1. Dòng sự kiện:
  2. Tư vấn tài chính cá nhân
  3. VNDirect bị tấn công
  4. Lùm xùm nợ thẻ Eximbank 8,8 tỷ đồng

Giá điện rẻ cản trở phát triển doanh nghiệp đầu tư vào điện gió, điện mặt trời?

(Dân trí) - Chuyên gia cho rằng giá điện của Việt thấp là một trong những yếu tố làm ảnh hưởng đến sự phát triển năng lượng tái tạo nhưng không phải là tất cả bởi ngoài rào cản giá điện còn nhiều rào cản khác như cơ chế hỗ trợ chính sách.

toadamnangluongtaitao_rvuq.jpg

Phát biểu tại tọa đàm “Giải pháp năng lượng xanh cho tương lai” vừa diễn ra, TS. Nguyễn Anh Tuấn, Giám đốc Trung Tâm Phát triển Năng lượng tái tạo, Viện Năng lượng cho biết, tiềm năng năng lượng tái tạo ở Việt Nam được đánh giá tương đối lớn đặc biệt năng lượng mặt trời, năng lượng gió.

Theo ông Tuấn, sức ép từ việc cạn kiệt các nguồn nguyên liệu hóa thạch đã tạo ra cơ hội phát triển cho ngành năng lượng tái tạo tại nhiều quốc gia trên thế giới, trong đó có Việt Nam. Theo báo cáo của Tổ chức Hợp tác Phát triển Đức (GIZ) vào tháng 6/2017, tiềm năng kỹ thuật điện gió của Việt Nam là khoảng 215.000 MW, điện mặt trời khoảng 340.000 MW. Ngoài ra, Việt Nam là quốc gia sản xuất nông nghiệp quy mô lớn nên có nguồn nguyên liệu dồi dào cho phát triển sản xuất năng lượng sinh học.

“Việt Nam có đủ điều kiện để phát triển mạnh năng lượng tái tạo, giảm dần sử dụng năng lượng hóa thạch. Tuy nhiên, các nguồn năng lượng này hiện chưa được ứng dụng rộng rãi, chiếm tỷ trọng rất nhỏ dưới 1% tổng công suất của hệ thống điện Quốc gia”, ông Tuấn nói.

Vị chuyên gia cũng cho biết, chiến lược phát triển năng lượng tái tạo đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050 đặt mục tiêu, khuyến khích, huy động mọi nguồn lực xã hội đầu tư cho phát triển năng lượng tái tạo, đẩy mạnh phát triển và sử dụng nguồn năng lượng tái tạo. Theo đó, nhiều doanh nghiệp lớn trong nước đã tham gia vào sân chơi năng lượng sạch.

Tuy nhiên, ông Tuấn cho rằng, phát triển năng lượng tái tạo vẫn nên thận trọng vì về mặt công nghệ dù được biết đến từ lâu nhưng vẫn chưa phải thời điểm chín muồi. “Nếu phát triển ồ ạt ngay bây giờ thì 5, 10 năm tới gặp phải điều kiện công nghệ phát triển cao hơn nữa, chi phí giá thành giảm hơn nữa thì sẽ gặp rủi ro”, ông nhấn mạnh.

Trả lời câu hỏi giá điện thấp có phải lý do cản trở sự phát triển năng lượng tái tạo không, ông Tuấn cho biết: “Giá điện hiện nay không phải quá rẻ nhưng vẫn tương đối rẻ so với mặt bằng chung. Tôi cho rằng giá điện của Việt thấp là một trong những yếu tố làm ảnh hưởng đến sự phát triển năng lượng tái tạo nhưng không phải là tất cả”.

“Ngoài rào cản giá điện thấp còn nhiều rào cản khác như cơ chế hỗ trợ chính sách, ví dụ nhiều cơ chế về điện mặt trời khi đưa ra đã thu hút nhiều nhà đầu tư tham gia vào thị trường. Thực tế, có thể học tập trên thế giới nhiều cơ chế chính sách khác nhau có thể hỗ trợ sự phát triển năng lượng tái tạo”, ông nói thêm.

Còn theo ông Trịnh Quốc Vũ, Phó vụ trưởng Vụ tiết kiệm năng lượng và phát triển bền vững, Bộ Công Thương, giải pháp năng lượng xanh cho tương lai đó là tập trung tiết kiệm năng lượng trong sản xuất-bởi đây là khu vực có mức tiêu thụ năng lượng nhiều nhất.

Hiện nay tiêu thụ năng lượng trong công nghiệp chiếm hơn 47% trong tổng tiêu thụ năng lượng. Và theo đánh giá thì tiềm năng kỹ thuật tiết kiệm năng trong hoạt động sản xuất có thể đạt được khoảng 20-30%, thậm chí 40% nếu các doanh nghiệp quan tâm tới vấn đề này và sử dụng các thiết bị tiết kiệm năng lượng.

Đại sứ Chiến dịch Giờ Trái đất, Chủ tịch Tập đoàn Sơn Hà, ông Lê Vĩnh Sơn cho biết, một trong những cam kết mạnh mẽ của Chiến dịch Giờ Trái đất hàng năm là truyền thông thúc đẩy ý thức tiết kiệm năng lượng trong hoạt động sản xuất của các nhà máy, doanh nghiệp quốc doanh và tư nhân. Theo đó, những sáng kiến đã được doanh nghiệp chủ động áp dụng như những công nghệ mới ít tiêu hao năng lượng trong các công đoạn sản xuất, các công xưởng luân phiên sản xuất tránh căng thẳng về điện trong giờ cao điểm…

“Nhiều khi cố gắng đi kiếm nguồn năng lượng mới lại không bằng tiết kiệm. Như chúng tôi đã áp dụng các phương pháp để giảm tiêu hao năng lượng điện của các nhà máy. Những máy móc công suất rất lớn, thiết bị sử dụng điện nhiều đã dần được "thay máu" bằng những thiết bị tiết kiệm điện năng", ông Sơn nói. 

Phương Dung