1. Dòng sự kiện:
  2. Tư vấn tài chính cá nhân
  3. VNDirect bị tấn công

FLC bị hủy niêm yết, cổ đông "sốc" vì lời hứa giúp làm giàu từ ông Quyết

Thảo Thu

(Dân trí) - Cựu Chủ tịch FLC Trịnh Văn Quyết từng đề cập tới giấc mơ giúp "cả nhà đầu tư dài hạn và lướt sóng" làm giàu nhanh chóng nhưng thông tin cổ phiếu FLC bị hủy niêm yết đã dập tắt giấc mơ này.

Nguyễn Tuấn - một cổ đông đồng hành cùng mã chứng khoán FLC của Công ty cổ phần Tập đoàn FLC 7 năm - thất thần trước thông tin gần 710 triệu cổ phiếu FLC bị hủy niêm yết trên HoSE từ ngày 20/2.

Đầu tháng 7 năm ngoái, khi tham gia cuộc họp đại hội đồng cổ đông bất thường năm 2022, ông Đặng Tất Thắng - khi đó vẫn là Chủ tịch HĐQT FLC - nói giá trị cổ phiếu FLC không tương xứng với tiềm năng của tập đoàn. Theo ông này, việc bầu ra HĐQT mới, sẽ là tin tích cực đưa ra thị trường làm giá cổ phiếu FLC khởi sắc hơn. "Tôi hy vọng được sự ủng hộ của quý vị, đã yêu, đã mến FLC thì tiếp tục tin tưởng vào ban quản trị mới", ông Đặng Tất Thắng nói khi ấy.

"Nhưng ông Đặng Tất Thắng đã rời FLC, cổ phiếu thì bị hủy niêm yết và chưa có kế hoạch chuyển sàn UPCoM", anh Nguyễn Tuấn chua chát nói. Trước khi mã này bị đình chỉ giao dịch, anh vẫn bị "kẹp hàng" gần 30.000 cổ phiếu FLC.

FLC bị hủy niêm yết, cổ đông sốc vì lời hứa giúp làm giàu từ ông Quyết - 1

Diễn biến giá cổ phiếu FLC (Ảnh: FireAnt).

Nhưng anh Tuấn chỉ là một trong hàng loạt cổ đông của tập đoàn này đã không kịp thoát hàng. Tại phiên họp bất thường trước đó, đại diện FLC cho biết doanh nghiệp này có hơn 64.700 cổ đông. Chính bản thân cựu Chủ tịch Trịnh Văn Quyết đến hết năm 2021 cũng sở hữu hơn 215,4 triệu cổ phiếu FLC, tương đương 30,34% tổng số cổ phiếu của tập đoàn.

Với những người đã gắn bó với FLC, những trải nghiệm vượt đỉnh, lao dốc cùng mã chứng khoán này suốt 12 năm giao dịch trên sàn chứng khoán có lẽ là trải nghiệm khó quên.

Đổ xô nhiều kỷ lục

Tháng 4/2011, FLC chính thức được Ủy ban Chứng khoán Nhà nước chấp thuận việc trở thành công ty đại chúng. Đến tháng 10/2011, cổ phiếu doanh nghiệp chính thức được niêm yết trên Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội (HNX) với mã chứng khoán là FLC - đánh dấu bước đi đầu tiên trên sàn chứng khoán. Ngày 22/11/2010, Công ty cổ phần FLC chính thức đổi tên thành Công ty cổ phần Tập đoàn FLC, vốn điều lệ đăng ký ban đầu là 170 tỷ đồng.

FLC bị hủy niêm yết, cổ đông sốc vì lời hứa giúp làm giàu từ ông Quyết - 2

FLC là mã chứng khoán gắn với tên tuổi của ông Trịnh Văn Quyết (Ảnh: Tiến Tuấn).

Cổ phiếu này tạo nên cơn sốt khi liên tục tăng "nóng" chỉ trong một thời gian ngắn năm 2022 với chênh lệch giá có thời điểm lên tới hơn 800%. Đây được coi là một trong những cổ phiếu "ác mộng" nhất của thị trường khi ấy. Từ mức giá cao nhất trên 43.000 đồng/cổ phiếu hồi đầu tháng 3/2012, FLC đã giảm liên tục về mức đáy hơn 3.000 đồng/cổ phiếu hồi cuối năm 2022 và giao dịch lình xình vùng giá này, trước khi "nổi sóng" trở lại với thông tin chuyển sàn.

Tháng 8/2013, FLC chính thức chuyển niêm yết 77,2 triệu cổ phiếu từ HNX sang Sở Giao dịch Chứng khoán TPHCM (HoSE) và mất chưa đầy một năm để lọt rổ VN30 - 30 doanh nghiệp vốn hóa lớn của thị trường. FLC cũng lọt vào tầm ngắm của loạt quỹ ngoại như V.N.M ETF, FTSE ETF…

Tuy nhiên, mã này không đạt kỳ vọng của giới đầu tư khi sau đó đã ở dưới mệnh giá nhiều năm liên tiếp. Nhưng có một điểm đặc biệt là dù giá thấp chỉ bằng ly trà đá, FLC, bên cạnh những phiên gần như mất thanh khoản, vẫn có nhiều phiên "dậy sóng" thị trường với thanh khoản thường xuyên nằm trong top đầu thị trường.

Ông Trịnh Văn Quyết trong các buổi họp cổ đông cũng nhiều lần đề cập đến việc cổ phiếu ở dưới mệnh giá, trước chất vấn của cổ đông. Cuối năm 2019, ông Quyết từng khẳng định cổ phiếu sẽ về mệnh giá trong năm 2020. Nếu không đạt được, ông xin phá sản. Ông cũng cam kết chi 1.500-2.000 tỷ đồng để mua thêm cổ phiếu.

Nhưng phải đến tháng 3/2021, FLC mới chính thức lấy lại mệnh giá sau 7 năm. Kể từ đó, mã này liên tục tăng mạnh, từ "chân sóng", mã này nhiều phiên tăng trần với khối lượng sang tay lớn nhất thị trường.

Đặc biệt, trong phiên giao dịch 11/1/2022, FLC thậm chí được sang tay tới 155 triệu cổ phiếu - lập kỷ lục thanh khoản trong lịch sử chứng khoán Việt. Phiên liền trước đó, FLC cũng được giao dịch tới 135 triệu mã. Sự việc bán tháo diễn ra trùng thời điểm ông Trịnh Văn Quyết đăng ký bán ra 175 triệu cổ phiếu từ 10/1/2022 đến 17/1/2022, nhưng không công bố thông tin.

Dù nhận tin xấu từ lãnh đạo, FLC vẫn không ngừng "tạo sóng" và được giới đầu tư giao dịch sôi động. Phiên giao dịch đầu tháng 4/2022, FLC tiếp tục đạt thanh khoản hơn 100 triệu cổ phiếu. Lịch sử thị trường chứng khoán Việt Nam có 8 phiên giao dịch vượt ngưỡng thanh khoản 100 triệu cổ phiếu, thì FLC chiếm tới 3/8 phiên.

*Những phiên giao dịch vượt 100 triệu mã (đơn vị: cổ phiếu)

 Mã Ngày giao dịch Số lượng giao dịch
 HPX 30/11/2022 165.259.200
 FLC 11/1/2022 154.958.000
 FLC 10/2/2022 134.960.900
 NVL 22/11/2022 128.528.300
 DIG 28/11/2022 128.443.910
 GEX 25/12/2015 122.574.700
 ROS  16/4/2021 101.769.700
 FLC  1/4/2022 100.089.400

Nhưng kịch bản của FLC với những nhà đầu tư lâu năm không khó đoán. Thực tế, mã này thường mất khoảng 1-2 tháng để leo từ "chân sóng" đến đỉnh bằng nhiều chu kỳ tăng mạnh 3-4 phiên, thậm chí tăng trần, sau đó điều chỉnh 1-2 phiên. Dấu hiệu đỉnh của những đợt "sóng" này là cổ phiếu sẽ lao dốc nhiều phiên với thanh khoản giảm dần hoặc mất thanh khoản. Một thời gian sau đó, giá lẫn thanh khoản sẽ bật mạnh rồi đi ngang một thời gian, trước khi đợt "sóng" mới hình thành.

Kết quả kinh doanh bết bát

Được hàng chục nghìn cổ đông quan tâm và giao dịch sôi nổi, song bức tranh lợi nhuận của FLC thời điểm ghi nhận thanh khoản kỷ lục không mấy khả quan.

Hệ sinh thái rộng lớn của FLC từng giúp FLC thu về dòng tiền "khủng". Trước khi dịch Covid-19 xuất hiện, FLC đang trong giai đoạn tăng trưởng liên tục ở chỉ tiêu doanh thu và lợi nhuận. Doanh thu của tập đoàn này đã tăng liên tục 10 năm (từ năm 2009 đến 2019), từ mức vài chục tỷ đồng mỗi năm trước năm 2010, lên mức 15.780 tỷ đồng năm 2019, cũng là năm FLC đạt kỷ lục doanh thu. Lợi nhuận của FLC thu về mỗi năm cũng đạt hàng trăm tỷ đồng.

Tuy nhiên, từ năm 2020 lợi nhuận doanh nghiệp liên tục "tuột dốc" với mức giảm bằng lần do ảnh hưởng của dịch Covid-19. Gần nhất, quý III/2022, FLC thậm chí lỗ sau thuế 785 tỷ đồng, nâng khoản lỗ 9 tháng đầu năm 2022 lên hơn 1.890 tỷ đồng. Tập đoàn này hiện chưa công bố báo cáo kiểm toán năm theo quy định.

Trước khi kết thúc hành trình tốn nhiều giấy mực của cổ phiếu từng "làm mưa làm gió" trên sàn chứng khoán, FLC dừng tại mức 3.570 đồng/cổ phiếu. Theo Nghị định 155, cổ phiếu của công ty hủy bỏ niêm yết nhưng vẫn đáp ứng điều kiện là công ty đại chúng phải đăng ký giao dịch trên UPCoM. Tuy nhiên, cho rằng việc vi phạm công bố thông tin do "hoàn cảnh bất khả kháng", FLC kiến nghị cơ quan quản lý xét lại việc hủy niêm yết cổ phiếu.

"FLC khẩn thiết kiến nghị cơ quan quản lý xem xét lại việc hủy niêm yết cổ phiếu", doanh nghiệp cho hay và khẳng định đang nỗ lực xúc tiến lộ trình công bố thông tin theo quy định. Trong khi đó, nhiều nhà đầu tư khác như anh Tuấn vẫn đang thất thần không biết tiền mình đi về đâu.