Geleximco muốn cùng Trung Quốc xây Long Thành: Bịt lỗ hổng trước

"Trong trường hợp Chính phủ chưa xử lý được các tồn tại của BOT thì chưa nên triển khai vội các hình thức PPP có tính chất quan trọng và phức tạp".

Không nên vội vàng

Việc tập đoàn Geleximco kiến nghị Thủ tướng Chính phủ, Bộ GTVT về việc hợp tác với doanh nghiệp Trung Quốc xây dựng sân bay Long Thành, theo hình thức đối tác công tư, đang nhận được rất nhiều sự quan tâm từ dư luận cũng như giới chuyên gia.

Trao đổi với Đất Việt, TS. Phạm Sanh - Chuyên gia giao thông nhận định, những năm gần đây, đầu tư vào sân bay là một kênh đầu tư hấp dẫn, lợi nhuận không chỉ đến từ các hoạt động hàng không mà còn đến từ các hoạt động dịch vụ khác bên ngoài sân bay như khách sạn, du lịch...

Xu hướng tư nhân hóa thông qua các hình thức chuyển nhượng khai thác, đầu tư PPP, thậm chí bán hẳn sân bay, đang nở rộ khắp thế giới.

Từ tháng 10/2016, Tập đoàn Geleximco đã có văn bản kiến nghị Bộ GTVT cho phép tham gia đầu tư một số dự án hạ tầng giao thông trong đó có Cảng hàng không quốc tế Long Thành.

Mới đây, ông Vũ Văn Tiền tiếp tục đề nghị lên Thủ tướng Chính phủ đồng ý về mặt nguyên tắc cho Tập đoàn Geleximco với một số Tập đoàn Trung Quốc, Hồng Kông (Trung Quốc) được tham gia Dự án đầu tư xây dựng Cảng hàng không quốc tế Long Thành theo hình thức đối tác công tư.

"Theo tôi, đây chỉ là các thông tin ban đầu, chưa đủ độ tin cậy để phân tích tính khả thi và đặc biệt là năng lực nhà đầu tư. Dự án đầu tư sân bay Long Thành cũng đang ở giai đoạn nghiên cứu khả thi và tiến hành các thủ tục giải phóng mặt bằng, giải tỏa, bồi thường.

Do vậy, cũng chưa khẳng định về tổng mức đầu tư, cấu thành, nguồn vốn, hình thức đầu tư, tiến độ, giải pháp thực hiện và khá nhiều nội dung của một dự án đầu tư quan trọng quốc gia cần được làm rõ để các cấp trên ra quyết định", ông Sanh nói.


Phối cảnh thiết kế sân bay Long Thành

Phối cảnh thiết kế sân bay Long Thành

Ông cho rằng, câu hỏi "Nếu làm sân bay Long Thành mà hợp tác với doanh nghiệp Trung Quốc tại thời điểm này có nên hay không?" là một câu hỏi quá chung chung với một dự án sân bay quốc tế lớn nhất Việt Nam, lại chưa hề có tiền lệ.

"Hợp tác gì, hợp tác ra sao, ai hợp tác, kinh nghiệm doanh nghiệp hợp tác thế nào, đầu tư một vài hạng mục hay cả sân bay...

Đề xuất đơn giản ban đầu của Tập đoàn Geleximco trên cơ sở vài mối quan hệ hợp tác doanh nghiệp nước ngoài chưa rõ, dù là doanh nghiệp Trung Quốc hay doanh nghiệp nước nào khác, chỉ mang tính chất mở đường hoặc thăm dò mà thôi.

Chưa đủ dữ liệu và độ tin cậy để trả lời câu hỏi nếu làm sân bay Long Thành mà hợp tác với doanh nghiệp Trung Quốc tại thời điểm này có nên hay không, vì rất dễ dẫn đến câu trả lời nhanh là không nên", vị chuyên gia giao thông nhấn mạnh.

Nhiều ý kiến cho rằng, đã có quá nhiều tai tiếng với nhà thầu Trung Quốc, nếu chúng ta tiếp tục với các nhà thầu này, có thể sẽ vấp phải sai lầm. Nhận xét về quan điểm này, TS. Phạm Sanh nhấn mạnh:

Một số công trình do nhà thầu Trung Quốc thực hiện trong thời gian vừa qua đã để lại dư âm không tốt như trượt giá, chậm tiến độ, chất lượng và công tác đảm bảo an toàn có vấn đề. Dự án tuyến đường sắt Cát Linh - Hà Đông là một ví dụ.

Theo ông, nguyên nhân cũng có phần do phía Việt Nam, từ Bộ quản lý chuyên ngành đến con người trong các Ban quản lý dự án, từ quản lý hợp đồng đến kiểm soát các ràng buộc dự án.

"Rất tiếc, chúng ta chưa hề kiểm điểm đánh giá một cách nghiêm túc và xử lý các cá nhân có trách nhiệm đến nơi đến chốn, để làm gương và rút kinh nghiệm. Như vậy nếu tiếp tục, chắc chắn sai lầm sẽ tiếp diễn và rủi ro thiệt hại cho đất nước là điều không tránh khỏi", ông Sanh cảnh báo.

Lỗ hổng PPP

Nói thêm về hình thức đối tác công tư, TS. Phạm Sanh cho rằng, ưu điểm PPP đã được đúc kết ở nhiều nước và tại Việt Nam cũng đã được thảo luận nhiều.

Tuy nhiên, thời gian vừa qua, nhiều dự án BOT thu phí giao thông lại bị biến dạng nghiêm trọng, dư địa cho nhiều nhóm lợi ích, và đến nay vẫn chưa có các giải pháp khắc phục hữu hiệu từ các cơ quan quản lý Nhà nước, đặc biệt là việc hoàn thiện khung pháp lý và nâng cao tính rõ ràng minh bạch.

Trong trường hợp Chính phủ chưa xử lý được các tồn tại của BOT thì chưa nên triển khai vội các hình thức PPP có tính chất quan trọng và phức tạp, ví dụ như PPP sân bay Long Thành.

Trước những băn khoăn của giới chuyên gia về việc sân bay Long Thành chưa có báo cáo nghiên cứu tiền khả thi cụ thể, nếu giao cho doanh nghiệp nội địa và Trung Quốc liệu có quá mạo hiểm, ông Sanh nhấn mạnh:

"Chúng ta đã có các bộ luật tương đối hoàn chỉnh như xây dựng, đầu tư, đầu tư công, đấu thầu.... Thủ tục trình tự tổ triển khai thực hiện dự án sân bay quốc tế Long Thành cũng phải theo luật định.

Chắc chắn không xảy ra chuyện làm trái luật, chưa có quyết định đầu tư và hoàn chỉnh khung pháp lý PPP mà lại giao cho doanh nghiệp.

Việc đầu tư xây dựng một sân bay quốc tế lớn nhất cả nước bằng hình thức PPP không đơn giản như làm BOT thu phí một đoạn đường hay một BOT nhiệt điện.

Còn khá nhiều vấn đề cần thảo luận. Ngay thế giới cũng chưa nước nào dám làm chuyện này, họ chỉ chuyển nhượng PPP từng phần hoặc các sân bay "hạng hai" địa phương nhỏ lẻ".

Theo Sơn Ca
Đất Việt