Gặp rắc rối với nhà thầu, dự án giấy 9.000 tỷ đồng cảnh báo lên Thủ tướng

(Dân trí) - Từ sự việc dự án giấy và bột giấy tổng vốn đầu tư 9.000 tỷ gặp rắc rối với phía nhà thầu Nhật Bản, Công ty CP Giấy An Hòa đã phải gửi đơn cảnh báo lên Thủ tướng và các bộ, ngành. Đại diện Công ty Giấy An Hòa cho hay, việc này là để cảnh báo và không để các dự án khác có sự tham gia của nhà thầu này gặp cảnh tương tự.


Công ty An Hòa gặp rắc rối với nhà thầu phải kêu cứu Chính phủ

Công ty An Hòa gặp rắc rối với nhà thầu phải kêu cứu Chính phủ

Gặp nhiều vướng mắc với nhà thầu

Văn phòng Chính phủ vừa có văn bản gửi Bộ Công Thương đề nghị xem xét, giải quyết kiến nghị của Công ty Cổ phần Giấy An Hòa liên quan đến những vướng mắc với nhà thầu thực hiện dự án nhà máy sản xuất bột giấy An Hòa.

Cụ thể, trong văn bản mà Công ty CP Giấy An Hòa mới đây gửi Thủ tướng Chính phủ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Công Thương, Bộ Tài chính phản ánh, kiến nghị một số nội dung liên quan đến việc thực hiện dự án nhà máy sản xuất bột giấy của mình, Công ty này nêu một số bức xúc với nhà thầu Nhật Bản.

Tổng vốn đầu tư của 2 dây chuyền sản xuất bột giấy và giấy cao cấp của Công ty CP Giấy An Hòa là khoảng 9.000 tỷ đồng, trong đó một phần lớn là nguồn vốn vay có sự bảo lãnh của Chính phủ và phần còn lạilà vốn của DN.

Trong đó, dự án nhà máy Bột giấy An Hòa công suất 130.000 tấn/năm. Năm 2006, để triển khai thực hiện Dự án nhà máy sản xuất bột giấy An Hòa, Công Ty An Hòa và Marubeni đã ký Hợp đồng tổng thầu thiết bị số 6888/AH-MC với giá trị lên đến hơn 134 triệu USD. Theo đó, Marubeni sẽ cung cấp cho Công ty An Hòa thiết kế công nghệ, toàn bộ máy móc thiết bị, các dịch vụ hỗ trợ lắp đặt kỹ thuật và đào tạo nhân lực cho việc vận hành và hoàn thiện dự án.

Nhưng theo phản ánh của Công ty An Hòa gửi lên Thủ tướng, trong quá trình xây dựng nhà máy đã gặp nhiều vướng mắc với tổng thầu, ảnh hưởng xấu đến tiến độ triển khai dự án và kế hoạch hoạt động kinh doanh của công ty này.

Đáng chú ý, đơn phản ánh nêu rằng các thiết bị máy chính của dây chuyền đã không đảm bảo được nguồn gốc xuất xứ cam kết như Hợp đồng ban đầu ký kết, mà lại nhập thiết bị từ một nước khác kém phát triển hơn, khiến chất lượng của thiết bị có nhiều vấn đề nan giải. Do đó, các bên phải mất nhiều thời gian giải quyết, điều chỉnh dẫn đến chậm trễ trong thông quan và gây tốn kém lưu kho lưu bãi không đáng có.

“Việc thay đổi hàng hóa từ những quốc gia phát triển tiêu chuẩn Châu Âu sang quốc gia khác kém phát triển đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến quá trình lắp đặt, vận hành, hoạt động và chất lượng của nhà máy”, An Hòa nêu rõ trong đơn.

An Hòa còn cho rằng: Nghiêm trọng hơn, do Marubeni không thể khắc phục được những sự cố và chất lượng máy móc, ngày 24/1/2014, họ đã tự ý chấm dứt công việc, rời bỏ công trường để mặc cho Công ty An Hòa phải tự tìm cách xoay xở và thuê các chuyên gia nước ngoài xử lý.

Công ty An Hòa còn “tố” nhà thầu đã tư vấn và thiết kế cho Công ty An Hòa công nghệ xử lý nước thải của nhà máy “ảnh hưởng xấu đến môi trường”. Cụ thể, An Hòa cho rằng: Marubeni đã tư vấn và thiết kế công nghệ xử lý nước thải với mức chi phí thấp bằng cách pha loãng nước thải nhằm làm giảm nồng độ chất thải xuống mức cho phép.

Khi phát hiện ra vấn đề, ngoài việc bỏ không rất lãng phí một hệ thống bơm, bể pha loãng nước thải, Công ty An Hòa đã phải bỏ ra hàng trăm tỷ đồng để thuê chuyên gia và thay thế công nghệ xử lý nước thải đảm bảo an toàn cho môi trường. Nhờ đó mà việc xử lý nước thải đã đạt tiêu chuẩn theo quy định. Cũng theo lãnh đạo của An Hòa, để đảm bảo an toàn cho môi trường, Công ty này còn cho lắp đặt và sử dụng hệ thống kiểm soát nước thải online kết nối với cơ quan chức năng của Nhà nước để kiểm soát liên tục nước thải của Nhà máy.

Chỉ để cảnh báo

Đại diện Công ty CP Giấy An Hòa xác nhận đã gửi đơn với nội dung trên đến Thủ tướng Chính phủ và cơ quan chức năng của Việt Nam.

Đại diện Công ty này cho biết: Nhà máy đã hoạt động thương mại. Nhà máy vừa trải qua giai đoạn tái cơ cấu, đến nay đã hoạt động tương đối ổn định và có hiệu quả hơn những năm trước.

Nói về vấn đề khắc phục các sự cố của nhà máy trong quá trình xây dựng, đại diện công ty cho hay: Để đảm bảo tiến độ của dự án sau khi Marubeni tự ý rời khỏi công trường, An Hòa đã huy động tài chính từ nhiều nguồn khác nhau, trong đó có phần chính từ các cổ đông, để khắc phục các tồn tại. Chính vì nỗ lực của công ty giấy An Hòa, giờ tình hình hoạt động của dự án đã ổn định.

Công ty An Hòa còn thông tin thêm rằng hiện nay, Marubeni đang là nhà thầu EPC ít nhất 2 dự án khác là Nhà máy Nhiệt điện Nghi Sơn 1, Nhà máy Nhiệt điện Thái Bình 1 và sẽ tham gia rất nhiều dự án tại Việt Nam có giá trị nhiều tỷ Đô la Mỹ như BOT Nhà máy Nhiệt điện Nghi Sơn 2. Và họ còn đặt vấn đề là giá trị Hợp Đồng giữa Công Ty An Hòa và Marubeni chỉ là 134 triệu USD thế mà Marubeni đã gây cho Công Ty An Hòa thiệt hại đã là hàng chục triệu Đô la Mỹ, thì liệu rằng những dự án khác do Marubeni đã và đang thực hiện, với mỗi dự án có giá trị lớn trên dưới hàng tỷ và nhiều tỷ Đô la Mỹ thì chủ đầu tư có thiệt hại như Công ty An Hòa không?

“An Hòa là đơn vị dùng vốn được bảo lãnh của Chính phủ nên đầu tiên là chúng tôi phải báo cáo Chính phủ và các bộ ngành liên quan về những vấn đề của nhà thầu Marubeni. An Hòa cũng là 1 DN Việt Nam nên còn có trách nhiệm cảnh báo với DN, đặc biệt các DN nhà nước khi sử dụng các nhà thầu nước ngoài cho hoạt động mua máy móc thiết bị, xây dựng, để đảm bảo dự án hoạt động hiệu quả, tránh được các rủi ro đáng tiếc”, đại diện công ty An Hòa nói về lý do gửi đơn lên Thủ tướng Chính phủ.

Thùy Vinh

Gặp rắc rối với nhà thầu, dự án giấy 9.000 tỷ đồng cảnh báo lên Thủ tướng - 2

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm