Giá dầu có thể xuống mức 10 USD/thùng
Sau mức sụt giảm của giá dầu tuần qua, trong tương lai không xa, giá dầu có thể xuống mức 10 USD/thùng.
Tuần qua đã trở thành một trong những tuần dầu rớt giá mạnh nhất kể từ cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008. Kết thúc phiên giao dịch cuối cùng, giá dầu ngọt nhẹ tại thị trường New York xuống còn 29,42 USD/thùng, mức thấp nhất kể từ tháng 11/2003. Tại thị trường London, giá dầu Brent Biển Bắc cũng tiếp tục hạ còn 28,94 USD/thùng, mức thấp nhất kể từ tháng 2/2004. Tính chung cả tuần qua, giá dầu ngọt nhẹ giảm khoảng 11%, còn giá dầu Brent Biển Bắc giảm đến hơn 14%.
Một thành viên hàng đầu của OPEC tại châu Phi là Nigeria đang kêu gọi sớm tổ chức cuộc họp khẩn của OPEC trước tình trạng giá dầu tiếp tục lao dốc.
Giá dầu thấp đã gây ra tình trạng thâm hụt ngân sách nghiêm trọng tại các quốc gia có nguồn thu phụ thuộc vào xuất khẩu dầu như Saudi Arabia, Nga, Venezuela. Và những quốc gia này đã buộc phải điều chỉnh chính sách nhằm bù đắp nguồn thu sụt giảm do giá dầu thấp.
Giá dầu thấp cũng buộc Saudi Arabia phải tăng giá một loạt mặt hàng thiết yếu trong nước như xăng, điện, nước và tăng thuế đánh vào giới siêu giàu. Saudi Arabia cũng lên kế hoạch cổ phần hóa tập đoàn dầu khí nhà nước Saudi Aramco - tập đoàn sản xuất dầu mỏ lớn nhất thế giới. Đồng thời, Cục hàng không dân sự của Saudi Arabia sẽ bắt đầu tư nhân hóa tất cả các sân bay và dịch vụ hàng không nước này từ nay đến năm 2020.
Chính phủ Nga đặt mục tiêu chiến lược là giảm sự phụ thuộc của ngân sách vào giá dầu bằng cách tập trung hỗ trợ các ngành có tiềm năng phát triển, có thể thay thế hàng nhập khẩu. Nga cũng lên kế hoạch đối phó với kịch bản các mức giá dầu khác nhau: 25, 35 và 45 USD/thùng.
Venezuela - nơi dầu khí chiếm tới 96% kim ngạch xuất khẩu - đã phải ban bố tình trạng kinh tế khẩn cấp trong 60 ngày, bắt đầu từ ngày 15/01. Ngân sách thâm hụt do giá dầu giảm, lạm phát lên tới 141%, Chính phủ Venezuela phải áp dụng một loạt các biện pháp cứu trợ như: bổ sung kim cương và các loại đá quý vào quỹ dự trữ ngoại hối, tìm kiếm nguồn vay từ nước ngoài, điều chỉnh tỷ giá và cắt giảm mạnh chi tiêu công.
Trong quý I hoặc quý II/2016, Iraq sẽ phát hành 2 tỷ USD trái phiếu quốc tế, nhằm bù đắp thâm hụt ngân sách được dự báo sẽ tương đương 17,7% GDP trong năm 2016.
Theo Ban Thời sự
VTV