1. Dòng sự kiện:
  2. Hàng giá rẻ Trung Quốc đổ bộ

Gánh lỗ ngàn tỷ đồng rao bán: Tên tuổi một thời, "nỗi ám ảnh" lớn

Dòng vốn hàng chục tỷ USD lên sàn mở ra cơ hội lớn cho thị trường phát triển. Nhiều doanh nghiệp nhà nước hấp dẫn do có đất vàng, có triển vọng tốt nhưng cũng không ít doanh nghiệp cõng lỗ ngàn tỷ đồng lên sàn chứng khoán.

Thua lỗ ngàn tỷ đồng cũng lên sàn

Sở GDCK Hà Nội (HNX) vừa chấp thuận cho Tổng Công ty CP Xây dựng Công nghiệp Việt Nam (Vinaincon) được đưa 55 triệu cổ phiếu lên giao dịch trên UPCOM với mã chứng khoán VVN. Doanh nghiệp “con cưng” của Bộ Công Thương sẽ lên sàn với mức giá có thể ở vào khoảng 12.000 đồng/cp như theo giá trị sổ sách của công ty mẹ tại thời điểm chốt danh sách lưu ký chứng khoán.

Tuy nhiên, đây có thể sẽ là một trường hợp lên sàn không mấy thuận lợi như hàng loạt các ông lớn doanh nghiệp nhà nước đang được giới đầu tư săn đón gần đây: Bia Sài Gòn - Sabeco (SAB), Bia Hà Nội - Habeco (HBN), Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV), Petrolimex (PLX) và sắp tới là Lọc dầu Bình Sơn, PVoil,...

Niêm yết 55 triệu cổ phần VVN trên HNX.
Niêm yết 55 triệu cổ phần VVN trên HNX.

Hiện tại, mức giá tham chiếu của Vinaincon chưa được công bố nhưng nếu là 12.000 đồng/cp thì mã cổ phiếu này khó mà thu hút được sự quan tâm của giới đầu tư. Vinaincon được biết đến là doanh nghiệp có hoạt động kinh doanh thua lỗ trong nhiều năm và doanh thu có chiều hướng suy giảm.

Theo báo cáo tài chính soát xét bán niên 2017, tính tới cuối quý 2/2017, Vinaincon lỗ lũy kế gần 800 tỷ đồng. Báo cáo cũng cho thấy, vốn chủ sở hữu của doanh nghiệp chỉ còn hơn 9 tỷ đồng, thấp hơn nhiều so với vốn góp chủ sở hữu 550 tỷ đồng.

Nếu tính mức vốn này, giá trị mỗi cổ phiếu Vinaincon chỉ còn khoảng 170 đồng/cp. Doanh thu năm 2016 giảm hơn 14% xuống còn khoảng 5,1 ngàn tỷ đồng. Năm 2017, doanh thu trong 6 tháng mới chỉ được chưa tới 1,8 ngàn tỷ đồng.

Hiện Bộ Công Thương vẫn là cổ đông lớn sở hữu 82,75% cổ phần. Doanh nghiệp này có tổng tài sản hơn 6,3 ngàn tỷ, gần tương đương với tổng nợ. Trong đó, nợ thuê tài chính ngắn hạn là hơn 500 tỷ đồng.

Trước đó, giới đầu tư cũng đã chứng kiến Công ty CP Điện ảnh Cần Thơ được Tổng Công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC) chào bán với giá thấp chưa từng thấy trên thị trường chứng khoán: 2.600 đồng/cp, so với mệnh giá của cổ phiếu này là: 100 ngàn đồng/cp.

Vốn chủ sở hữu VVN còn hơn 9 tỷ đồng.
Vốn chủ sở hữu VVN còn hơn 9 tỷ đồng.

Điện ảnh Cần Thơ có vốn tiền tỷ nhưng được rao bán với giá mấy chục triệu. Doanh nghiệp có vốn 6,2 tỷ đồng nhưng các nhà đầu tư chỉ cần bỏ ra số tiền chưa tới 2.000 USD có thể sở hữu gần 25% vốn điều lệ của Điện ảnh Cần Thơ.

Nếu quy về mức mệnh giá 10.000 đồng/cp, thì mỗi cổ phần của Điện ảnh Cần Thơ được chào bán chỉ 260 đồng/cp, thấp hơn nhiều so với mức giá thấp kỷ lục 500 đồng/cp mà SCIC từng có lần nhắc tới.

Lên sàn là đổi vận?

Gần đây, một số doanh nghiệp nhà nước làm ăn thua lỗ cũng được xử lý. Đạm Hà Bắc (DHB), một thương hiệu có tuổi đời 50 năm và là công ty lỗ nặng nhất ngành Công Thương đã chính thức lên sàn chứng khoán UPCOM hôm 26/7 với khoản lỗ hàng ngàn tỷ đồng. DHB có giá tham chiếu là 6.800 đồng/cổ phiếu, tương đương với mức vốn hóa thị trường khoảng 1.850 tỷ đồng (so với vốn điều lệ hơn 2,7 ngàn tỷ đồng).

Kể từ khi lên sàn, DHB chưa hề có giao dịch và hiện vẫn có giá không đổi ở mức 6.800 đồng/cp. Hiện Vinachem đang nắm giữ gần 97,7% cổ phần DHB. Hoạt động của DHB đi vào ngõ cụt từ 2015 tới nay với lỗ lũy kế hơn 1,7 ngàn tỷ đồng (riêng 2016 lỗ hơn 1 ngàn tỷ đồng).

Cổ phần hóa là hướng đi đúng đắn.
Cổ phần hóa là hướng đi đúng đắn.

Trước DHB, DDV của CTCP DAP - Vinachem (dự án DAP Đình Vũ) cũng đã lên sàn năm 2015 trước khi báo lỗ gần 470 tỷ đồng trong năm 2017. DAP chào sàn với giá 13.200 đồng/cp và hiện ở mức 7.000 đồng/cp.

Trước đó, hàng loạt doanh nghiệp nhà nước cũng thoái vốn khỏi các dự án hoặc khoản đầu tư của mình nhưng bất thành. Điện lực Việt Nam (EVN) từng hủy bỏ cuộc bán đấu giá cổ phần Chứng khoán An Bình (ABS) vì không có người đăng ký tham dự. Vinacomin hủy đấu giá cổ phần tại Bảo hiểm SHB - Vinacomin (SVIC) vì chỉ có duy nhất một nhà đầu tư đăng ký tham gia. Tổng Công ty Đầu tư và Phát triển Nhà Hà Nội (Handico) 5 lần thoái vốn bất thành tại HBS,...

Trên thực tế, việc mua bán cổ phiếu để thành công phải có người mua và người bán. Nhiều cổ phần của doanh nghiệp hấp dẫn do có đất vàng, có triển vọng tốt... được giới đầu tư săn đón, các đại gia săn mua, thậm chí tìm cách giành mua bằng mọi giá.

Tuy nhiên, cũng không ít doanh nghiệp thua lỗ lớn và chưa thể gỡ rối để phát triển. Cổ phiếu rất khó bán. Việc thoái vốn nhà nước có thể phải chấp nhận bán với mức giá “rau dưa trà đá” theo thị trường. Nhiều doanh nghiệp nhà nước đang chìm ngập trong khối nợ tổng lên tới hàng tỷ USD. Đây là những vướng mắc không dễ giải quyết nhanh.

Theo kế hoạch nhà nước sẽ tiếp tục đẩy mạnh quá trình cổ phần hóa và thoái vốn. Đây vẫn là giải pháp đúng đắn, giúp đưa các doanh nghiệp nhà nước ra khỏi thể chế phi thị trường sang thể chế thị trường. Hướng đi này sẽ giúp các doanh nghiệp hoạt động hiệu quả hơn, khuyến khích và động lực thúc đẩy phân bố và sử dụng nguồn lực theo thị trường.

Theo Đề án xử lý tồn tại, yếu kém một số dự án ngành Công Thương, hàng chục dự ngàn thua lỗ ngàn tỷ, hoạt động kém hiệu quả của các ông lớn dầu khí và hóa chất... cũng sẽ được xử lý nhằm giảm mất vốn đầu tư và tiêu hao nguồn lực nhà nước trước khi thoái vốn.

Đưa cổ phiếu lên sàn có thể chỉ là bước đầu tiên. Nhiều doanh nghiệp cần thêm thời gian để có thể xử lý dứt điểm.

Theo M. Hà
Vietnamnet

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm