Giá đất tại Hà Nội năm 2011: Sẽ tiệm cận giá thị trường

Các cơ quan ban, ngành TP. Hà Nội đang nghiên cứu xây dựng bảng giá đất năm 2011. Nhiều khả năng, giá đất những khu vực “nóng” thời gian qua sẽ được điều chỉnh tăng tiệm cận giá thị trường.

Giá đất tại Hà Nội năm 2011: Sẽ tiệm cận giá thị trường - 1
Thực trạng giá đất thị trường ở thời điểm hiện tại và 6 tháng cuối năm 2010 sẽ vượt xa khung giá đất mà UBND TP. Hà Nội đã ban hành.
 
Kết quả điều tra giá chuyển nhượng đất trên thị trường Hà Nội cuối năm 2009 của UBND TP. Hà Nội (đây là cơ sở để điều chỉnh giá đất năm 2010) cho thấy, giá chuyển nhượng quyền sử dụng đất ở các quận, huyện giáp ranh quận nội thành và đầu mối giao thông thuộc các huyện tăng trung bình 20%, cá biệt có những xã giáp ranh của huyện Từ Liêm, quận Hà Đông, huyện Hoài Đức tăng đến 100%...

Theo bảng giá đất năm 2010, giá đất tại các quận như Ba Đình, Hoàn Kiếm, Đống Đa, Hai Bà Trưng, Thanh Xuân, Tây Hồ, Cầu Giấy, Hoàng Mai, Long Biên đã được điều chỉnh tăng 21% tại vị trí 1 của một số đường phố có khả năng sinh lợi cao (như Hàng Ngang, Hàng Đào, quận Hoàn Kiếm), bằng mức vượt khung tối đa do Chính phủ quy định là 81 triệu đồng/m2. Các đường phố, vị trí còn lại tăng theo hướng giảm dần từ trung tâm Hà Nội trở ra, nhưng thấp nhất chỉ 1,8 triệu đồng/m2.

Giá đất tại các thị trấn của các huyện (trừ Từ Liêm, Gia Lâm, Thanh Trì, Đông Anh, Hoài Đức, Đan Phượng) tối thiểu là 750.000 đồng/m2; cao nhất là 8,04 triệu đồng/m2. Tại các huyện giáp ranh nội đô, có tốc độ phát triển kinh tế và đô thị hóa nhanh như Từ Liêm, Gia Lâm, Đông Anh, Thanh Trì, Hoài Đức, Đan Phượng, giá đất tối thiểu sau khi điều chỉnh là 1,265 triệu đồng/m2, tối đa là 21,6 triệu đồng/m2.

Đánh giá của Sở Tài Nguyên và Môi trường Hà Nội cho thấy, thực trạng giá đất thị trường ở thời điểm hiện tại và 6 tháng cuối năm 2010 sẽ vượt xa khung giá đất mà UBND TP. Hà Nội đã ban hành. Điển hình, giá đất trên thị trường tại các khu vực như Hà Đông, Từ Liêm, Gia Lâm hiện đã cao gần gấp 10 lần so với bảng giá đất hiện hành.

“Việc điều tra, khảo sát giá đất nhằm đưa giá đất do Thành phố ban hành dần tiệm cận mức giá thực tế trên thị trường. Đây cũng là cơ sở để Thành phố tính thuế sử dụng đất, thuế thu nhập trong giao dịch chuyển nhượng quyền sử dụng đất hàng năm”, ông Vũ Hồng Khanh, Phó chủ tịch UBND TP. Hà Nội nói.

Theo đánh giá của giới đầu tư BĐS, việc điều chỉnh giá đất là do một số khu vực đã được Nhà nước đầu tư hạ tầng kỹ thuật đồng bộ, tạo điều kiện thuận lợi về kinh tế, xã hội của khu vực, khiến giá đất tăng, nên cần điều chỉnh lại giá đất để đảm bảo thu ngân sách cho Nhà nước. Việc điều chỉnh giá đất tại các khu vực cũng nhằm đảm bảo mặt bằng chung và cân đối hài hoà các lợi ích của Nhà nước, doanh nghiệp và cả của người dân trong việc bồi thường, giải phóng mặt bằng.

Tuy nhiên, trong quá trình xây dựng lấy ý kiến điều chỉnh giá đất, các cơ quan chức năng cần cân đối lợi ích của Nhà nước với các cá nhân, tổ chức khác.

Theo ông Lê Quang Nhuệ, Phó Chủ tịch HĐND TP. Hà Nội, việc tính toán giá đất sát với giá trị thực tế thị trường cũng cần có thời gian và lộ trình cụ thể. Đang có thực trạng là người dân vừa muốn nộp thuế ít, nhưng lại mong được bồi thường khi giải phóng mặt bằng cao. Vì vậy, khái niệm khung giá sát thị trường cũng cần phải làm rõ. Khi nghiên cứu về giá đất, các ngành cần có chi tiết cụ thể cho từng tuyến đường, tuyến phố, từng khu vực nhằm tránh trường hợp bỏ sót, thiếu công bằng.

UBND TP. Hà Nội vừa chỉ đạo Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội tổ chức điều tra khảo sát thu thập thông tin giá đất thị trường tại 577 xã, phường, thị trấn đã có giao dịch thành công để xây dựng bảng giá đất năm 2011 trình UBND Thành phố trước ngày 20/11/2010.

Theo kế hoạch này, đối với các phường thuộc quận, thị xã, Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội sẽ điều tra, khảo sát trên 50 thửa đất đã có giao dịch thành công năm 2010. Tại các thị trấn thuộc các huyện, việc điều tra, khảo sát sẽ được tiến hành với trên 45 thửa đã giao dịch thành công. Vùng đồng bằng và trung du miền núi lần lượt sẽ phải điều tra 38 và 23 thửa. Vị trí các thửa đất điều tra là vị trí 1 của các đường phố, được giao dịch thành công trong khoảng từ tháng 10/2009 đến nay.

Trong trường hợp không có giao dịch thành công của các thửa đất tại vị trí 1, cơ quan chức năng sẽ điều tra tại các thửa đất có vị trí tiếp theo, nhưng trong cùng loại đất và mục đích sử dụng.

Ông Vũ Văn Hậu, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường cho biết, từ ngày 16/9 đến 30/9, Tổ công tác sẽ tổng hợp kết quả điều tra, khảo sát giá đất cấp huyện và cấp thành phố; từ ngày 6/11 đến 20/11, hồ sơ xây dựng bảng giá đất sẽ được hoàn thiện trước khi trình UBND Thành phố.

Theo Phương Hoa
Báo Đầu tư