Giá dầu thổi bay hàng nghìn tỷ của đại gia chứng khoán Việt
(Dân trí) - Theo thống kê của Dân trí, chỉ trong vòng 1 tháng qua, chỉ số VN-Index đã đánh mất tới 82,71 điểm, tương ứng giảm gần 16%. Điều này cũng đồng nghĩa là hơn 140.000 tỷ đồng đã bị “thổi bay” khỏi sàn giao dịch HoSE.
Thị trường chứng khoán trong thời gian vừa qua giảm điểm theo quán tính
Chỉ tính riêng phiên giao dịch ngày 17/12, chỉ số VN-Index có lúc đã mất 22 điểm và chốt lại toàn phiên ấn định mức giảm 16,92 điểm (tương ứng 3,16%). HNX-Index giảm 2,02 điểm tương ứng 2,45%. Toàn thị trường có 341 mã giảm và 74 mã giảm sàn.
Thống kê của Dân trí dựa trên dữ liệu sàn giao dịch chứng khoán TPHCM (HoSE) cho thấy, trong phiên giảm hôm qua, sàn này đã “bốc hơi” hơn 30.000 tỷ đồng, đưa vốn hóa thị trường toàn sàn xuống còn 937.440 tỷ đồng.
Tại thời điểm đúng 1 tháng trước đó (ngày 17/11). Lúc này chỉ số VN-Index vẫn còn duy trì trên ngưỡng 600, đạt 600,93 điểm và vốn hóa thị trường HoSE là 1.079.761 tỷ đồng.
Như vậy, chỉ sau một tháng giao dịch, chỉ số VN-Index đã đánh mất tới 82,71 điểm, tương ứng giảm gần 16%. Điều này cũng đồng nghĩa là 142.321 tỷ đồng đã bị “thổi bay” khỏi sàn giao dịch HoSE.
Cổ phiếu GAS của Tổng công ty Khí Việt Nam luôn được đánh giá là một trong những trụ cột của thị trường. Nhưng với việc giá dầu liên tục lao dốc và đón nhận các thông tin bất lợi trong “cuộc chiến giá dầu” thời gian qua, giá GAS trên thị trường chứng khoán cũng hứng chịu những “cú đánh” rất mạnh và rớt giá thê thảm.
So với thời điểm ngày 17/11/2014, thị giá GAS đã trượt đà mạnh từ 101.800 đồng/cp xuống còn 62.000 đồng/cp, mức thất thoát lên tới 39.800 đồng, tương ứng 39,1%.
Đóng cửa phiên giao dịch 17/12, vốn hóa thị trường của GAS đạt 117.490 tỷ đồng, giảm gần 80.000 tỷ đồng so với 1 tháng trước đó.
Một mã đáng chú ý khác là PVD của Tổng công ty cổ phần Khoan và Dịch vụ Khoan Dầu khí sau hàng loạt phiên giảm sàn và giảm điểm, đã đóng cửa phiên 17/12 với mức thị giá lùi sâu còn 55.000 đồng (giảm 35.000 đồng tương ứng 38,89%) và vốn hóa thị trường chỉ còn 16.667 tỷ đồng (giảm gần 11.000 tỷ đồng) so với thời điểm đóng cửa ngày 17/11.
Nhìn chung trong đợt giảm sâu vừa qua, bị tác động mạnh nhất vẫn là cổ phiếu nhóm dầu khí và tài khoản chứng khoán của những nhà đầu tư đang nắm giữ cổ phiếu này. Bên cạnh đó, không ít mã cổ phiếu khác cũng bị “vạ lây”, khi không ít nhà đầu tư đã xuôi theo đà bán tháo để “xả hàng” khiến giá cổ phiếu chìm sâu theo.
Đơn cử như cổ phiếu HAG của Hoàng Anh Gia Lai, trong 1 tháng qua cũng mất giá tới 13,88%. Và với việc mỗi cổ phiếu bị giảm giá 3.400 đồng, khối tài sản của ông Đoàn Nguyên Đức (bầu Đức) trên sàn chứng khoán cũng đã “không cánh mà bay” 1.059,5 tỷ đồng.
Hay như cổ phiếu HPG của Hòa Phát, mức thất thoát trong tháng vừa qua là 16,14% với mỗi cổ phiếu giảm giá 9.200 đồng. Diễn biến này khiến tài sản của vợ chồng bầu Long (ông Trần Đình Long – Chủ tịch HĐQT tập đoàn) trên thị trường chứng khoán bị hao hụt nặng. Cụ thể, riêng bầu Long mất 929,7 tỷ đồng còn bà Vũ Thị Hiền (vợ bầu Long) mất gần 285 tỷ đồng trong tài khoản.
Tại một báo cáo phân tích vừa mới phát hành, CTCK Rồng Việt (VDSC) cho rằng, sự sụt giảm liên tục của giá dầu đã khiến thị trường chứng khoán rơi vào cảnh “họa vô đơn chí” khi khá nhiều cổ phiếu không liên quan, thậm chí hưởng lợi ởi giá dầu cũng giảm theo ứng domino.
Theo lý thuyết, giá thị trường quyết định bởi cung cầu trong dài hạn sẽ luôn xoay quanh giá trị nội tại của doanh nghiệp. Như vậy, trong bối cảnh kinh tế đang theo chiều hướng tốt lên và triển vọng kinh doanh của khá nhiều doanh nghiệp cũng có cơ hội tăng trưởng, VDSC tin rằng, VN-Index sẽ vận động theo chiều hướng đi lên hay nói cách khác, sẽ là vô lý nếu VN-Index rớt về dưới 500.
Bên cạnh đó, kể từ khi giới chuyên môn nhận thấy cổ phiếu đã quá rẻ, hay quá đắt, thị trường vẫn sẽ chuyển động theo quán tính thêm một thời gian ngắn nữa.
Do vậy, VDSC khuyến nghị, việc tìm đáy thị trường sẽ không còn là vấn đề quan trọng mà nhà đầu tư nên bắt đầu chú ý đến những mã cổ phiếu mình am hiểu và yêu thích để nắm bắt cơ hội cho sự phục hồi sắp tới.
Bích Diệp