Gần 2.000 cổ đông Dược Viễn Đông nguy cơ trắng tay

Ủy ban chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) vừa họp báo giải trình về quá trình xử lý vụ Công ty Dược Viễn Đông vi phạm các quy định trong phát hành cổ phiếu, công bố thông tin và việc công ty này tiến hành các thủ tục phá sản.

Rất nhiều vấn đề được đặt ra nhưng điều mà dư luận quan tâm là quyền lợi của 1.702 nhà đầu tư ra sao vẫn còn là ẩn số.

 

Muốn hủy niêm yết nhưng không đủ thẩm quyền

 

Bà Vũ Thị Kim Liên, Phó Chủ tịch UBCKNN cho biết, bản thân bà cũng như các lãnh đạo cơ quan này rất trăn trở trước những sai phạm ở Công ty Dược Viễn Đông (mã chứng khoán: DVD) nhưng không đủ thẩm quyền hủy niêm yết trong thời điểm phát hiện những dấu hiệu sai phạm ở doanh nghiệp này.

 

“Dấu hiệu vi phạm đã rõ ràng nhưng chưa có kết luận chính thức của cơ quan Công an, muốn hủy niêm yết cổ phiếu DVD nhưng Ủy ban không đủ thẩm quyền. Chúng tôi rất trăn trở về điều này", bà Liên cho hay.

 

Tuy nhiên, trên thực tế cho thấy, dấu hiệu sai phạm ở DVD có từ ngày 6/9/2010 nhưng cho đến mãi ngày 30/8/2011 mã cổ phiếu này mới bị hủy niêm yết trên sàn giao dịch chứng khoán TP.HCM. Đến lúc này thì 1702 nhà đầu tư (tính đến ngày giao dịch trên sàn cuối cùng của DVD) không biết bấu víu vào đâu để đòi lại quyền lợi hợp pháp của mình vì Dược Viễn Đông đang tiến hành thủ tục phá sản, Giám đốc và Kế toán trưởng bị bắt giam.

 

Theo UBCKNN, sai phạm của DVD bắt đầu từ đợt chào bán hơn 7 triệu cổ phiếu ra công chúng trong năm 2010. Ngày 1/4/2010, công ty này gửi UBNCKNN bộ hồ sơ đăng ký chào bán hơn 7 triệu cổ phiếu, đối tượng chào bán là cổ đông hiện hữu, cán bộ công nhân viên với giá chào bán 20.000đồng/CP. Phương án chào bán đã được Đại hội cổ đông thường niên ngày 20/3/2010 của công ty thông qua và báo cáo tài chính đã được kiểm toán.

 

Gần 2.000 cổ đông Dược Viễn Đông nguy cơ trắng tay  - 1
Bà Vũ Thị Kim Liên: "UBCKNN không thể có 3 đầu 6 tay" 

 

Ngày 6/9/2010, UBCKNN nhận được đơn kiến nghị của nhà đầu tư lên quan đến DVD. Qua kiểm tra, cơ quan này phát hiện bản cáo bạch đăng trên website của DVD là Bản cáo bạch niêm yết cổ phiếu ngày 1/12/2009, không phải là Bản cáo bạch chào bán chứng kháo ra công chứng nên đã có công văn yêu cầu tạm dừng phát hành hơn 7 triệu cổ phiếu DVD.

 

Ngày 24/9/2010, UBCKNN tiếp tục nhận được đơn tố cáo với những thông tin “sốc” hơn như giả mạo chữ ký, đưa thông tin tài chính không trung thực trong Bản cáo bạch chào bán ra công chúng.

 

Lại tiến hành kiểm tra. Kết quả cho thấy DVD có một số sai phạm về quản trị công ty, công bố thông tin và một số nghi vấn về việc tạo lập doanh thu ảo. “Tuy nhiên, những nghi vấn này chỉ có thể làm rõ nếu có sự phối hợp của cơ quan điều tra” – UBCKNN tỏ ra bất lực!

 

Sau đó, Ủy ban này đã có công văn đề nghị cơ quan Công an TP Hà Nội phối hợp xác minh các bằng chứng gian lận của DVD. Ngày 15/11/2010, Công an TP Hà Nội thông báo cho UBCKNN biết Bản cáo bạch chào bán hơn 7 triệu cổ phiếu của DVD có dấu hiệu giả mạo đang được điều tra làm rõ.

 

Lẽ ra, với thông báo này, nếu kiên quyết hơn, việc DVD phát hành hơn 7 triệu CP ra thị trường đã không thể thực hiện. Tuy nhiên, cơ quan này vẫn chỉ tiến hành nghiệp vụ thanh tra và tạm dừng phát hành. Giải thích vấn đề này, đại diện UBCKNN cho biết do chưa có kết luận chính thức của cơ quan công an và do Bản cáo bạch của DVD đã được hai công ty Kiểm toán uy tín thực hiện (trong đó có một công ty Kiểm toán của Mỹ) nên theo quy định DVD vẫn được phát hành lượng cổ phiếu này.

 

Chỉ đến khi tình hình ở DVD trở nên bung bét (Chủ tịch HĐQT DVD bị bắt), ngày 14/12/2010 (tức sau khi có đơn tố cáo nửa năm), UBCKNN mới có công văn yêu cầu DVD hoàn trả lại tiền mua cổ phiếu cho các nhà đầu tư, ưu tiên nhà đầu tư nhỏ lẻ, cổ đông ngoài công ty. Mãi đến ngày 18/1/2011, đợt chào bán hơn 7 triệu CP này mới bị hủy bỏ.

 

Tuy nhiên, hậu quả của việc này là vô cùng nghiêm trọng, cổ phiếu DVD rớt giá thảm hại và liên tục bị đưa vào diện cảnh báo. Trong thời điểm tranh tối tranh sáng này, hoạt động mua bán DVD vẫn tiếp tục diễn ra mặc dù đã có một loạt thông tin bất lợi. Tâm lý nhà đầu tư nắm giữ DVD lúc này là cố gắng bán ra để thu hồi vốn. Như vậy, thiệt hại lớn nhất thuộc về những người mua DVD cuối cùng.

 

Dư luận băn khoăn đặt câu hỏi tại sao mãi đến ngày 30/8/2011, DVD mới bị đình chỉ niêm yết?

 

Theo giải thích của bà Liên, Phó chủ tịch UBCKNN, việc hủy niêm yết không đơn giản, phải tính toán rất kỹ, trên thực tế vẫn có giao dịch mua bán cổ phiếu này.

 

“Những nhà đầu tư mua DVD sau 7/9 đỡ rất nhiều (vì giá lúc này đã xuống rất thấp - PV). Không ai mất ở đây cả, có chăng là mất đi giá trị ảo. Chúng tôi đã có thông báo nhà đầu tư có thể khởi kiện DVD nhưng thật ngạc nhiên là không thấy ai kiện cả, giao dịch vẫn được thực hiện”, bà Liên cho hay.

 

1.702 nhà đầu tư sẽ ra sao?

 

Theo thống kê, tính đến ngày giao dịch cuối cùng, có 1702 cổ đông đầu tư vào DVD, hiện có gần 12 triệu cổ phiếu DVD đang phát hành trên thị trường chứng khoán giá trị là 64,61 tỷ đồng. Câu hỏi đặt ra là trong bối cảnh này, quyền lợi của cổ đông sẽ ra sao?

Theo đại diện của UBCKNN, Ủy ban này đã có hướng dẫn nhà đầu tư có thể giao dịch cổ phiếu này qua Trung tâm lưu ký. Tuy nhiên, với tình hình bi đát thực tại, liệu có ai mặn mà mua loại cổ phiếu này?

 

Được biết, ngày 24/6/2010, Sơ GDCK TP.HCM đã nhận được thông báo của Ngân hàng TNHH một thành viên ANZ (Việt Nam) thông báo Ngân hàng này đã nộp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản đối với Công ty CP Dược phẩm Viễn Đông. Phía Tòa án đã thụ lý và ban hành quyết định cho phép mở thủ tục phá sản.

 

Về vấn đề này, thông tin mà UBCKNN đưa ra cũng khiến 1702 cổ đông phải “buồn lòng” là ngân hàng ANZ là chủ nợ của DVD, khoản nợ này liên quan đến việc phát hành “Trái phiếu công đoàn” của DVD. Điều đáng quan tâm là chỉ đến khi ông Lê Văn Dũng, Chủ tịch HĐQT DVD bị bắt, cổ phiếu này bị hủy niêm yết thì mới vỡ lở vụ “Trái phiếu công đoàn” (không có bất kỳ quy định nào về loại Trái phiếu này). Theo trật tự phá sản, Ngân hàng sẽ là người thanh lý các tài sản trước tiên, cuối cùng mới đến cổ đông vì khi đầu tư, các cổ đông đã phải chấp nhận mạo hiểm, lời ăn lỗ chịu.

 

Lỗ hổng quản lý trong việc phát hiện sai phạm trong báo cáo tài chính của doanh nghiệp đang là vấn đề bức xúc đang phổ biên ở thị trường chứng khoán Việt Nam. Tuy nhiên, năng lực của cơ quan quản lý là UBCKNN lại hạn chế vì như lời vị Phó chủ tịch của Ủy ban này thì cơ quan này không thể có ba đầu sáu tay, không thể kiểm soát, phát hiện được từng sai phạm trong báo cáo tài chính của hơn 1.600 công ty đại chúng được!?

 

Theo Vĩnh Dương

VTCNews