EVNNPT: 15 năm khẳng định vị thế vững chắc
(Dân trí) - Ngày 1/7/2008, Tổng công ty Truyền tải điện Quốc gia (EVNNPT) được thành lập. Trong suốt 15 năm qua, EVNNPT đã vận hành lưới truyền tải điện an toàn, ổn định, góp phần phát triển kinh tế - xã hội.
Những mốc son lịch sử
Lưới truyền tải điện Việt Nam được hình thành và phát triển qua nhiều thời kỳ, giai đoạn với quy mô và đặc điểm khác nhau. Dấu ấn lớn nhất là công trình đường dây 500 kV Bắc - Nam đã được đóng điện vào ngày 27/5/1994. Khi đó, Thủ tướng Võ Văn Kiệt đã ra lệnh hòa hệ thống điện miền Trung, miền Nam với Nhà máy thủy điện Hòa Bình tại trạm biến áp 500kV Đà Nẵng qua đường dây 500kV Bắc - Nam, đưa hệ thống truyền tải điện 500kV vào vận hành. Đây là đường dây 500kV đầu tiên được xây dựng và vận hành tại Việt Nam.
Hệ thống truyền tải điện 500 kV Bắc - Nam đi vào vận hành đã hợp nhất lưới điện quốc gia và chấm dứt tình trạng thiếu điện cục bộ ở miền Trung và miền Nam. Công trình đã đặt nền móng cho các công trình truyền tải điện 500 kV Bắc - Nam mạch 2, 3 và các mạch vòng 500 kV đảm bảo cấp điện cho các thành phố lớn, các khu vực trọng điểm kinh tế trên cả nước trong những giai đoạn tiếp theo.
Trước đòi hỏi cấp thiết của công cuộc đổi mới nền kinh tế đất nước, ngày 1/7/2008, EVNNPT được thành lập trên cơ sở tổ chức lại Công ty Truyền tải điện 1, 2, 3, 4 và 3 Ban quản lý dự án các công trình điện miền Bắc, miền Trung và miền Nam, hoạt động theo mô hình Công ty TNHH một thành viên 100% vốn EVN với nhiệm vụ chính là đầu tư xây dựng và quản lý vận hành hệ thống truyền tải điện quốc gia. EVNNPT được thành lập với sứ mệnh "đảm bảo truyền tải điện an toàn, liên tục, ổn định cho các hoạt động kinh tế, chính trị, xã hội, an ninh, quốc phòng và thị trường điện Việt Nam".
Kể từ thời điểm này, hệ thống lưới điện cấp điện áp 110kV được bàn giao cho các tổng công ty điện lực, EVNNPT thực hiện nhiệm vụ đầu tư xây dựng và quản lý vận hành hệ thống truyền tải điện quốc gia bao gồm các trạm biến áp và đường dây cấp điện áp 220kV và 500kV. Sự kiện này đã đánh dấu sự phát triển của ngành điện và mở ra giai đoạn phát triển mới trong lĩnh vực truyền tải điện Việt Nam.
Những thành tích nổi bật sau 15 năm phát triển
Sau 15 năm kể từ khi thành lập EVNNPT, hệ thống truyền tải điện quốc gia được xây dựng và phát triển với tốc độ nhanh chóng: tổng chiều dài đường dây 220kV, 500kV tăng 2,45 lần lên 29.431 km; 185 trạm biến áp, tăng 2,7 lần. EVNNPT đã chuyển 117 trạm biến áp 220kV trên tổng số 148 trạm biến áp 220kV sang thao tác xa, đạt tỉ lệ 79%; 100% dữ liệu thiết bị trên lưới truyền tải điện đã được số hóa trên phần mềm quản lý kỹ thuật PMIS, 100% dữ liệu công tơ đã được kết nối vào hệ thống thu thập và quản lý số liệu đo đếm MDMS.
Trong hoạt động đầu tư xây dựng, tổng giá trị đầu tư trong 15 năm là 230.000 tỷ đồng. EVNNPT đã đưa vào vận hành 662 công trình lưới truyền tải điện, trong đó có nhiều dự án trọng điểm đóng vai trò quan trọng trong việc giải tỏa công suất các nhà máy điện như thủy điện Sơn La, thủy điện Lai Châu, các trung tâm điện lực Duyên Hải, Vĩnh Tân, Quảng Ninh, Vũng Áng, Vân Phong…
Ngoài ra, đơn vị này cũng vận hành các đường dây 500 kV nâng cao năng lực truyền tải Bắc - Nam, mạch vòng nhằm tăng cường độ ổn định, tin cậy cung cấp điện cho các thành phố lớn và các khu vực kinh tế trọng điểm ở cả miền Bắc; các dự án đảm bảo cấp điện cho thủ đô Hà Nội, miền Nam và các khu vực kinh tế trọng điểm trên cả nước.
Đến nay, hệ thống truyền tải điện quốc gia đã vươn tới tất cả các tỉnh, thành phố trên cả nước, kết nối với các nước trong khu vực như Trung Quốc, Lào, Campuchia. Hệ thống truyền tải điện 500kV phát triển nhanh chóng và thực sự đóng vai trò là hệ thống năng lượng huyết mạch với các đường dây truyền tải công suất từ các trung tâm điện lực, các nhà máy điện lớn, các mạch vòng tại các khu vực miền Bắc và miền Nam.
Bốn mạch đường dây 500kV Bắc - Nam tạo mối liên kết mạnh giữa các khu vực trong hệ thống điện, góp phần vận hành linh hoạt, tin cậy và giảm chi phí vận hành toàn hệ thống điện.
Về công tác quản lý vận hành, trong những năm qua, EVNNPT đã triển khai thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp như đảm bảo kỷ luật, kỷ cương, tính tuân thủ và nâng cao chất lượng công tác quản lý kỹ thuật, quản lý vận hành, thực hiện nghiêm túc, đúng quy định công tác kiểm tra định kỳ, vệ sinh, bảo dưỡng, sửa chữa lớn, sửa chữa thường xuyên, thí nghiệm định kỳ thiết bị để đảm bảo thiết bị vận hành an toàn.
Tổng công ty thường xuyên kiểm tra, theo dõi quá trình vận hành để xử lý kịp thời các khiếm khuyết, hiện tượng bất thường trên lưới điện, trang bị đầy đủ thiết bị, dụng cụ làm việc cho người lao động; thực hiện tốt công tác tuyên truyền bảo vệ hành lang an toàn lưới truyền tải điện, phối hợp chặt chẽ cùng lực lượng công an và chính quyền địa phương các cấp để bảo vệ an toàn hệ thống truyền tải điện quốc gia.
Sau 15 năm hoạt động, EVNNPT đã truyền tải tổng sản lượng điện là 2.180 tỷ kWh, với tốc độ tăng trưởng bình quân 7,74%/năm, qua đó đã góp phần quan trọng cùng EVN đảm bảo cung cấp đủ điện cho phát triển kinh tế - xã hội của đất nước và đời sống của nhân dân.
Công tác ứng dụng khoa học công nghệ luôn được Tổng công ty quan tâm, chú trọng, đã từng bước hiện đại hóa hệ thống truyền tải điện quốc gia, đội ngũ cán bộ quản lý, kỹ thuật ngày càng lớn mạnh, làm chủ được các công nghệ hiện đại. Tổng công ty đã tập trung triển khai thực hiện chiến lược "Ứng dụng và phát triển khoa học kỹ thuật trong lĩnh vực truyền tải điện đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2040" cùng kế hoạch "Chuyển đổi số trong EVNNPT đến năm 2025, định hướng đến năm 2030".
Tổng công ty đã thực hiện các giải pháp nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh và tăng năng suất lao động. Hàng năm, tổng công ty đều hoàn thành tốt các chỉ tiêu nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh và năng suất lao động theo lộ trình tập đoàn giao. EVNNPT đã được Chính phủ trao tặng Huân chương Lao động hạng Nhì (năm 2014), Huân chương Lao động Hạng Ba (năm 2013), Cờ Thi đua của Chính phủ (năm 2021) cùng nhiều Bằng khen của Thủ tướng, Bộ Công Thương, Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp, EVN, …
EVNNPT hiện nỗ lực thực hiện các nhiệm vụ và phát triển hệ thống điện, với mục tiêu đến năm 2030 "đạt trình độ tiên tiến trên thế giới trong lĩnh vực truyền tải điện".