Gần 3.000 làng nghề khó tìm đầu ra cho sản phẩm

“Chỉ 12% trong số 3.000 làng nghề có sự gắn kết bài bản giữa sản xuất và phân phối. Hầu hết là hoạt động tự phát, rất khó tìm kiếm đầu ra”

Ông Nguyễn Nguyên Phương, Trưởng phòng Quản lý thương mại - Sở Công Thương TP.HCM, nhận định tại Hội nghị Chắp nối cung cầu hàng hóa giữa các cơ sở sản xuất hàng công nghiệp nông thôn với các kênh phân phối hàng hóa hiện đại và truyền thống (TP.HCM, ngày 3/12).

 

Theo ông, các làng nghề chủ yếu là sản xuất, chế tác các mặt hàng phục vụ tại địa phương hoặc vùng lân cận, không sản xuất lượng lớn sản phẩm đạt tiêu chuẩn để xuất khẩu đại trà hoặc phân phối cả nước. Năng lực sản xuất có giới hạn trong khi hệ thống phân phối nhỏ lẻ, manh mún. Do đó nhiều đơn vị rất muốn đưa hàng hóa vào hệ thống phân phối hiện đại ở TP.HCM.

 

Tuy nhiên, một số đơn vị cho biết rất khó kết nối với các kênh phân phối, do chưa có thương hiệu nên dễ bị từ chối khi đề nghị hợp tác. Đi lên từ hộ cá thể, nhiều nơi không thể vừa sản xuất vừa bán hàng. Mức chiết khấu quá cao cũng khiến họ khó vào được kênh phân phối lớn.

 

Ông Nguyễn Xuân Hải, Giám đốc điều hành Siêu thị Big C, cho rằng để trở thành đối tác siêu thị, ngoài đảm bảo chất lượng, giá thành… các làng nghề phải tôn trọng quy định pháp luật về tiêu chuẩn, chất lượng, nhãn mác bao bì, an toàn vệ sinh hay chương trình khuyến mãi đã thỏa thuận.

 

Kết luận vấn đề, đại diện Bộ Công Thương nói ngoài các chính sách tài chính, hội thảo cũng là cơ hội để các đơn vị làng nghề tìm hiểu xem muốn đưa hàng vào siêu thị phải đáp ứng tiêu chí gì, đồng thời sẽ tổ chức ba hội chợ hàng công nghiệp nông thôn, bình chọn sản phẩm tiêu biểu…

 

Theo Tú Uyên

Pháp Luật TPHCM