1. Dòng sự kiện:
  2. Hàng giá rẻ Trung Quốc đổ bộ

Giá cả dịp Tết có thể tăng hơn 1%

Sắp đến Tết Nguyên đán, giá cả lại rục rịch tăng. Viện phó Nghiên cứu khoa học giá cả Ngô Trí Long dự báo: "chỉ số giá tiêu dùng tháng tết sẽ tăng trên 1%".

Ông Long giải thích, chỉ số giá tiêu dùng trong tháng tết tăng mạnh đã trở thành quy luật và từ xưa đến nay, quý đầu năm bao giờ cũng là quý có mức tăng chỉ số giá tiêu dùng cao nhất trong năm.

Nhiều chuyên gia về giá cho rằng việc tăng giá vào thời điểm tết là xuất phát từ nhu cầu mua bán hàng hóa tăng mạnh để đáp ứng nhu cầu ăn tết của người dân. Nhu cầu tăng mạnh do người Việt Nam coi trọng cái tết cổ truyền; do thời điểm thanh toán, quyết toán cả năm, người ăn lương được nhận tiền thưởng.

Trong năm nay, những điều kiện khó khăn khách quan như thiên tai, dịch bệnh cũng vẫn còn tiếp tục nên giá cả chắc chắn sẽ vẫn tăng cao như trong hai năm vừa qua. Tôi nghĩ rằng với những yếu tố bất lợi như vậy, giá cả tăng mạnh và chỉ số giá trong tháng này có thể tăng xoay quanh mức 1,5%.

Sự tăng giá thường do mất cân đối cung cầu gây nên. Tuy nhiên, các doanh nghiệp thường tích trữ hàng khá nhiều cho dịp tết, bảo đảm đủ nhu cầu của người dân. Vậy tại sao giá vẫn tăng và ta buộc phải chấp nhận đấy là một quy luật?

Nguồn hàng, xét ở cấp độ vĩ mô và trong cả đợt tết, không bao giờ mất cân đối cả. Tuy nhiên, ở vào một thời điểm nhất định thì có thể vẫn xảy ra mất cân đối cung cầu cục bộ. Thí dụ như vào hai, ba ngày trước tết, khi tất cả mọi người đều cùng đi mua sắm chuẩn bị tết thì có thể các thương nhân, các doanh nghiệp thương mại sẽ không chuyển hàng kịp đến các điểm kinh doanh dẫn đến thiếu hàng tức thời.

Ngoài ra, còn một điểm nữa liên quan đến đặc tính của người Á Đông nói chung, người Việt nói riêng là tâm lý: “Tết rồi, mua đắt thêm một chút, đắt hơn một - hai giá cũng không sao”. Đấy chính là một yếu tố quan trọng khiến giá cả vào dịp tết thường tăng.

Vậy theo ông, sự tăng giá trong dịp Tết Bính Tuất sẽ tập trung vào những loại hàng hóa nào?

Như các năm trước, giá tăng mạnh trước tiên sẽ là lương thực - thực phẩm. Với dịch cúm gia cầm năm nay, tuy đàn gia cầm vẫn còn tương đối dồi dào nhưng tâm lý e ngại vẫn còn nên giá gia cầm sẽ không thể tăng mạnh.

Tuy nhiên, những loại thực phẩm tươi sống thay thế gia cầm như thủy sản, thịt bò, thịt lợn và rau quả sẽ là nhóm tăng mạnh nhất. Đi kèm với nó là những loại đồ uống, rượu bia, nước giải khát và thuốc lá cũng sẽ tăng vì nhu cầu của người dân đối với mặt hàng này rất cao.

Ngoài ra, bên cạnh chuyện “ăn tết”, trong vài năm gần đây đã xuất hiện xu hướng “đi chơi tết”. Chính vì thế du lịch và một số dịch vụ khác trong dịp tết như trông xe, giá dịch vụ tại các điểm vui chơi công cộng cũng sẽ tăng, kéo theo giá cả tăng.

Ở đây, yếu tố tâm lý “vẫn làm, phục vụ khách hàng trong dịp tết khi mọi người đều được nghỉ nên giá phải cao” cũng vẫn là yếu tố chủ yếu khiến giá cả tăng.

Nhưng chẳng lẽ cứ coi tâm lý ấy là điều đương nhiên nên các cơ quan quản lý cũng “đương nhiên” để cho giá tăng, thưa ông?

Bản thân hệ thống quản lý của chúng ta vẫn có những điểm bất cập nên dù muốn hay không, khả năng can thiệp để giá cả không tăng mạnh cũng chỉ có thể dừng ở mức tương đối. Thí dụ như dù hàng hóa có nhiều, tích trữ đủ để đáp ứng nhu cầu của người dân nhưng mạng lưới bán lẻ, kho bãi, phương tiện vận chuyển chưa phát triển kịp sẽ khiến giá cả bị đội lên khi xảy ra mất cân đối cung cầu tạm thời như tôi đã nói ở trên.

Cái nữa là những khoản chi phí tiêu cực cũng sẽ làm tăng chi phí đầu vào, tác động đến giá thành khiến giá cả tăng. Chừng nào xử lý được hết những cái đó thì mới có thể nói đến chuyện giá cả ít tăng vào dịp tết.

Nhưng nói như vậy không có nghĩa là cơ quan quản lý nhà nước không làm gì, coi giá cả tăng là đương nhiên. Năm nào cũng thế, cứ đến dịp tết là Bộ Tài chính, Bộ Thương mại đều có công văn, chỉ thị yêu cầu tăng cường kiểm tra, kiểm soát để không xảy ra chuyện lợi dụng dịp tết tăng giá.

Các cơ quan chức năng như Cục Quản lý giá, Cục Quản lý thị trường đều hoạt động cật lực để kiểm soát, không để xảy ra tình trạng tăng giá vô lý.

Chính sự kiểm soát này, theo tôi nghĩ, cũng đã góp phần kiềm chế phần nào sự tăng giá. Nếu không, sự tăng giá sẽ không chịu dừng ở mức trên dưới 1,5% đâu. Cũng chính vì thế nên cho dù sau khi tính toán, Ngân hàng Thế giới (WB) đã cảnh báo chỉ số giá tiêu dùng trong năm 2006 có thể tăng đến hai chữ số, nhưng đại diện của Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) sau khi nghiên cứu thực tế của Việt Nam vẫn cho rằng chúng ta có thể giữ được mức tăng chỉ số giá ở mức một chữ số và thấp hơn mức tăng trưởng của nền kinh tế.

Nhưng giá cả cứ tăng cao, trong khi lương thì tăng ít hoặc “đóng băng” khiến những người làm công ăn lương bị ảnh hưởng. Ông có nghĩ rằng chúng ta chưa giải quyết tốt mối quan hệ giữa giá cả và tiền lương?

Cho đến nay, giữa hai yếu tố này vẫn có sự “vênh” nhau đáng kể và khả năng xử lý của chúng ta mới chỉ đạt một mức nhất định. Tuy nhiên, tôi nghĩ rằng chính sách cải cách tiền lương của chúng ta cũng có tác dụng nhất định đến khả năng chi tiêu, mua sắm của người dân, thể hiện chính ở sự gia tăng chi tiêu, mua sắm trong dịp tết.

Lương tăng để đuổi kịp giá tăng, nhưng lương tăng rồi thì giá lại tăng để đuổi kịp mức tăng của lương. Ông có nghĩ đây là cái vòng luẩn quẩn mà cơ quan quản lý nhà nước do không quản lý nổi đã gây thiệt hại cho người làm công ăn lương?

Cần phải phân biệt giữa lương danh nghĩa và lương thực tế, tức là lương danh nghĩa khi đặt trong mối quan hệ với chỉ số giá tiêu dùng. Mục đích của chương trình cải cách tiền lương hiện nay là nhằm tăng lương thực tế và theo tính toán của tôi, mục đích này đã phần nào đạt được, cho dù trước mắt vẫn còn rất nhiều việc phải làm, nhất là khi các chuyên gia đã nhận định rằng giá cả trên thế giới đã tăng lên một mặt bằng mới.

Vấn đề quan trọng bây giờ là phải tiếp tục nâng cao hiệu quả sản xuất, hiệu quả đầu tư để giảm được giá thành sản phẩm, từ đó mới giảm được sức ép tăng giá.

Theo Tuổi trẻ

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm