quyền cạnh tranh giá bán lẻ trong khung giá do Nhà nước quy định.

“Nếu quy định Thủ tướng Chính phủ phê duyệt giá bán lẻ điện bình quân sẽ không đáp ứng được yêu cầu phát triển thị trường điện lực cạnh tranh và không phù hợp với quy định của Luật giá. Do đó, Ủy ban TVQH đề nghị Quốc hội cho phép không bổ sung quy định này vào dự thảo Luật”, ông Phan Xuân Dũng, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học - Công nghệ - Môi trường Quốc hội cho biết.

Về ý kiến đại biểu Quốc hội (ĐBQH) đề nghị làm rõ và xem xét chỉnh lý lại quy định về phí điều hành giao dịch thị trường điện và phí điều độ vận hành hệ thống điện, Ủy ban TVQH nhận thấy: Phí điều hành giao dịch thị trường điện và phí điều độ vận hành hệ thống điện không phải là loại phí mới mà đã được quy định tại khoản 2 Điều 31 Luật điện lực hiện hành.

Khi thị trường điện cạnh tranh hoạt động, cùng với việc công khai, minh bạch các chi phí của từng khâu của quá trình sản xuất và kinh doanh điện, việc tách bạch phí điều hành giao dịch thị trường điện lực và phí điều độ vận hành hệ thống điện nhằm minh bạch hóa chi phí của từng khâu trong tính toán giá bán lẻ điện lại càng trở nên cần thiết. Do đó, Ủy ban TVQH đề nghị Quốc hội cho giữ quy định về hai loại phí này như quy định tại khoản 2 Điều 31 dự thảo Luật.

Ngoài ra, có ý kiến ĐBQH đề nghị xem xét bỏ quy định tại khoản 1 Điều 62; bổ sung quy định biểu giá bán lẻ điện riêng cho các vùng nông thôn, miền núi, biên giới, hải đảo; cân nhắc nguyên tắc “đảm bảo bù đắp đủ chi phí, có lợi nhuận hợp lý” đối với giá bán điện cho các vùng nông thôn, miền núi, biên giới, hải đảo chưa nối lưới điện quốc gia quy định tại khoản 2 Điều 62.

Ủy ban TVQH nhận thấy, việc quy định khoản 1 Điều 62 trong dự thảo Luật là cần thiết nhằm thực hiện giá bán điện ở các khu vực nông thôn, miền núi, biên giới, hải đảo nơi có nối lưới điện quốc gia cũng được áp dụng thống nhất chung như đối với các khu vực khác có nối lưới điện quốc gia trong cả nước.

Tuy nhiên, đối với các khu vực nông thôn, miền núi, biên giới, hải đảo chưa nối lưới điện quốc gia, Nhà nước cần có cơ chế hỗ trợ giá bán lẻ điện cho mục đích sinh hoạt tại các khu vực này một cách linh hoạt hơn như hỗ trợ khoản tiền trực tiếp (hiện nay Nhà nước đã hỗ trợ 30.000 đồng/tháng tiền điện sinh hoạt cho hộ nghèo theo Quyết định số 2409/QĐ-TTg ngày 19/12/2011 của Thủ tướng Chính phủ), hỗ trợ thông qua cơ chế giá... phù hợp với các cấp độ của thị trường điện lực.

Đồng thời, Nhà nước cũng cần có chính sách thu hút đầu tư phát triển điện tại những khu vực này. Tiếp thu ý kiến các vị ĐBQH, khoản 2 Điều 62 của dự thảo Luật đã được sửa đổi, bổ sung theo hướng UBND cấp tỉnh ở những khu vực này quyết định giá bán lẻ điện cho mục đích sinh hoạt phù hợp với cơ chế hỗ trợ do Thủ tướng Chính phủ quy định; quyết định các loại giá điện khác trên nguyên tắc đảm bảo bù đắp đủ chi phí, có lợi nhuận hợp lý cho đơn vị điện lực trên cơ sở tham khảo ý kiến của cơ quan điều tiết điện lực, quy định như trong dự thảo Luật.

Nguyễn Hiền