Gạo, cá đổi iPhone, ôtô: Chơi sòng phẳng quốc tế?

Đem lúa gạo, tôm cá, cà phê,... đổi lấy sắt thép, máy móc và ôtô - kinh tế Việt Nam chủ yếu là gia công và chạy theo số lượng. Chúng ta sẽ có gì để chơi sòng phẳng trong môi trường hội nhập?

Thách thức sẽ tăng theo cấp số nhân kể từ năm 2015, khi những cuộc chơi mở ra một không gian kinh tế mới sâu rộng chưa từng có.
 
Không gian kinh tế mới

Đọc những thông tin kinh tế - tài chính mới nhất trên FICA:

* Bauxite Tây Nguyên lỗ “khủng”?

* Gạo, cá đổi iPhone, ôtô: Chơi sòng phẳng quốc tế?

* Người trồng dưa ven sông trắng tay vì lũ trái mùa

* Tìm thấy thuốc điều trị rối loạn tâm thần tại nhà cơ phó A320

* Mỹ phẩm Xuân Thủy bị tạm giữ hàng trăm nghìn sản phẩm có dấu hiệu giả mạo, tự sang chiết

* Chủ tịch TPHCM yêu cầu rà soát tác động tăng giá điện, xăng dầu

Tại một diễn đàn bàn về tác động của Cộng đồng kinh tế ASEAN, Thứ trưởng Bộ Công Thương, ông Nguyễn Cẩm Tú, đã chia sẻ: Cách đây 10-15 năm, khoảng cách giữa Việt Nam và các nước ASEAN, hay Trung Quốc rất lớn. Khi đó, hàng Trung Quốc tràn ngập Việt Nam.

Nhưng giờ đây, bia Trung Quốc không còn cửa, đường Thái Lan cũng không có đất sống ở Việt Nam. Còn sữa Vinamilk không chỉ chiếm lĩnh thị phần làm chủ thị trường trong nước, còn mở rộng đầu tư ra nước ngoài. Đó là những hình ảnh sống động nhất cho thấy, hội nhập đã mang đến cú hích chuyển mình cho nền sản xuất và thương mại của Việt Nam.

Năm 2015, không gian kinh tế mới cho Việt Nam chính là bước tiến sâu hơn nữa của hội nhập. Đó là việc thành lập Cộng đồng kinh tế ASEAN mang đến một thị trường 600 triệu dân, chiếm 64% dân số thế giới và 37 đối tác lớn. Cùng với đó là 6 Hiệp định thương mại (FTA) song phương và đa phương dự kiến ký kết trong năm nay, với sự góp mặt của các quốc gia lớn như Hàn Quốc, EU, Bắc Âu, Mỹ, Nhật Bản...

Năm 2015 còn là một dấu mốc mới Việt Nam thực hiện sâu hơn trong cam kết với 7 Hiệp định thương mại đã ký trước đó, đặc biệt là WTO, ASEAN +...

Gạo, cá đổi iPhone, ôtô: Chơi sòng phẳng quốc tế?

Tính đến năm 2014, ngoài Hiệp định đa phương WTO, Việt Nam đã trở thành thành viên của 7 Hiệp định thương mại tự do song phương và đa phương.

Bởi thế, cú bắt tay bất ngờ giữa hệ thống siêu thị điện máy Nguyễn Kim và Central Group của tỷ phú Thái hồi tháng 1 vừa qua được cho là một chiến lược đón đầu hội nhập. Nguyễn Kim vẫn giữ chi phối 51% cổ phần và nhà đầu tư Thái Lan nắm 49% cổ phần. Ông chủ bán lẻ Nguyễn Kim khẳng định đó chính là chiến lược nhằm chớp cơ hội lớn khi Cộng đồng kinh tế ASEAN thành lập, như việc biến giấc mơ thương hiệu Nguyễn Kim thành thương hiệu Việt mạnh mẽ đầu tiên trong ASEAN, tiến sâu vào thị trường Campuchia, Myamar đầy tiềm năng.

Tập đoàn Dệt May Việt Nam đôn đáo đầu tư chiều sâu để đón đầu các lợi ích mà Hiệp định đối tác chiến lược xuyên Thái Bình Dương - TPP - mang lại. Chiến lược của Vinatex là dồn toàn lực cho đầu tư sản xuất nguyên liệu, như xây thêm 8 nhà máy sợi công suất lớn trung bình từ 3.000-5.800 tấn/nhà máy/năm, thêm 2 nhà máy sản xuất dệt thoi công suất 20-25 triệu mét/nhà máy/năm.

Vinatex tự tin rằng có thể chủ động tới 55% vải các loại kể từ năm 2017, góp phần giảm "tai tiếng" nhập khẩu 70% nguyên phụ liệu từ Trung Quốc. Và nếu vậy, dệt may Việt Nam sẽ tăng thêm 10% thị phần ở Mỹ và 8% ở Nhật Bản, nhờ hiệu ứng TPP.

Các ngành hàng thế mạnh khác như nông, thuỷ sản, da giày... cũng sẽ có nhiều cơ hội lớn hơn trên thị trường đối tác sắp ký FTA sắp tới như Hàn Quốc, Nga, Belarus, EU...

Đúng như Bộ Tài chính đánh giá, việc thúc đẩy các cam kết hội nhập đã mang đến một luồng tư duy mới, giúp các doanh nghiệp đẩy nhanh tái cơ cấu, nâng cao quản trị, năng lực cạnh tranh. Việc mở rộng FTA với nhiều đối tác lớn sẽ giúp Việt Nam tránh phụ thuộc vào một thị trường lớn như Trung Quốc.

Bộn bề lo cạnh tranh

Tuy nhiên, biến cơ hội thành hiện thực vẫn còn là một khoảng cách lớn. Những tác dụng tích cực to lớn của hội nhập ở Việt Nam vẫn chưa thực sự thấm vào nền kinh tế và các doanh nghiệp như mong đợi.

Như Bộ Tài chính đã phân tích, trong giai đoạn đầu thu hút FDI, Việt Nam chưa gia nhập WTO và các FTA nên các doanh nghiệp FDI được hưởng ưu đãi lớn nhờ chính sách bảo hộ. Mặt trái của những cơ chế này là doanh nghiệp FDI đã không đầu tư thực sự cho công nghệ cao, tăng nội địa hoá mà vẫn chỉ lắp ráp.
 
Đến nay, thời điểm các cam kết thuế trong FTA cắt giảm sâu, cạnh tranh càng khiến cho ngành công nghiệp phụ trợ trong nước gặp khó khăn để phát triển. Thuế nguyên liệu và thành phẩm đều cắt giảm quá thấp, thậm chí về 0% nên các doanh nghiệp lại có xu hướng nhập khẩu thành phẩm về kinh doanh thương mại, cạnh tranh trực tiếp với hàng hóa sản xuất trong nước. Đơn cử như trong nội bộ các nhà sản xuất ô tô, đã có những ông lớn đánh tiếng sẽ chuyển từ lắp ráp sang nhập khẩu 2018. Hàng tiêu dùng Thái, Campuchia nhăm nhe đổ bộ vào Việt Nam.

Trong khi đó, nhận thức của cộng đồng doanh nghiệp về các FTA vẫn chưa đầy đủ.

Bộ Tài chính cho biết, tính đến hết năm 2014, tỷ lệ các dòng hàng xóa bỏ thuế nhập khẩu về 0% trung bình của các FTA mà Việt Nam tham gia ký kết là 37%, trong đó, tỷ lệ thuế xóa bỏ cao nhất là giữa ASEAN với Việt Nam ở mức 72% và thấp nhất là giữa Việt Nam với Ấn Độ ở mức 12,8%.

Năm 2015, tỷ lệ xóa bỏ thuế nhập khẩu theo cam kết của các FTA trong ASEAN sẽ ở mức 90%.

Chia sẻ với báo chí, TS Nguyễn Hồng Sơn, Hiệu trưởng Trường Đại học kinh tế Hà Nội, cho biết, nghiên cứu của trường cho thấy cho đến nay, vẫn có 60% doanh nghiệp được điều tra chưa biết gì về Cộng đồng kinh tế ASEAN.

Còn với khảo sát của Hiệp hội doanh nghiệp trẻ Hà Nội, con số doanh nghiệp thờ ơ, không quan tâm hội nhập lên tới 80%. Chỉ có 20% doanh nghiệp quan tâm, là những doanh nghiệp lớn.

Chủ tịch Hiệp hội, ông Lê Vĩnh Sơn còn than thở, nhiều doanh nghiệp đang thiếu hẳn vũ khí, bị động và không hề biết gì đang chờ đợi mình phía trước khi hội nhập đã đến rất gần.

Bộ trưởng Bộ Công Thương Vũ Huy Hoàng nhấn mạnh, chúng ta không ngại mở cửa. Nhưng mở cửa là trên nguyên tắc có đi có lại. Chúng ta được tăng hiện diện những mặt hàng mình có thế mạnh ở thị trường các đối tác, thì ngược lại, chúng ta cũng phải mở cửa một số mặt hàng mà các đối tác có nhu cầu xuất vào. Những mặt hàng Việt Nam chưa có thế mạnh thì bao giờ cũng đàm phán để có lộ trình thực hiện dần dần riêng.

Ở Hiệp định FTA Việt Nam - Hàn Quốc và với Liên minh hải quan, Việt Nam đang đàm phán để đạt lợi ích thúc đẩy xuất khẩu đối mặt hàng thủy sản, dệt may, da giày với các nước bạn, nhưng ngược lại, sẽ xem xét mở cửa một số mặt hàng linh kiện ô tô, mỹ phẩm, dệt may, cáp và một số mặt hàng sắt thép, sữa.

Trở lại cú hợp tác bắt tay giữa Nguyễn Kim và Centra Group của Thái, không loại trừ tác dụng ngược đằng sau sự thâu tóm lĩnh vực bán lẻ Việt Nam của tỷ phú Thái sẽ là một làn sóng ồ ạt nhập khẩu hàng Thái tràn ngập Việt Nam trong tương lai.

Phát biểu trong một cuộc toạ đàm về chủ đề này của Bộ Ngoại giao, Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh đề nghị cộng đồng doanh nghiệp cần chủ động tìm hiểu rõ các cam kết, quy định mới trong các FTA để từ đó chuẩn bị tốt hơn. Có vậy doanh nghiệp mới có thể thắng lợi khi hội nhập sâu.

Thứ trưởng Nguyễn Cẩm Tú bày tỏ: "Về tác động của hội nhập, so với mong muốn thì chưa đạt, nhưng so với các nước, chúng ta đã bắt đầu từ không đến có. Tôi không muốn tô hồng, nhưng hãy nhìn vào khối lượng công việc khổng lồ mà chúng ta đã làm để có ý chí vượt qua thách thức".

Tính đến năm 2014, ngoài Hiệp định đa phương WTO, Việt Nam đã trở thành thành viên của 7 Hiệp định thương mại tự do song phương và đa phương.

Năm 2015, Việt Nam tiếp tục đàm phán để đi đến ký kết 7 Hiệp định khác gồm: Hiệp định Việt Nam - EU, Việt Nam - Liên minh Hải quan gồm Nga, Belarus và Kazakhstan (VCUFTA), Việt Nam - Bốn nước Bắc Âu (EFTA), Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP), Hiệp định thương mại Việt Nam - Hàn Quốc. Đáng chú ý là Hiệp định Đối tác chiến lược xuyên Thái Bình Dương (TPP), thành lập Cộng đồng kinh tế ASEAN.

 
Theo Phạm Huyền
Vietnamnet