“Giá cả tăng không phải do WTO”

Bộ trưởng Thương mại Trương Đình Tuyển cho rằng hơn 6 tháng sau khi trở thành thành viên Tổ chức Thương mại thế giới (WTO), Việt Nam đã diễn biến đúng theo dự liệu của Bộ. Tuy nhiên, theo ông giá cả tăng cao không phải do lỗi của WTO.

Bộ trưởng nhận định như thế nào về diễn biến của Việt Nam 6 tháng qua, sau khi gia nhập WTO?

Sáu tháng là quá ngắn để đánh giá các tác động, nhưng những gì diễn ra hoàn toàn phù hợp với nhận định của Bộ Thương mại khi trình Quốc hội phê chuẩn Hiệp định về gia nhập WTO.

Khi đó, chúng tôi nhận định cơ hội lớn nhất là thu hút đầu tư nước ngoài. Và thực tế cho thấy đang có một làn sóng đầu tư cả về trực tiếp lẫn gián tiếp đổ vào Việt Nam. Số vốn đăng ký sáu tháng đầu năm tăng cao, trên 5 tỷ USD, có thể tăng nữa nếu chúng ta cải cách tốt thủ tục đầu tư.

Chúng tôi cũng nhận định là thị trường xuất khẩu sẽ được mở rộng nhưng không có đột biến. Điều này cũng đúng trên thực tế. Muốn có cái để xuất khẩu thì phải có sản phẩm, đầu tư phải tăng lên, song thực tế ta lại chưa đáp ứng được.

Tuy không có tăng đột biến về thị trường nhưng nhìn chung xuất khẩu có tăng lên. Tính chung các sản phẩm xuất khẩu phi dầu thô tăng khoảng 28,6%. Dự báo tăng trưởng xuất khẩu cả năm sẽ đạt trên 20%, cao hơn mức mà Quốc hội đã đặt ra.

Nhưng nhập siêu trong sáu tháng đầu năm đã tăng lên đến hơn 30%. Điều này có phải do tác động từ việc gia nhập WTO?

Thực tế, nhập siêu tăng ở nhiều mặt hàng thuế chưa giảm hoặc giảm ít theo cam kết WTO của Việt Nam. Mặt khác, nhập siêu tăng là do nhà đầu tư nhập hàng về để triển khai dự án.

Nhập khẩu của các nhà đầu tư nước ngoài sáu tháng đầu năm tăng 30,6%. Họ nhập không phải để bán mà là để hình thành dự án đầu tư. Vì thế theo tôi, ảnh hưởng của gia nhập WTO dẫn đến nhập siêu tăng là không lớn.

Ngoài ra, nguyên nhân tiếp theo là do năng lực cạnh tranh một số mặt hàng kém khi đối mặt với hội nhập như ngành thép chẳng hạn. Hiện nay, công suất sản xuất thép của các doanh nghiệp trong nước rất lớn nhưng không bán được hàng do không cạnh tranh được với hàng nhập khẩu. Đây cũng là một yếu kém trong mô hình tăng trưởng của chúng ta.

Nhiều chuyên gia dự báo vào WTO giá hàng hóa sẽ rẻ đi nhưng thực tế lại đang diễn ra ngược lại, vì sao?

Việc tăng giá vừa rồi là do mấy yếu tố sau: thứ nhất là do giá cả một số mặt hàng trên thế giới tăng; thứ hai, giá lương thực thực phẩm tăng. Việc giá xuất khẩu lương thực tăng đặt ra yêu cầu là phải mua hàng của nông dân với giá cao hơn. Điều đó có nghĩa là việc phân phối lợi ích giữa nhà sản xuất và người đi buôn hợp lý.

Do đó nó cũng góp phần làm giá lương thực trong nước tăng lên. Ngoài ra, cúm gà, dịch bệnh cũng làm giá cả trong nước tăng. Lượng tiền lưu thông tăng lên. Nhà nước đã bỏ ra một số lượng lớn tiền để mua ngoại tệ cũng gây áp lực tăng giá. Một số chính sách giá của Nhà nước trong lĩnh vực điện, xăng dầu, than cũng kích thích tăng giá mặt hàng khác.

Đó là các yếu tố làm tăng giá mà theo tôi, việc tăng giá vừa rồi là không thể coi thường mặc dù vẫn có thể kiểm soát được. Vì thế điều này đặt ra nhiệm vụ kiềm chế giá trong sáu tháng cuối năm là rất quan trọng.

Nhưng vẫn còn rào cản khi thiếu các hướng dẫn cụ thể trong việc triển khai thực hiện cam kết WTO, điều này đã gây khó cho nhà đầu tư?

Có thể có một số lĩnh vực phải chờ hướng dẫn lâu hơn vì nó phức tạp. Ví như quyền kinh doanh, quyền nhập khẩu. Quyền nhập khẩu phải làm sao để không biến thành phân phối trá hình. Nhà đầu tư nước ngoài có quyền đưa hàng đến Việt Nam, làm thủ tục tại hải quan nhưng không có quyền phân phối.

Vậy làm thế nào để đảm bảo cho người ta quyền được nhập khẩu hàng hóa nhưng không lợi dụng để phân phối đòi hỏi phải có thảo luận, trao đổi nên hơi lâu một tý, nhưng bây giờ đã có hướng dẫn rồi.

Tôi cho rằng chúng ta không triển khai chậm, có chăng chỉ ở lĩnh vực này thôi. Quyền phân phối luôn là vấn đề gay go khi đàm phán và cũng luôn phức tạp không chỉ là vấn đề của Việt Nam. Bây giờ chỉ còn vấn đề này thôi là giữa cam kết của ta với chính sách có sự chênh lệch.

Trước đây ta mở cửa một số lĩnh vực thông thoáng hơn cam kết. Bây giờ về nguyên tắc chúng ta phải dựa vào cam kết thôi. Nhưng điều đó không có nghĩa rằng chúng ta không thể mở cửa sớm hơn. Cái gì cần mở sớm hơn, chúng ta phải phân tích thấu đáo để vừa thúc đẩy phát triển vừa bảo hộ hợp lý.

Theo Bộ trưởng, đâu là thành công lớn nhất của chúng ta sau nửa năm gia nhập WTO?

Về chính sách, chúng ta đang từng bước tạo ra yếu tố thị trường, đặt doanh nghiệp vào môi trường cạnh tranh mạnh mẽ hơn. Điều này sẽ quyết định hình thành nên chính sách của doanh nghiệp. Thu hút được đầu tư nước ngoài là thành công thứ hai giúp chuyển dịch cơ cấu kinh tế, thúc đẩy tăng trưởng, tạo điều kiện để chúng ta thúc đẩy xuất khẩu.

Bản năng sống, tồn tại và phát triển trong một môi trường cạnh tranh đang buộc các doanh nghiệp phải làm, phải thay đổi cơ cấu quản lý, thay đổi chiến lược kinh doanh... từ đó tạo nên một nền kinh tế thật sự năng động. Đó chính là điều chúng ta cần nhất khi bước vào sân chơi này.

Theo Xuân Toàn - Minh Nhật
Báo Tuổi trẻ