Gắn chip cho bò, doanh nghiệp đầu tàu “kéo” nông dân cùng đi
(Dân trí) - 10 năm trước, Tập đoàn TH thuê chuyên gia ngoại gắn chip cho đàn bò sữa của mình, mướn nông dân Israel dạy cách làm nông nghiệp công nghệ cao. 10 năm sau, TH bắt đầu gắn chip cho bò của nông dân Việt, chuyển giao công nghệ chăn nuôi 4.0 cho nông dân.
Đầu tàu ‘kéo’ nông dân phát triển chuỗi liên kết bền vững
Ông Bùi Đăng Sơn, chủ một trang trại bò tại Đà Lạt là một trong những nông dân tiên phong vào HTX để hợp tác với Dalatmilk (thương hiệu thuộc tập đoàn TH) gắn chip cho bò. Giờ đây, thông qua chiếc smartphone của mình, trong vòng bán kính 5km, ông liên tục cập nhật được các thông tin về sức khỏe đàn bò, về thời điểm bò động dục, bò sắp ốm…
“Đàn bò của tôi được gắn chip do Dalatmilk cung cấp. Cái thứ nhất là mình loại trừ được sữa không đảm bảo mà bị vắt nhầm. Như vậy chất lượng sữa của mình không bị đánh tụt xuống, giá thành sẽ cao hơn. Cái thứ hai là khi con bò động dục, mình canh thời điểm động dục đỉnh điểm nhất để phối giống sẽ đạt hiệu quả cao hơn là mình canh chừng”, ông khoe.
Khi tham gia vào HTX bò sữa hợp tác với Dalatmilk, ông Sơn được thương hiệu này đảm bảo với ngân hàng để vay vốn mua bò, được hỗ trợ về thú y, thức ăn cho bò… để đảm bảo làm ra một ly sữa có chất lượng đồng nhất. Đồng thời, được bao tiêu hoàn toàn sữa tươi nguyên liệu.
Trước đây ở Nghĩa Đàn, Nghệ An, người nông dân mới tham gia cùng TH ở mức chuyên canh cây ngô để nuôi bò, là một mắt xích nhỏ trong chuỗi sản xuất nông nghiệp công nghệ cao. Nay ở Đà Lạt, với việc gắn chip cho bò, người nông dân đang trong quá trình chuyển đổi từ nông hộ quy mô nhỏ sang trang trại kiểu mẫu để chiếm một vị trí quan trọng hơn, thu được lợi ích lớn hơn trong chuỗi sản xuất nông nghiệp.
Nói về việc chuyển giao công nghệ 4.0 cho nông dân, tại sự kiện khánh thành dự án bò sữa 3.800 tỷ đồng ở Yên Mỹ, Nông Cống, Thanh Hóa, ông Ngô Minh Hải - Chủ tịch Tập đoàn TH cho biết: "Chúng tôi đang chuyển sang giai đoạn tiếp theo, đưa ngành chăn nuôi lên quy mô rộng hơn, cấp nông hộ để phát triển mạnh trong tương lai. Chúng tôi đã làm điều này ở Lâm Đồng khi công ty Dalatmilk giúp nông dân ứng dụng công nghệ cao vào chăn nuôi qua HTX bò sữa. Sắp tới, chúng tôi sẽ làm điều tương tự ở Thanh Hóa, sau khi đã xây dựng xong nhà máy chế biến sữa ở đây”.
Trước đó, bên lề diễn đàn kinh tế tư nhân ngày 2/5, ông Hải cho biết: "Khi chúng tôi đưa con chip vào cổ con bò thì nhiều người hoài nghi, không biết bà con có đồng ý không. Tuy nhiên, người dân lại rất thích dù chưa biết hiệu quả như thế nào. Tuy nhiên, đến nay, chúng tôi đã nhận được sự đồng hành của bà con.. Đây là thành công trong chuỗi liên kết", ông Hải nói.
Hiện dự án bò sữa ngàn tỷ của TH ở Thanh Hóa mới bắt đầu khởi công, tuy nhiên, theo Chủ tịch xã Yên Mỹ, đã có 20 hộ trong xã sẵn sàng kí cam kết tham gia vào mô hình hợp tác xã để nhận chuyển giao công nghệ 4.0 từ Tập đoàn TH.
Cùng nông dân đưa ly sữa Việt ra thế giới
Bắt tay với nông dân, kì vọng của Tập đoàn TH là người nông dân chăn nuôi nhỏ lẻ với quy mô 5-7 con bò sẽ phát triển dần đàn bò lên quy mô vừa và lớn thông qua HTX.
"Bà con sẽ không phải đi một mình mà có hợp tác xã đồng hành để nối kết doanh nghiệp, từ khâu bao tiêu sản phẩm, ứng dụng khoa học công nghệ, cung cấp thức ăn chăn nuôi, thu mua ... để tạo nên những ly sữa đồng nhất, hoàn mỹ về chất lượng giống như ly sữa do chính những trang trại tập trung khép kín của TH sản xuất ra, nhằm hướng tới hai mục tiêu là phục vụ sức khỏe của cộng đồng và xuất khẩu", bà Thái Hương - Chủ tịch Hội đồng Chiến lược Tập đoàn TH chia sẻ.
Bà Thái Hương cũng nói thêm rằng: Tập đoàn TH là doanh nghiệp sữa xúc tiến và triển khai các hoạt động xuất khẩu sữa tươi chính ngạch vào Trung Quốc từ rất sớm. Ngày 25/4, tập đoàn TH đã ký kết biên bản ghi nhớ hợp tác chiến lược phát triển thị trường với đối tác Wuxi Jinqiao International Food City (đơn vị sở hữu trung tâm đầu mối hàng hóa lớn tại Trung Quốc) về phân phối các sản phẩm sữa tươi sạch mang thương hiệu TH true MILK tại Trung Quốc.
Ngay từ những ngày đầu, sữa tươi trang trại của TH đã đạt chất lượng quốc tế, đáp ứng được tiêu chuẩn để xuất khẩu ra các thị trường khắt khe. Và nay, Tập đoàn này đang giúp nông dân biến điều TH có thành điều nông dân có để ly sữa mà 2 bên chung sức làm ra sẽ là “ly sữa chiến thắng” theo như cách gọi của bà Thái Hương, đủ tiêu chuẩn vào thị trường Trung Quốc cũng như các thị trường khó tính khác.