1. Dòng sự kiện:
  2. Tư vấn tài chính cá nhân

Gần 800 cơ sở kinh doanh xăng dầu, gas gian lận

(Dân trí) - Kết thúc đợt thanh tra, Bộ Khoa học và Công nghệ đã xử phạt 797 cơ sở kinh doanh xăng dầu, gas vi phạm với tổng số tiền bị phạt lên đến gần 4 tỷ đồng. Điều đáng nói là các hình thức vi phạm có chiều hướng ngày càng tinh vi, phức tạp.

Ông Trần Minh Dũng, Chánh thanh tra Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) công bố thông tin trên tại Hội nghị tổng kết thanh tra chuyên đề đo lường, chất lượng xăng dầu, gas năm 2008 được tổ chức tại Hà Nội vào sáng 26/12.

Hàng loạt cơ sở kinh doanh xăng dầu, gas vi phạm

Trong số 61 tỉnh thành gửi báo cáo về Bộ KH&CN thì tổng số kinh doanh xăng dầu, gas được thanh tra là 4.441 cơ sở, trong đó số kinh doanh xăng dầu là 3.890 cơ sở; kinh doanh gas là 636 cơ sở.

Địa phương thanh tra được nhiều cơ sở kinh doanh xăng dầu, gas trên địa bàn là Thanh Hoá (208 cơ sở), Nghệ An, Gia Lai (200 cơ sở), Vĩnh Phúc (138 cơ sở)…

Trong tổng số 4.441 cơ sở được thanh tra thì có 797 cơ sở (kinh doanh xăng dầu 643 cơ sở và kinh doanh gas 154 cơ sở) vi phạm hành chính về đo lường và chất lượng xăng dầu, gas (chiếm 17,9%). Tổng số tiền xử phạt là 3.818.530.000 đồng.

Kết quả thanh tra cho thấy, đối với lĩnh vực kinh doanh xăng dầu các hành vi vi phạm được phát hiện là: 57 lượt cơ sở có hành vi tác động làm thay đổi tình trạng kỹ thuật của phương tiện đo; 189 cơ sở bị phát hiện sai số của phương tiện đo; 118 lượt cơ sở vi phạm về kiểm định phương tiện đo; 160 lượt cơ sở bị phát hiện sai số về phép đo; 140 cơ sở vi phạm về chất lượng xăng dầu và 97 cơ sở vi phạm về ghi nhãn.

Đối với lĩnh vực kinh doanh gas thì các hành vi vi phạm được phát hiện là: không đủ định lượng 99 lượt cơ sở; bình ga không được kiểm định: 16 lượt cơ sở; sang chiết gas trái phép: 11 lượt cơ sở.

Theo báo cáo thì Gia Lai dẫn đầu về số cơ sở vi phạm (81 cơ sở với tổng số tiền phạt là 531 triệu đồng), tiếp đến là Nghệ An (42 cơ sở), Vĩnh phúc, (30 cơ sở)…

Vi phạm với chiều hướng ngày càng tinh vi, phức tạp

Tại Hội nghị ông Trần Quang Dũng cho biết, đối với vi phạm về đo lường thì hầu hết các cơ sở vi phạm bị xử lý chủ yếu là dùng các phương tiện đo chưa được kiểm định, quá thời hạn kiểm định hay chứng chỉ kiểm định rách, nát, mờ, không rõ nguồn gốc...

Nghiêm trọng nhất là các hành vi sử dụng phương tiện đo không đạt yêu cầu về đo lường do lắp đặt thêm các thiết bị hiệu chỉnh sai số của phương tiện đo có lợi cho người bán. Điển hình là: Gia Lai phát hiện 10 cơ sở gắn thêm bảng mạch điện tử (có trường hợp gây sai số tới 9,3%); Nghệ An phát hiện 9 cơ sở có hành vi như trên.

Tại Đắc Lắc phát hiện 2 cửa hàng kinh doanh xăng dầu gian lận bằng cách sử dụng IC với mã số bí mật được cài đặt có thể điều khiển qua bàn phím cột nước hoặc bằng cách đóng, ngắt công tắc điện gây sai số tới 5,6%. Hiện tượng tương tự cũng đã được phát hiện tại Hưng Yên, Nam Định, Vĩnh Phúc, Bình Dương, Long An…

Trong khi đó, vi phạm về chất lượng vẫn chủ yếu là niêm yết giá xăng M92 nhưng bán xăng có trị số ốctan nhỏ hơn M92.

Sẽ siết chặt quản lý để bảo vệ người tiêu dùng

Phát biểu tại hội nghị, ông Phạm Quang Viễn, Đại diện Bộ Công Thương cho rằng, mặc dù số cơ sở kinh doanh vi phạm giảm so với các năm trước nhưng mức độ vi phạm lại khá nghiêm trọng, đây chính là vấn đề gây bức xúc cho xã hội.

“Sở dĩ có tình trạng này là do chúng ta chưa hoàn thiện các văn bản luật và chưa có các biện pháp chế tài nghiêm khắc”, ông Viễn nhấn mạnh.

Minh chứng cho vấn đề này ông Viễn dẫn chứng: Hiện nay các cây xăng tự tạo đang có chiều hướng phát triển mạnh, đây chính là nguy cơ gây cháy nổ do đó nếu không sớm quản lý sẽ rất nguy hiểm.

Hay vấn đề cho lưu hành loại xăng A83 là không cần thiết vì đây chính là tiền đề cho việc pha lẫn vào xăng A92, A95 để làm giảm chất lượng ảnh hưởng đến người tiêu dùng…

Đồng tình với ý kiến trên, ông Nguyễn Tất Thắng, Phó Chủ tịch Hội tiêu chuẩn và bảo vệ người tiêu dùng bức xúc góp ý thêm: “Chúng ta cần phải coi lại vấn đề cấp giấy phép kinh doanh xăng dầu, gas vì thực tế nhiều cơ sở bị thu hồi giấy phép chỉ cần vài ngày sau lại được cấp phép bằng hình thức thay đổi quyền sở hữu”.

Hiến kế cho vấn đề quản lý ông Thắng gợi ý: Để đảm bảo quyền lợi người tiêu dùng thì đến lúc các cơ sở kinh doanh cần phải cam kết công khai, có hoá đơn tự động cho người mua… Đây sẽ là những bằng chứng để người tiêu dùng có quyền khiếu nại hoặc tố cáo các cơ sở vi phạm.

Nhiều đại biểu tham dự Hội nghị cũng đồng tình với việc gia tăng các biện pháp chế tài như sửa đổi nghị định 55, xem xét lại luật hình sự để có thể truy cứu trách nhiệm hình sự người có trách nhiệm ở các cơ sở vi phạm.

Giải toả những bức xúc trên, Thứ trưởng Bộ KH&CN Trần Quốc Thắng nhấn mạnh: “Bộ KH&CN sẽ kết hợp với các Bộ ngành liên quan sớm hoàn thiện các văn bản nhằm siết chặt quản lý để bảo vệ người tiêu dùng.

Hiện tại, Bộ đã đề nghị sửa đổi, bổ sung và ban hành các văn bản pháp luật cần thiết để đảm bảo đầy đủ cơ sở pháp lý cho công tác quản lý và hoạt động thanh tra trong lĩnh vực đo lường và chất lượng hàng hoá nói chung và xăng dầu nói riêng”.

Thứ trưởng Thắng cũng cho biết, thời gian tới Bộ KH&CN sẽ nghiên cứu để chế tạo ra thiết bị gắn ở các cây xăng để theo dõi giám sát hành vi kinh doanh xăng dầu của các cơ sở.

Nguyễn Hùng