1. Dòng sự kiện:
  2. Tư vấn tài chính cá nhân
  3. VNDirect bị tấn công
  4. Lùm xùm nợ thẻ Eximbank 8,8 tỷ đồng

Fitch: Kinh tế vĩ mô của Việt Nam đã có dấu hiệu đi vào ổn định

(Dân trí) - Tổ chức xếp hạng này đã giữ định mức xếp hạng ổn định cho Việt Nam và ghi nhận những thành công mà Chính phủ đạt được trong điều hành kinh tế vĩ mô.

 

Fitch: Kinh tế vĩ mô của Việt Nam đã có dấu hiệu đi vào ổn định

Theo Fitch, lĩnh vực ngân hàng của Viêt nam vẫn là một nguồn lực yếu kém và cản trở xếp hạng nợ quốc gia.

Ngày 11/5, tổ chức xếp hạng tín nhiệm Fitch Ratings công bố quyết định giữ nguyên định mức tín nhiệm đối với các khoản vay bằng ngoại tệ và đồng nội tệ của Việt Nam ở mức B+. Triển vọng cho cả hai đều ở mức “ổn định”, nguồn ngoại tệ ngắn hạn IDR ở mức B.

Nói về động thái này, ông Art Woo, Giám đốc khu vực Châu Á Thái Bình Dương của Fitch, cho biết, các mức đánh giá trên cùng với triển vọng ổn định cho thấy thành công của Chính phủ Việt Nam trong nỗ lực nhằm khắc phục sự mất cân bằng trong kinh tế vĩ mô phát sinh trong năm 2010 và 2011”,

Đại diện của Fitch cũng lưu ý: “Tuy nhiên, mặc dù gần đây kinh tế vĩ mô của Việt Nam đã có dấu hiệu đi vào ổn định: lạm phát giảm tốc, đồng nội tệ ổn định hơn song quá trình tái cơ cấu khu vực ngành ngân hàng và khu vực doanh nghiệp nhà nước cần phải được đẩy mạnh hơn nữa để củng cố mức tín nhiệm của Việt Nam.

Trong phần diễn giải của Fitch về Việt Nam có ghi nhận, kể từ khi thực hiện các biện pháp thắt chặt tài khóa và tiền tệ nhằm ổn định kinh tế vĩ mô thông qua Nghị quyết 11, Việt Nam đã đạt được những tiến bộ lớn trong kiềm lạm phát. Theo đó, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 4 đã tăng 10,5% so cùng kỳ năm trước, giảm mạnh từ mức đỉnh 23% so cùng kỳ hồi tháng 8/2011.

Theo dự báo của Fitch thì CPI năm 2012 sẽ ở vào mức trung bình 10%, so mức 18,7% trong năm 2011.

Nghị quyết 11 cũng đã giúp cải thiện tài khoản vãng lai, trong đó ghi nhận mức thặng dư 0,2% GDP trong năm 2011 so mức thâm hụt 4% hồi 2010.

Fitch cũng lưu ý rằng, đầu tư trực tiếp từ nước ngoài (FDI) vẫn mạnh mẽ, đạt tổng cộng 7,4% tỷ USD trong năm 2011, chiếm 6% GDP.

Những yếu tố này đã hỗ trợ cải thiện cán cân thanh toán cũng như dự trữ ngoại hối của Việt Nam. Sự thành công trong thu hút đầu tư nước ngoài và sự năng động của nền kinh tế ở Việt Nam, theo Fitch, là những điểm tác động mạnh mẽ lên xếp hạng tín nhiệm quốc gia.

Ngoài ra, lượng dự trữ chính thức của Việt Nam mới được công bố gần đây, trừ vàng, đã tăng lên 14,1 tỷ USD vào thời điểm cuối tháng 11/2011 từ mức 12 tỷ USD cuối năm 2010. Fitch dự đoán, dự trữ ngoại hối của Việt Nam có thể đã đạt 16-17 tỷ USD vào cuối tháng 3 vừa rồi.

Mức gia tăng dự trữ cho thấy sự ổn định của nền kinh tế vĩ mô và cán cân thanh toán, mặc dù nhập khẩu trong 2 tháng đã thấp hơn.

Bản báo cáo của Fitch cũng phản ánh, suy thoái kinh tế đã tác động tiêu cực đến mức tăng trưởng thực tế của tổng sản phẩm quốc nội (GDP) với mức tăng chỉ 4% so cùng kỳ trong quý I, giảm từ mức tăng 6,1% trong quý IV/2011.

Thực trạng này cũng chính là nguyên nhân khiến Ngân hàng Nhà nước đã phải cắt giảm lãi suất chính sách đồng loạt 1% trong tháng 3 và tháng 4 vừa rồi. Theo đánh giá của Fitch, không nhất thiết phải nhìn nhận rằng những quyết định trên là sự đảo ngược những mục tiêu chính đã nêu tại Nghị quyết 11 mà đó là một phản ứng chính sách thích hợp.

Tổ chức này đánh giá, lĩnh vực ngân hàng của Viêt nam vẫn là một nguồn lực yếu kém và cản trở xếp hạng nợ quốc gia. Quy mô lớn với tỉ lệ tín dụng cho vay khu vực cá nhân trên GDP đứng ở mức 115% trong quý III/2011 đã đặt ra nguy cơ tiềm ẩn với ổn định tài chính vĩ mô. Nguồn vốn của hệ thống mỏng trong khi chất lượng tài sản xấu. Nợ xấu được phản ánh tại các bản báo cáo tài chính cũng mới chỉ ở mức 3,6%  vào cuối năm 2011, chưa thật sự cho thấy được bức tranh chân thực của chất lượng ngân hàng trong nước.

Hơn nữa, một số ngân hàng nhỏ vẫn đang phải đối mặt với áp lực thanh khoản khi họ mở rộng tín dụng nhanh hơn so với cơ sở tiền gửi. Gần đây, NHNN đã gây áp lực lên các ngân hàng yếu để xóa nợ xấu và khuyến khích hợp nhất.

Ngoài ra, Fitch cũng lưu ý, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2011-2015 với những mục tiêu lớn song kế hoạch hành động cụ thể lại không có. Do vậy, sức khỏe “phập phù” của khu vực doanh nghiệp nhà nước và minh bạch thấp sẽ phải được cải thiện.

 Bích Diệp