Bạc Liêu:
Giá cá sấu tăng gấp đôi sau một thời gian rớt thê thảm
(Dân trí) - Gần đây, giá cá sấu thương phẩm tại tỉnh Bạc Liêu đã tăng trở lại sau một thời gian rớt giá thê thảm, người nuôi đã phấn khởi hơn khi có lãi tương đối khá.
Ghi nhận của PV Dân trí tại huyện Phước Long (đây là địa phương nuôi cá sấu nhiều nhất của tỉnh Bạc Liêu), toàn huyện có khoảng 1.000 hộ nuôi, với gần 200.000 con cá sấu.
Gần đây, giá cá sấu thương phẩm ở Bạc Liêu được thương lái thu mua dao động từ 110.000 - 120.000 đồng/ký, tùy loại. Với giá này, người nuôi có thể lãi từ 20.000 – 40.000 đồng/ký, tăng gấp đôi so với năm trước.
Theo người dân địa phương, giá cá sấu tăng cao là do nhu cầu tiêu thụ lớn, nhất là xuất bán qua nước ngoài bằng đường tiểu ngạch, cũng như nhu cầu thu mua của các công ty sản xuất các mặt hàng giày da từ cá sấu.
Qua thống kê của ngành chức năng địa phương, trong năm 2017, tỉnh Bạc Liêu xuất bán hơn 2.300 tấn cá sấu thương phẩm. Tuy nhiên, do người dân ồ ạt thả nuôi nhưng thiếu liên kết đầu ra, khiến giá cá sấu giảm mạnh, có thời điểm chỉ còn khoảng 60.000 đồng/kg, làm nhiều hộ nuôi lỗ nặng.
Anh Đa (ngụ xã Phước Long, huyện Phước Long) cho biết, với giá cá sấu hiện tại, sau khoảng 2 năm nuôi cho lãi hơn 50% trên tổng chi phí.
Tuy nhiên, theo anh Đa, cá sấu thường có giá cả không ổn định. Đối với người nuôi thiếu kỹ thuật, chuồng trại thiết kế không đạt yêu cầu, thì việc xảy ra tình trạng cá bệnh, chết hoặc nuôi chậm lớn,… là điều khó tránh khỏi.
Chính vì thế, có người nuôi cá sấu ở Bạc Liêu thời gian qua giàu lên từ mô hình này, nhưng cũng có không ít hộ nghèo khó vì nuôi cá sấu thất bại.
Trước tình hình này, ngành chức năng tỉnh Bạc Liêu cũng khuyến cáo người dân không nên nuôi ồ ạt đàn cá sấu; hạn chế sản xuất theo phong trào, tuyệt đối tuân thủ kỹ thuật, lựa chọn con giống chất lượng, chăn nuôi phải khai báo, đăng ký nguồn gốc,…
Ông Trương Phước Hiền - Phó trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn huyện Phước Long cho rằng, qua mô hình nuôi cá sấu hiện nay, có thể xem xét đến việc thành lập Hiệp hội nghề nuôi cá sấu.
Theo ông Hiền, việc thành lập Hiệp hội nhằm có tiếng nói chung, bảo vệ quyền lợi của người nuôi cá sấu, không để bị tư thương ép giá,... Từ đó, có đủ điều kiện xuất khẩu cá sấu trong thời gian tới đạt hiệu quả hơn.
H.H