1. Dòng sự kiện:
  2. Hàng giá rẻ Trung Quốc đổ bộ

GDP Việt Nam 2017 dự kiến đạt trên 6,5%

(Dân trí) - Xuất khẩu và đầu tư nước ngoài trực tiếp tăng trưởng mạnh giúp GDP của Việt Nam sẽ đạt trên 6,5% vào năm 2017, báo cáo mới nhất về triển vọng kinh tế Đông Nam Á của Viện Kế toán Anh (ICAEW) cho biết.


Họp báo công bố Báo cáo Triển vọng Kinh tế Đông Nam Á quý II của ICAEW được tổ chức sáng nay (21/6) tại Hà Nội. (Ảnh: Hồng Vân)

Họp báo công bố Báo cáo Triển vọng Kinh tế Đông Nam Á quý II của ICAEW được tổ chức sáng nay (21/6) tại Hà Nội. (Ảnh: Hồng Vân)

Theo báo cáo, lạm phát vẫn ở mức tích cực với đầu tư, khoảng gần 4% vào năm 2017 - 2019 nhờ nhu cầu tăng cao và hỗ trợ trong khu vực Nhà nước thấp hơn. Tuy nhiên, rủi ro đối với mức tăng trưởng dự báo vẫn còn hiện hữu.

Đồng ý với nhận định này, PGS. TS. Trần Đình Thiên cho biết, lạm phát của Việt Nam đang xuống mức rất thấp, năm ngoái có tăng lên nhưng năm nay hy vọng Việt Nam có thể giữ được ở mức 4-5%. Ông cũng cho rằng, tại thời điểm lạm phát thấp như thế này thì cải cách tiền tệ phải diễn ra mạnh hơn.

Bà Priyanka Kishore, Cố vấn Kinh tế của ICAEW nói: “Sau những kết quả tích cực trong quý I, chúng tôi đã tăng triển vọng tăng trưởng đối với một số nền kinh tế châu Á. Tuy nhiên chúng tôi kỳ vọng một cách thận trọng do các hạn chế liên quan đến tăng trưởng của khu vực trong quý I”.

Do đó, ICAEW dự đoán tăng trưởng của Đông Nam Á sẽ giảm xuống 4,5% vào quý IV/2017, với mức tăng trưởng GDP cả năm cao hơn một chút so với năm 2016, bà Kishore cho biết.

Bên cạnh đó, báo cáo cũng nêu ra rằng tăng trưởng trung và dài hạn của Việt Nam đang trên đà đạt trên 6,7% trong năm 2017 - 2018. Sự tăng trưởng của khu vực tư nhân cần tiếp tục vì các chương trình phát triển cơ sở hạ tầng được triển khai nhằm mở rộng trong lĩnh vực thực phẩm, giao thông, viễn thông và năng lượng của khu vực này.

Về lĩnh vực này, ông Thiên có dẫn chứng, năm ngoái và năm nay doanh nghiệp Việt chọn nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp sạch để đầu tư. Thế giới đang có nhu cầu về nông nghiệp sạch mà Việt Nam có điều kiện về nông nghiệp khá thuận lợi nên đây là hướng đi đúng đắn. Bên cạnh đó, Việt Nam cũng đang đặt kì vọng lớn vào du lịch, coi du lịch là mũi nhọn.

Tuy nhiên, rủi ro đối với mức dự báo tăng trưởng này vẫn gây ra những lo ngại đáng kể. Thâm hụt tài chính lớn, tỷ lệ nợ công và nợ nước ngoài cao trong khi các biện pháp sẵn có để điều chỉnh mức thâm hụt hiện tại như cắt giảm ngân sách và tăng thuế có nguy cơ làm tăng trưởng GDP chậm lại, thậm chí không giải quyết được vấn đề thâm hụt nếu các biện pháp đó rơi vào đầu tư công thay vì tiêu dùng.

Ngoài ra, khu vực ngân hàng đã bị thiếu vốn gần 10 tỷ USD vào cuối 2016. Điều này có thể khiến các ngân hàng dễ bị ảnh hưởng xấu nếu nợ xấu tăng lên.

Mark Billington, Giám đốc Khu vực Đông Nam Á của ICAEW nhận định: “Vai trò ngày càng tăng của Việt Nam như một nhà cung cấp thực phẩm và hàng công nghiệp giá thấp sẽ thúc đẩy tăng trưởng xuất khẩu mạnh mẽ. Chúng tôi kỳ vọng nhu cầu trong nước sẽ là động lực chính cho tăng trưởng của Việt Nam”.

Cùng quan điểm trên, bà Kishore nhấn mạnh: “Nhu cầu trong nước vẫn là nhu cầu chính dẫn dắt nền kinh tế tăng trưởng. Bên cạnh đó, chính sách vĩ mô đóng vai trò quan trọng trong việc đẩy mạnh nhu cầu trong nước và bảo vệ nền kinh tế khỏi khủng hoảng toàn cầu, những chính sách này chưa tồn tại lâu dài ở các nước châu Á”.

Do vậy, các quốc gia ASEAN sẽ cần tập trung tạo môi trường đầu tư hấp dẫn hơn cho các doanh nghiệp, có nhiều biện pháp, chính sách kích thích tài chính để hỗ trợ nhu cầu trong nước nhằm đạt mục tiêu GDP 2017 trên 6,5% này.

Hồng Vân

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm