Giá cả leo thang, đời sống lao dốc

(Dân trí) - Giá vàng, USD, điện, xăng dầu… thi nhau leo thang đẩy giá tất cả các mặt hàng thiết yếu như lương thực, thực phẩm, thậm chí giá nhà cho thuê cũng “té nước theo mưa”. Hệ lụy của việc tăng giá đã tác động mạnh tới cuộc sống của người lao động và sinh viên.

Người lao động lao đao vì tăng giá

Người lao động thì không mấy quan tâm tới giá vàng và USD liên tục tăng trong những ngày qua nhưng họ không thể hiểu nổi tại sao bây giờ ra chợ mua gì người bán hàng cũng thản nhiên nói câu “giá vàng và đô lên cao thế cơ mà, làm sao giá hàng hóa thấp được!”.

Giá cả leo thang, đời sống lao dốc - 1
Thị trường tiêu dùng chịu ảnh hưởng trực tiếp từ tăng giá vĩ mô 
 
“Chị chỉ túc tắc ngày gánh một ít củ khoai, củ sắn luộc đi bán rong. Lãi lờ chẳng được bao nhiêu, trừ tiền thuê nhà, tiền điện, nước, ăn uống là hết. Nay đi mua mỗi chai nước mắm, chai dầu ăn và gói gia vị, vậy mà đã tiêu mất 55.000 đồng rồi…” - chị Hạnh, người bán quà rong chia sẻ.

Những người lao động ngoại tỉnh, về Hà Nội thuê trọ để mưu sinh ngày càng nhiều. Mỗi người một nghề: đi bán hoa quả, thu mua đồng nát, làm xây dựng, ngồi nơi chợ người... vì thế xóm trọ ven sông Hồng với những căn nhà xây thành khu cho thuê mỗi căn hộ chỉ vẻn vẹn 5 - 6m2 mà giá cả cũng cao ngất ngưởng.

“Nhà này vợ chồng em thuê được 8 tháng rồi. Năm ngoái chỉ 500.000 đồng thôi nhưng ăn tết xong là nhà chủ tăng giá lên 700.000 đồng. Cả hai vợ chồng em đi làm từ sáng tới tối, thu nhập mỗi tháng được 4.500.000 đồng, trừ chi phí tiền thuê nhà, tiền ăn của hai vợ chồng, tiền điện, nước thì cũng chẳng còn là bao” - Thủy, quê Nam Định, thuê trọ phố Bạch Đằng thở dài nói.

Tiền lương của người lao động chưa kịp tăng thì giá cả ngoài thị trường cái gì cũng tăng lên vù vù, tới chóng cả mặt, làm nhiều người lao động hoang mang, có cảm giác lo sợ, không biết với mức thu nhập cũ, họ có thể duy trì được cuộc sống ở thành thị không khi đã “thắt lưng buộc bụng” tới mức quần áo không dám mua.

“Mang bầu 7 tháng chuẩn bị nghỉ em lo lắm. Ở nhà biết làm gì, lại ăn bám chồng trong khi giá cả ở ngoài thứ gì cũng quá đắt đỏ. Em sắp sinh mà cũng chẳng dám mua sắm gì, toàn đi xin đồ sơ sinh của mấy chị ở chỗ làm…” - Vân, công nhân may khu Sài Đồng than thở.

Sinh viên nghĩ cách… làm thêm

Đã đến lúc sinh viên không thể ngồi học mãi để chờ tiền chu cấp của gia đình. Do giá cả thị trường cái gì cũng tăng nên nhiều sinh viên đã nghĩ cách đi làm thêm, không chờ vào khoản tiền hàng tháng bố mẹ gửi lên nữa.

Hùng sinh viên năm 2, trường ĐH Hà Nội cho biết: “Em nhận dạy 2 ca, một lớp 8, một lớp 11, đan xen. Không đi làm thêm thì không trang trải đủ tiền thuê nhà, tiền ăn, học phí, điện, internet… Phải làm thêm chứ tiền bố mẹ gửi 1.000.000 đồng chỉ đủ trang trải một nửa thôi”.

Mỗi sinh viên chọn cho mình một việc làm thêm. ngày đi học, tối làm thêm, đêm về còn ít sức vắt nốt cho bài vở. Sinh viên nào may mắn, có mối của bạn bè thì đi gia sư, bán hàng thời trang; có sinh viên đi phục vụ bàn, phụ giúp quán café... Dù ít, dù nhiều một ngày cũng có được 50.000 - 100.000 đồng phụ giúp vào việc mua tài liệu, trang thiết bị phục vụ học tập.

“Em đi làm ca ở quán cà phê từ 17 - 22h tối. Chủ quán trả cho em 1.500.000 đồng/tháng. Bù vào tiền ăn, tiền ở hàng tuần còn có bữa ăn tươi cùng bạn bè ở nhà trọ” - Minh, sinh viên ĐH Mở chia sẻ.

Giá vàng, USD và điện, xăng dầu leo thang kéo theo giá cả các mặt hàng thiết yếu khiến người lao động “méo mặt”, sinh viên “nhăn nhó” và không ít người lo sợ cho tương lai. Người ta không biết làm thế nào để cưỡng lại giá cả tăng cao, chỉ biết xoay sở, nghĩ cách tiết kiệm, làm thêm để tăng giá không “đè bẹp” cuộc sống của họ.

Thanh Xuân