Gas lậu thao túng giá cả

Theo ông Đỗ Trung Thành, Phó phòng Kinh doanh gas Saigon Petro, việc lên xuống thất thường của giá gas một phần do thị trường gas trong nước đang chịu sự chi phối khá lớn của các đại lý kinh doanh gas cùng với việc sang chiết gas giả, gas lậu.

Hạ nhiệt vào cuối năm?

 

Ông Đỗ Trung Thành, Phó phòng Kinh doanh gas Saigon Petro, cho biết nguyên nhân dẫn đến sự lên xuống thất thường về giá gas như trong thời gian qua là do nhà máy Dinh Cố thông báo cắt giảm sản lượng khai thác khiến các công ty ồ ạt nhập gas về nhiều.

 

Ông Thành cũng cho biết thêm, điểm yếu của các công ty gas là tình trạng hạn chế về kho bãi nên không thể nhập về với số lượng lớn. Tình trạng này bắt buộc các công ty kinh doanh gas luôn ở thế “ăn đong”, phụ thuộc nhiều vào nguồn gas nhập khẩu chứ chưa có kế hoạch thực sự dài hơi.

 

Ông Thành dự báo từ đây đến cuối năm, tuy nhu cầu sử dụng trong người dân sẽ tăng cao nhưng giá cả sẽ ít biến động hơn mọi năm.

 

Lý do ông Thành đưa ra là hiện tại nguồn hàng dự trữ tại các công ty gas còn khá nhiều. “Khác với xăng dầu phải chịu sự chi phối của nhà nước, các công ty sản xuất, kinh doanh gas trong nước có thể chủ động điều tiết giá cả mỗi khi thị trường gas thế giới biến động” - ông Thành nói.

 

Tuy nhiên, khác với dự báo từ phía Saigon Petro, một số chuyên gia dự báo giá gas có thể tăng nhẹ trở lại vào những tháng cuối năm. Lý do đưa ra là chính phủ Thái Lan đang chủ trương hạn chế xuất khẩu nguồn nguyên liệu gas để ưu tiên cho trong nước.

 

Đây chính là nguyên nhân khiến giá gas có thể tăng vì từ trước tới nay, nguồn gas mà các công ty trong nước nhập từ Thái Lan, Malaysia, Singapore, Trung Quốc, trong đó Thái Lan chiếm tỷ trọng nhiều nhất.

 

Bên cạnh đó, nhu cầu tiêu dùng của một số nước khi bước vào mùa đông tăng cao, khiến nguồn hàng gas sẽ thiếu hụt. Các chuyên gia khẳng định với những yếu tố trên, việc hy vọng giá gas sẽ tiếp tục hạ nhiệt trong những tháng cuối năm là hết sức khó khăn.

 

Ông Hoàng Anh, Giám đốc Công ty gas Petrolimex khu vực phía Nam, cho biết thị trường gas thế giới đang dần ổn định trở lại sau thời gian quá dài bị đẩy lên quá cao. Việc giá dầu thô xuống dưới mức 60 USD/thùng cũng bị ảnh hưởng mạnh đến thị trường nhiên liệu.

 

Trong nước, nhà máy Dinh Cố trở lại hoạt động ổn định sau đợt nghỉ bảo dưỡng định kỳ đã cung cấp thêm nguồn hàng cho các công ty. Cùng với đó, lượng dự trữ gas tại nhà nhà máy còn khá nhiều do trước đó vài tháng lo ngại giá gas tăng cao nên các nhà máy đã nhập khẩu quá nhiều.

 

Ông Đỗ Trung Thành, Phó phòng Kinh doanh gas Saigon Petro, cho biết việc lên xuống thất thường của giá gas một phần cũng do thị trường gas trong nước đang chịu sự chi phối khá lớn của các đại lý kinh doanh gas cùng với việc sang chiết gas giả, gas lậu. Theo ông Thành, gas là mặt hàng có tính ổn định rất cao về giá.

 

Theo đó, hàng tháng các doanh nghiệp thống nhất với nhau để niêm yết giá bán theo thị trường thế giới và công bố với người tiêu dùng. Giá được niêm yết vào đầu tháng và giữ nguyên đến đầu tháng sau cho dù giá của thế giới có thay đổi như thế nào.

 

Thế nhưng trong thời gian qua, có nhiều cửa hàng kinh doanh gas không tuân thủ “luật chơi” đã niêm yết và bán không đúng giá quy định.

 

Biểu hiện trong thời gian gần đây, các doanh nghiệp đã ba lần hạ giá cho các đại lý và các cửa hàng gas với mức giảm tương đương 10 - 12 ngàn đồng/bình 12kg. Tuy nhiên, do quy định không ràng buộc cùng với việc thông tin không được công bố rộng rãi nên mức giảm này chỉ riêng một số đại lý hưởng lợi. Cuối cùng người tiêu dùng vẫn chịu thiệt thòi.

 

Nhu cầu ngày càng tăng

 

Theo thống kê, nếu như năm 1999, nhu cầu tiêu thụ gas của cả nước đạt khoảng 300 ngàn tấn thì đến năm 2006 con số này đã tăng lên 900 ngàn tấn. Tuy nhu cầu tiêu thụ ngày càng tăng nhiều như vậy nhưng nhà máy Dinh Cố mỗi năm chỉ đáp ứng được hơn 300 ngàn tấn.

 

Như vậy, khoảng 600 ngàn tấn gas để đáp ứng nhu cầu tiêu dùng gas hàng năm phải lệ thuộc vào gas nhập khẩu. Đây chính là nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng giá gas trong nước nóng lạnh thất thường mỗi khi thị trường gas trong nước biến động.

 

Tính từ đầu năm 2006 đến nay, thị trường gas trong nước đã phải qua hơn mười lần điều chỉnh giá. Cao điểm nhất phải kể đến tháng 8/2006, giá gas đạt mức cao nhất trong hàng chục năm qua (gần 16.000 đồng/kg).

 

Thế nhưng cơn sốt đó nhanh chóng hạ nhiệt trong tháng 9 và 10 khiến rất nhiều công ty sản xuất, kinh doanh gas không dự báo được tình hình phải chịu tổn thất. Giới kinh doanh gas cho biết với việc giá dầu thô trên thế giới lên xuống thất thường đã khiến độ an toàn trong kinh doanh gas ngày càng thấp.

 

Một lý do khiến giá cả gas khó bảo đảm độ “an toàn” chính là việc các công ty trong nước không chủ động bắt nhịp với thị trường gas thế giới. Có lẽ sự tăng giảm thất thường của giá gas trong thời gian qua thì người tiêu dùng vẫn là đối tượng chịu nhiều thiệt thòi nhất.

 

Theo Nguyễn Trung Hiếu

Báo Pháp luật TPHCM