Fed đưa lãi suất lên cao nhất 14 năm, báo hiệu sắp thay đổi chính sách

Nhật Linh

(Dân trí) - Cục Dự trữ Liên bang Mỹ vừa thông qua việc nâng lãi suất thêm 0,75%, lần thứ 4 liên tiếp, và báo hiệu khả năng sẽ thay đổi cách tiếp cận chính sách để giảm lạm phát.

Đúng như dự báo, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) đã nâng lãi suất thêm 0,75%, đưa lãi suất vay ngắn hạn lên phạm vi mục tiêu 3,75%-4%, mức cao nhất kể từ tháng 1/2008. Động thái này tiếp tục nhịp độ thắt chặt chính sách tiền tệ mạnh mẽ nhất của Fed kể từ đầu thập niên 80.

Cùng với dự đoán về mức tăng lãi suất, thị trường đang chờ đợi những thông điệp cho rằng đây có thể là động thái tăng lãi suất ở mức 0,75% cuối cùng.

Fed đưa lãi suất lên cao nhất 14 năm, báo hiệu sắp thay đổi chính sách - 1

Chủ tịch Fed Jerome Powell cho rằng vẫn còn quá sớm để dừng tăng lãi suất nhưng sẽ tính toán về những tác động tích lũy từ các đợt tăng trước đó (Ảnh: Getty).

Tuyên bố lần này của Fed cũng ám chỉ về sự thay đổi chính sách. Theo đó, khi xác định mức độ tăng lãi suất trong tương lai, Fed "sẽ tính toán những tác động tích lũy từ những đợt thắt chặt tiền tệ trước đó, độ trễ của những tác động chính sách tiền tệ đối với hoạt động kinh tế và lạm phát cũng như diễn biến về kinh tế và tài chính".

Các nhà kinh tế cũng hy vọng đây là bước đi đã được đề cập nhiều lần trong chính sách. Theo đó, lãi suất sẽ chỉ tăng 0,5% trong cuộc họp vào tháng 12 tới, sau đó vài lần tăng nhỏ hơn trong năm 2023.

Tuyên bố lần này của Fed cũng cho biết họ sẽ tiếp tục nâng lãi suất trong phạm vi mục tiêu đủ để đưa lạm phát trở lại mức 2%.

Thị trường chứng khoán Mỹ đã tăng sau tuyên bố trên nhưng sau đó trở nên tiêu cực trong cuộc họp báo của Chủ tịch Fed Jerome Powell.

Chốt phiên ngày 2/11, chỉ số công nghiệp trung bình Dow Jones giảm 505,44 điểm, tương đương 1,55%, xuống mức 32.147,76 điểm. Chỉ số S&P 500 giảm 2,5%, đóng cửa ở mức 3.759,69 điểm, trong khi Nasdaq Composite giảm 3,36% xuống 10.524,80 điểm.

Phát biểu tại cuộc họp báo, ông Powell đã bác bỏ ý tưởng cho rằng Fed có thể sớm ngừng tăng lãi suất. Mặc dù vậy, ông cho biết ông mong đợi một cuộc thảo luận về việc làm chậm tốc độ thắt chặt sẽ diễn ra trong 1-2 cuộc họp tới.

Ông cũng nhắc lại rằng cần có sự quyết tâm và kiên nhẫn để giảm lạm phát. "Chúng tôi vẫn có một số cách tiếp cận và dữ liệu cho thấy mức lãi suất cuối cùng sẽ cao hơn dự kiến", ông nói.

Tuy nhiên, ông vẫn lặp lại ý tưởng cho rằng sẽ có lúc phải hãm tốc độ tăng lãi suất. "Thời điểm đó đang đến và nó có thể đến trong cuộc họp tiếp theo hoặc cuộc họp sau đó. Nhưng hiện chưa có quyết định nào được đưa ra", ông khẳng định.

Chủ tịch Fed cũng bày tỏ sự bi quan về tương lai của nền kinh tế Mỹ. Ông cũng hy vọng "lãi suất cuối cùng" hoặc thời điểm Fed ngừng tăng lãi suất, sẽ cao hơn so với mức đưa ra tại cuộc họp tháng 9. Vì lãi suất cao hơn sẽ khiến Fed không thể "hạ cạnh mềm" được, như ông đã từng đề cập trước đó.

Cùng với những tuyên bố về điều chỉnh chính sách, Fed cũng đánh giá tăng trưởng chi tiêu và sản xuất của Mỹ ở mức "khiêm tốn". Ủy ban Thị trường Mở liên bang cũng lưu ý đến "thị trường việc làm đã tăng trưởng mạnh trong vài tháng gần đây" trong khi lạm phát vẫn "leo thang".

Do đó, việc nâng lãi suất vẫn tiếp tục diễn ra khi các chỉ báo lạm phát vẫn ở mức cao nhất 40 năm và thị trường việc làm vẫn mạnh - một lý do mà Fed vin vào khi thắt chặt cung tiền.

Trước lo ngại việc Fed tăng lãi suất nhằm hạ nhiệt lạm phát cũng sẽ kéo nền kinh tế rơi vào suy thoái, ông Powell khẳng định ông vẫn nhìn thấy khả năng về một cuộc "hạ cánh mềm", trong đó không có sự suy giảm nghiêm trọng, nhưng nền kinh tế Mỹ năm nay sẽ hầu như không tăng trưởng ngay cả khi tác động từ việc tăng lãi suất vẫn chưa phát huy tác dụng.