Gánh nặng thuế, phí: Bộ Tài chính "kêu oan"

(Dân trí) - So với cách tính của tác giả trong Báo cáo Kinh tế vĩ mô 2012 (Ủy ban Kinh tế QH), Thứ trưởng Bộ Tài chính Vũ Thị Mai loại trừ thêm khoản thu từ tiền sử dụng đất, nên mức huy động trên GDP của Việt Nam trong 20 năm qua khoảng 12-14%.

Như Dân trí đã đưa tin, Ủy ban Kinh tế của Quốc hội mới đây đã công bố bản Báo cáo kinh tế vĩ mô 2012, trong đó đưa ra nhận định, tỷ lệ thu thuế, phí trên GDP ở Việt Nam hiện nay đang ở mức cao nhất khu vực, dẫn đến hạn chế khả năng tích lũy, làm giảm khả năng đầu tư của khu vực tư nhân, khuyến khích gian lận thuế như hiện tượng chuyển giá của các doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI).

Đề cập đến vấn đề này tại phiên họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 8 diễn ra chiều nay (5/9), Thứ trưởng Bộ Tài chính Vũ Thị Mai khẳng định, Việt Nam vẫn đang nằm trong nhóm các nước có tỷ lệ huy động thuế, phí ở mức trung bình thấp trên thế giới.

Dẫn số liệu được đưa ra tại báo cáo này, tỷ lệ động viên thuế, phí của Việt Nam có năm lên đến 29% GDP, ở mức cao so với các nước, bà Mai đưa ra lưu ý, khi so sánh tỉ lệ thuế, phí trên GDP giữa các nước cần phải thực hiện trên cơ sở "đồng chất" tức là "đồng nội dung".
Cơ sở so sánh về tỉ lệ thuế, phí cần dựa trên tiêu chí đồng chất, đồng nội dung - Ảnh: B.D.

Cơ sở so sánh về tỉ lệ thuế, phí cần dựa trên tiêu chí "đồng chất, đồng nội dung" - Ảnh: B.D.

Theo đó, số liệu của các nước về thu thuế, phí tính trên GDP không bao gồm thu từ dầu thô và tiền sử dụng đất. "Điều quan trọng nữa là ở các nước chỉ tính số thu của ngân sách trung ương, không tính số thu từ địa phương" - bà Mai nhấn mạnh. Lấy ví dụ từ Trung Quốc, bà Mai cho biết, nước này có 2 hệ thống thu trung ương và thu địa phương. Đối với Việt Nam, cách tính là tổng thể, bao gồm cả thu ngân sách trung ương và địa phương.

Sau khi loại trừ phần thu từ dầu thô và tiền sử dụng đất để tính như các nước thì huy động trên GDP của Việt Nam trong 20 năm qua khoảng từ 12-14% GDP. Như vậy, so với tỷ lệ động viên của các nước, Việt Nam nằm trong số các nước trung bình thấp - Thứ trưởng Mai khẳng định.

Còn ở báo cáo của Nhóm tư vấn chính sách kinh tế vĩ mô - Ủy ban Kinh tế Quốc hội, tác giả Phạm Thế Anh chỉ loại trừ dầu thô, và số thu từ thuế, phí còn khoảng 21,6% GDP.

Đã bãi bỏ trên 340 loại phí và lệ phí kể từ 2003

Đi vào từng sắc thuế cụ thể, Thứ trưởng Vũ Thị Mai cho biết, đối với thuế thu nhập doanh nghiệp, từ năm 1999 đến nay, thuế suất liên tục được điều chỉnh giảm.
Thuế thu nhập doanh nghiệp từ mức 32%/năm đã được điều chỉnh giảm xuống còn 28% vào 1/1/2004 và xuống còn 25% từ 1/1/2009. Hiện nay, ngoài thuế suất phổ thông 25% còn có thuế suất ưu đãi 10% và 20% tùy theo lĩnh vực ưu đãi đầu tư và tùy theo địa bàn. Bình quân thuế suất chung của thuế thu nhập doanh nghiệp ở Việt Nam là 16,32%.

Trong khi đó, bình quân thuế thu nhập doanh nghiệp của 83 nước trên thế giới khoảng 27%. Trong khu vực, Philippines, Thái Lan thuế suất phổ thông là 30% và tại Trung Quốc, Malaysia là 25%.

Đối với thuế giá trị gia tăng (VAT), hiện tại, Việt Nam đang có 2 mức thuế suất là 5% và 10%. Đặt trong mối tương quan với 112 nước trên thế giới thì thống kê cho thấy có 88 nước áp dụng mức thuế suất từ 12-25%, còn lại 24 nước phổ biến 10%.

Các nước trong khu vực là Lào, Campuchia, Indonesia có thuế suất 10%, Trung Quốc có mức thuế suất phổ thông là 17% và 13%. Trước đây, Việt Nam từng áp dụng mức thuế suất VAT 20% nhưng đã được bãi bỏ từ năm 2004 thay vào đó là mức thuế suất hiện tại (5% và 10%).

"Như vậy, mức thuế ở nước ta vẫn đang ở khoảng trung bình thấp của thế giới" - bà Mai tái nhấn mạnh quan điểm đánh giá.

Tiếp tục dẫn chứng ở khía cạnh thuế thu nhập cá nhân, bà Mai cho hay, trong giai đoạn 2001 - 2008, thuế thu nhập cao lũy tiến từ 10 - 60% thì đến năm 2004 mức thuế cao nhất đã giảm xuống còn 40%. Sang 2009, mức thuế suất cao nhất cũng đã giảm xuống còn 35% và mức thuế suất thấp nhất hạ từ 10% xuống còn 5%.

Mức giảm trừ gia cảnh theo luật hiện hành có hiệu lực từ 1/1/2009, là 4 triệu đồng cho người nộp thuế và 1,6 triệu đồng cho người phụ thuộc. Hiện nay, bà mai cho biết, Bộ Tài chính đang trình Chính phủ, Quốc hội thông qua theo hướng tăng mức giảm trừ. Dự kiến, Chính phủ đang đề nghị mức 9 triệu đồng cho cá nhân người nộp thuế và 3,6 triệu đồng cho người phụ thuộc.

Bên cạnh đó, các sắc thuế khác như thuế xuất nhập khẩu hàng năm đều được giảm theo lộ trình cam kết gia nhập WTO cũng như theo các hiệp định về thuế quan mà Việt Nam tham gia.

Đối với lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn và người nông dân, nhiều khoản thu cũng đã được miễn, giảm như thuế sử dụng đất nông nghiệp và thủy lợi phí đã được miễn từ 2003 đến hết 2020.

Thứ trưởng Vũ Thị Mai cũng cho biết, từ năm 2003 đến nay, Việt Nam đã rà soát, bãi bỏ trên 340 loại phí và lệ phí.

Tại bản Báo cáo của Ủy ban Kinh tế đã được Dân trí thông tin, tác giả Phạm Thế Anh có đưa ra lưu ý, tổng thu thuế và phí của nước ta chủ yếu đến từ 3 nguồn chính là thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập doanh nghiệp và thuế xuất nhập khẩu, thuế tiêu thụ đặc biệt với hàng nhập khẩu. Tác giả báo cáo ghi nhận, tại các hạng mục thuế như VAT, thuế thu nhập doanh nghiệp, tỉ lệ huy động đã giảm, tuy nhiên, trong khi đó, tỉ trọng thu từ thuế giá trị gia tăng và thuế xuất nhập khẩu lại tăng mạnh.

Và theo tác giả, việc phụ thuộc lớn vào những nguồn thuế này, khi lộ trình cắt giảm thuế được thực hiện theo cam kết WTO thì mức độ thâm hụt ngân sách của Việt Nam có thể trầm trọng hơn trong những năm tới.

Bích Diệp