Gần 15 tỷ USD đăng ký vào Thanh Hóa tại hội nghị xúc tiến đầu tư

(Dân trí) - Tại hội nghị xúc tiến đầu tư tại Thanh Hóa, đã có 34 dự án được cấp giấy chứng nhận đầu tư, chấp thuận chủ trương đầu tư, ký biên bản ghi nhớ đầu tư, với tổng mức đầu tư dự kiến gần 15 tỷ USD.

Chiều 12/6, UBND tỉnh Thanh Hóa phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổ chức Hội nghị xúc tiến đầu tư tỉnh Thanh Hóa 2020. Tham dự hội nghị có Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình cùng khoảng 750 đại biểu.

Gần 15 tỷ USD đăng ký vào Thanh Hóa tại hội nghị xúc tiến đầu tư - 1
Hội nghị xúc tiến đầu tư tỉnh Thanh Hóa 2020.

Thanh Hóa là địa phương đầu tiên trong cả nước tổ chức hội nghị sau đại dịch Covid-19 được khống chế, với các lĩnh vực chủ yếu như: Công nghiệp; hạ tầng đô thị, khu công nghiệp, cụm công nghiệp; du lịch; nông nghiệp; y tế…

“2 đồng hành”“3 cam kết”

Tại Hội nghị, ông Nguyễn Đình Xứng, Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa cam kết: Khi các nhà đầu tư đến tìm hiểu, nghiên cứu cơ hội đầu tư, tỉnh luôn thực hiện “2 đồng hành” và “3 cam kết”, đó là: Đồng hành cùng nhà đầu tư khảo sát, lựa chọn địa điểm đầu tư, khi nhà đầu tư lựa chọn được địa điểm và tiếp tục đồng hành với nhà đầu tư trong việc giải quyết thủ tục hành chính, kể cả những thủ tục thuộc thẩm quyền của Chính phủ và các bộ, ngành Trung ương.

Gần 15 tỷ USD đăng ký vào Thanh Hóa tại hội nghị xúc tiến đầu tư - 2
Ông Nguyễn Đình Xứng, Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa cam kết, khi các nhà đầu tư đến tìm hiểu, nghiên cứu cơ hội đầu tư, tỉnh luôn thực hiện “2 đồng hành” và “3 cam kết”.

Khi nhà đầu tư đã quyết định đầu tư, tỉnh chủ động thực hiện, “Ba cam kết”, đó là: Cam kết tiến độ giải phóng mặt bằng; đầu tư hạ tầng; đồng hành với nhà đầu tư, giải quyết kịp thời các khó khăn, vướng mắc...

Đặc biệt, vào ngày 20 hàng tháng, Chủ tịch UBND tỉnh cùng với các ngành duy trì lịch tiếp giải quyết khó khăn, vướng mắc, kiến nghị của doanh nghiệp..

Tại hội nghị này dưới sự chứng kiến của Phó thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình, có 34 dự án được trao trao quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư, cấp giấy chứng nhận đầu tư và ký ghi nhớ đầu tư, với tổng mức đầu tư tương đương 15 tỷ USD.

Trong đó có 19 dự án được cấp giấy chứng nhận đầu tư, chấp thuận chủ trương đầu tư, với tổng mức đầu tư dự kiến gần 56.800 tỷ đồng, tương đương 2,5 tỷ USD (trong đó công nghiệp chế biến, chế tạo là 22.300 tỷ đồng; phát triển hạ tầng, đô thị là 25.500 tỷ đồng; du lịch là 7.340 tỷ đồng; nông nghiệp và y tế là 1.600 tỷ đồng).

Cũng tại hội nghị này, UBND tỉnh Thanh Hóa ký biên bản ghi nhớ đầu tư 15 dự án với các nhà đầu tư đang nghiên cứu triển khai đầu tư trên địa bàn, với tổng mức đầu tư dự kiến 285.000 tỷ đồng, tương đương 12,5 tỷ USD.

Tham luận tại hội nghị, bà Hương Trần Kiều Dung, Phó Chủ tịch thường trực Tập đoàn FLC đánh giá, tỉnh Thanh Hóa đã có những giải pháp năng động và quyết liệt trong việc thực hiện cải cách thể chế, ban hành nhiều chính sách ưu đãi đầu tư cùng với việc hướng đến xây dựng một môi trường kinh doanh cởi mở, thuận lợi.

Đặc biệt, các nhà đầu tư cũng đánh giá rất cao việc tỉnh Thanh Hóa đã chủ động có những giải pháp quy hoạch đồng bộ, tăng cường đầu tư hệ thống hạ tầng, giao thông kết nối, từ đó mở đường cho sự phát triển của các ngành kinh tế thế mạnh.

Phòng chống tham nhũng, tiêu cực, lợi ích nhóm, doanh nghiệp sân sau…

Phát biểu tại Hội nghị, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình đánh giá, Hội nghị là sự kiện hết sức quan trọng, có phạm vi ảnh hưởng và sức lan tỏa lớn trong thu hút đầu tư nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội.

Gần 15 tỷ USD đăng ký vào Thanh Hóa tại hội nghị xúc tiến đầu tư - 3

Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình phát biểu tại Hội nghị.

Theo Phó Thủ tướng, Thanh Hóa hội tụ đủ tiềm năng, lợi thế để phát triển toàn diện về kinh tế-xã hội, nhất là các ngành công nghiệp, cảng biển, logistic, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, du lịch, y tế, giáo dục chất lượng cao…

Theo Phó Thủ tướng, đại dịch Covid-19 đã và đang tác động tiêu cực đến nhiều mặt của đời sống kinh tế-xã hội ở nước ta nói chung và tỉnh Thanh Hóa nói riêng; song, đại dịch Covid-19 cũng mang đến cho chúng ta cơ hội để thay đổi tư duy, đổi mới sang tạo cách làm để thu hút đầu tư.

Phó Thủ Tướng lưu ý tỉnh Thanh Hóa cần phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành Trung ương và các địa phương liên quan khẩn trương hoàn thiện Quy hoạch tỉnh Thanh Hóa thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2045 theo Luật Quy hoạch và Đề án xây dựng và phát triển tỉnh Thanh Hóa đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2045 trình Bộ Chính trị.

Tỉnh cần tiếp tục cải thiện mạnh mẽ, thực chất môi trường đầu tư kinh doanh gắn với triển khai thực hiện có hiệu quả Nghị quyết số 02 của Chính phủ. Trọng tâm là tạo đột phá trong cải cách thủ tục hành chính, xây dựng chính quyền điện tử, tạo môi trường đầu tư kinh doanh thông thoáng, minh bạch, bình đẳng, thực sự hấp dẫn các nhà đầu tư, phòng chống tham nhũng, tiêu cực, lợi ích nhóm, doanh nghiệp sân sau…

Đối với các nhà đầu tư, doanh nghiệp, doanh nhân, Phó Thủ tướng đề nghị: Cần thực hiện đúng các cam kết đầu tư, ghi nhớ đầu tư; đồng thời, quan tâm, có chiến lược kinh doanh lâu dài tại tỉnh Thanh Hóa.

Đề cao ý thức, trách nhiệm trong công tác bảo vệ môi trường; trách nhiệm với xã hội và cộng đồng, bảo đảm phát triển bền vững. Thực hiện tốt chế độ, chính sách đối với người lao động; quan tâm xây dựng môi trường lao động an toàn, thân thiện, hài hòa…

Gần 15 tỷ USD đăng ký vào Thanh Hóa tại hội nghị xúc tiến đầu tư - 4

Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình chứng kiến lễ ký kết hợp tác giữa tỉnh Thanh Hóa với các nhà đầu tư tại Hội nghị.

Phó Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành trung ương tạo mọi thuận lợi cho doanh nghiệp và người dân hoạt động kinh doanh; đồng thời Chính phủ sẽ nghiên cứu, có những cơ chế, chính sách phù hợp, tạo thuận lợi cho Thanh Hóa huy động cao nhất các nguồn lực, cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư kinh doanh, tranh thủ có hiệu quả sự hợp tác, hỗ trợ của các nhà tài trợ, nhà đầu tư trong và ngoài nước thúc đẩy đầu tư kinh doanh vào lĩnh vực thế mạnh của Thanh Hóa, tạo tiền đề cho tỉnh Thanh Hóa tăng tốc phát triển.

Phó Thủ tướng mong rằng, thông qua hội nghị này, sẽ có thêm nhiều nhà đầu tư trong và ngoài nước, các tổ chức quốc tế quan tâm, lựa chọn và quyết định đầu tư tại Thanh Hóa để làm giàu cho chính mình và góp phần vào sự phát triển của tỉnh Thanh Hóa và đất nước Việt Nam.

Năm 2017, tỉnh Thanh Hóa phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã tổ chức thành công Hội nghị xúc tiến đầu tư cấp quốc gia tại tỉnh Thanh Hóa.

Tại Hội nghị, dưới sự chứng kiến của Thủ tướng Chính phủ đã có 31 dự án được trao quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư, giấy chứng nhận đăng ký đầu tư và ký kết Biên bản ghi nhớ đầu tư, với tổng vốn đầu tư khoảng 141.000 tỷ đồng, tương đương 6,35 tỷ USD.

Đến nay, đã có 6 dự án hoàn thành đưa vào sử dụng, 16 dự án đang đầu tư xây dựng, 3 dự án đang trong quá trình lập quy hoạch chi tiết 1/500; số dự án đã và đang triển khai thực hiện có tổng mức đầu tư khoảng 131.000 tỷ đồng, đạt 93,6% tổng số vốn đã thu hút tại Hội nghị.

Duy Tuyên