1. Dòng sự kiện:
  2. Hàng giá rẻ Trung Quốc đổ bộ

Giá dầu: “Cuộc chiến” cam go?

(Dân trí) - Giá dầu đang phản ánh “cuộc chiến” cam go giữa các “đại gia” xuất khẩu dầu mỏ trên thế giới, khi Venezuela tuyên bố sẵn sàng để giá dầu xuất khẩu rơi xuống mức dưới 30 USD/ thùng, thậm chí có thể thấp hơn.

Giá dầu thô thế giới đã tăng mạnh trở lại khi chốt phiên giao dịch ngày 27/8, mức tăng cao nhất tính từ năm 2009, với hơn 10% giá trị. Giá dầu thô ngọt nhẹ tại New York giao tháng 10 là 42,5 USD/thùng, trong khi dầu Brent biển Bắc giao cùng kỳ cũng tăng lên trên 47 USD/thùng.

Tuy nhiên, Venezuela - một thành viên của Tổ chức xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) trước đó đã tuyên bố sẵn sàng để giá dầu xuất khẩu của nước này rơi xuống mức dưới 30 USD/ thùng, thậm chí có thể thấp hơn.

Điều này khiến dư luận cho rằng: Giá dầu đang phản ánh “cuộc chiến” cam go giữa các “đại gia” xuất khẩu dầu mỏ trên thế giới.

 

Giá dầu: “Cuộc chiến” cam go? - 1

(Ảnh minh hoạ).

 

Dầu từ đá phiến liệu có bị “nốc ao”?

Ngày 25/8, giá dầu của Venezuela (chứa nhiều dầu nặng) đã giảm sâu tới mức chỉ còn 35 USD/thùng, mức thấp nhất kể từ hàng chục năm nay. Giá dầu ngọt nhẹ trên thị trường thế giới cũng đã ở mức 43,21 USD/ thùng.

Trước đà giảm sâu của giá dầu thế giới đã có những lời kêu gọi OPEC cắt giảm sản lượng để bình ổn giá dầu. Nhưng theo kế hoạch tổ chức này không có cuộc họp nào từ nay cho đến trước cuối năm nay, người phát ngôn của OPEC còn cho biết cũng sẽ không có cuộc họp nào được gọi là khẩn cấp.

Để phục vụ cho chiến lược cạnh tranh của khối, mặc dù Venezuela – quốc gia có nguồn thu ngân sách từ dầu mỏ khá cao (hơn 90%), nhưng nước này vẫn sẵn sàng chịu thiệt để cùng OPEC và Nga quyết đấu với các công ty dầu đá phiến từ Mỹ.

Ngành khai thác dầu từ đá phiến của Mỹ, với hai bộ phận:

Một là, các tập đoàn và công ty lớn có nguồn vốn dồi dào và sử dụng những công nghệ khai thác tiên tiến nhất, trên các mỏ có trữ lượng lớn nhất. Theo đó, các tập đoàn và công ty lớn này có thể khai thác dầu đá phiến với mức chi phí thấp nhất, ước tính họ vẫn có lãi khi giá dầu xuống đến mức 40 USD/thùng.

Hai là, các công ty khai thác hạng vừa và nhỏ, có nguồn vốn ít hơn và sử dụng những kỹ thuật tương đối cũ, trên các mỏ có trữ lượng thấp, thì việc chi phí khai thác cao hơn, nên phải 60 USD/thùng thì mới có lãi. Đây chính là đối tượng mà đối thủ cạnh tranh nhằm tới, chỉ cần giá dầu giảm sâu ở mức dưới 60 USD/thùng thì các công ty vừa và nhỏ của Mỹ sẽ bị loại khỏi thương trường.

Mặt khác, đối thủ cạnh tranh của Mỹ lần này không chỉ có OPEC mà còn có sự góp mặt của Nga và Iran, các yếu tố cạnh tranh kinh tế còn gắn với các thủ đoạn chính trị. Với Nga là vấn đề khủng hoảng Ukraine, với Iran là vấn đề có hay không nghiêm chỉnh chấp hành theo thỏa thuận của Nhóm P5+ 1.

Khối OPEC và Nga tham vọng sẽ đánh bại ngành khai thác dầu mỏ từ đá phiến, ít nhất cũng là các công ty hạng vừa và nhỏ; nhưng nếu kịch bản giá dầu tiếp tục duy trì ở mức 30 USD/thùng hoặc thấp hơn thì nhóm dẫn đầu ngành khai thác này cũng sẽ bị “nốc ao”.

“Ai thắng ai” vẫn còn đang ở phía trước

Theo giới phân tích, hiện chỉ có các thành viên vùng Vịnh của OPEC mới có đủ tiềm lực về kinh tế để có thể chống chọi được với giá dầu thấp. Khối này kiên duy trì sản lượng dầu đang khai thác vì hy vọng với lợi nhuận thấp dưới 60 USD/thùng sẽ loại được các đối thủ loại vừa và nhỏ, nếu dưới 40 USD/thùng thì có thể loại bỏ phần lớn các công ty khai thác dầu từ đá phiến của Mỹ ra khỏi thị trường.

Trong khi Nga và OPEC đang được đánh giá cao hơn hẳn Mỹ về khả năng chịu đựng trong cuộc chiến dài ngày và khốc liệt này, còn đối với Mỹ thì giá dầu ít nhất phải đạt từ 60 – 70 USD/thùng thì mới duy trì khả năng sản xuất của các công ty của nước này.

Mức giá dự kiến để Nga và OPEC duy trì khả năng khai thác và tiếp tục cuộc đấu với kịch bản giá thấp hơn nhiều so với Mỹ. Theo kế hoạch, thì ngân sách của Nga và Arab Saudi đã được thiết lập dựa trên dự báo giá dầu có thể xuống đến mức 50 – 60 USD/thùng.

Tuy nhiên, sự chênh lệch về mức giá dự kiến giữa các đối thủ còn nằm ở khả năng bảo hiểm đối với ngành dầu ở mỗi quốc gia. Đối với Nga đã trải qua sự chịu đựng các cú sốc về giảm giá dầu cùng với đòn trừng phạt kinh tế của Mỹ và phương Tây, còn Arab Saudi đã có điểm tựa là quỹ dự trữ ngoại tệ lớn, lên tới 731 tỷ USD.

Tuy nhiên, sự giảm sút của nền kinh tế Trung Quốc, nhưng nhu cầu nhập khẩu dầu dự trữ của nước này vẫn cao; nền kinh tế Mỹ mới được đánh giá là khởi sắc, lạc quan hơn so với dự báo trước đó; hãng Shell buộc phải đóng cửa 2 đường ống dẫn dầu lớn tại Nigeria với công suất hơn 180.000 thùng/ngày.

Theo số liệu của Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ (EIA), trong tuần kết thúc vào 21/8, lượng dầu lưu kho của nước này giảm 5,5 triệu thùng, mức giảm hàng tuần lớn nhất kể từ đầu tháng 6, nhưng lượng xăng lưu kho lại tăng 1,7 triệu thùng và các sản phẩm trưng cất cũng tăng 1,4 triệu thùng, cao hơn so với dự đoán trước đó 1 triệu thùng.

Ngoài ra, việc cạnh tranh thị phần còn phải kể đến 200 ngàn thùng đã được các quốc gia ngoài OPEC ký các hợp đồng cho năm 2016 từ thời điểm năm 2008. Khiến giá dầu đột ngột tăng cao (10%) hôm 27/8.

Theo giới quan sát, với lượng tiêu thụ lên tới 1,4 triệu thùng/ngày, OPEC và Nga đang đứng trước cơ hội mở rộng thị trường khi các đối thủ yếu hơn bị ảnh hưởng nặng nề từ việc đi xuống của các nền kinh tế.

Tuy nhiên, thị phần của OPEC hiện đang ở mức thấp nhất trong thập kỷ do lượng cung dầu từ Mỹ tăng lên, làm thay đổi nhu cầu của thị trường. “Trong tương lai, nếu lượng cung của OPEC giảm xuống sẽ khiến nhu cầu tăng lên và đương nhiên đảm bảo cho Mỹ một thị trường lớn hơn”, khiến OPEC có thể mất dần lợi thế cạnh tranh.

Các nước Algeria, Libya, Iraq, Nigeria và Venezuela bị liệt vào danh sách 5 nước yếu nhất, đang phải đối mặt với việc cắt giảm chi tiêu xã hội do sự sụt giảm của giá dầu và những bất ổn chính trị trong nội bộ các nước.

Trước đó, Algeria, Venezuela, Libya đã yêu cầu OPEC cắt giảm sản lượng để giữ giá, nhưng không nhận được phản hồi từ Ảrập Saudi, mặc dù nước này cũng đã phải cắt giảm 1 tỷ USD ngân sách cho năm 2016 - mức thiếu hụt lớn nhất kể từ năm 1987.

Giới quan sát cho rằng, kế hoạch của OPEC vẫn tồn tại những sơ hở khó lường, việc giảm cung không những không làm tăng nhu cầu của khách hàng, mà còn khiến các thành viên của họ bị mất thị phần nhiều hơn và bị giảm doanh thu dài hạn. Khiến các đối thủ cạnh tranh đến từ Mỹ lại nhận được mức thặng dư lớn hơn.

Các chuyên gia còn cho rằng: “Đó sẽ là một cuộc đua đường dài trong nhiều năm, chứ không chỉ tính bằng tháng. Các bên cần phải kiên nhẫn nếu muốn có lợi thế”. Vì thế, giới nghiên cứu và dư luận cho rằng, trong “cuộc chiến” giá dầu đầy cam go này “ai thắng ai” vẫn còn đang ở phía trước.

Nguyễn Nhâm

 

Giá dầu: “Cuộc chiến” cam go? - 2

 

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm