EVN: Xem xét bồi thường sự cố mất điện theo luật

Về phương án bồi thường cho các doanh nghiệp trong các khu công nghiệp sau sự cố rã lưới gây mất điện toàn miền Nam, ông Đặng Hoàng An - Phó Tổng giám đốc EVN cho biết "các cơ quan chức năng sẽ xem xét phương án bồi thường".

Sự cố rã lưới điện ngày 22/5 đã khiến toàn khu vực miền
Sự cố rã lưới điện ngày 22/5 đã khiến toàn khu vực miền Nam bị mất điện trong nhiều giờ

 

Sau sự cố "rã lưới" gây mất điện toàn miền Nam ngày 22/5, Chính phủ yêu cầu Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) xem xét toàn diện vấn đề. Cho tới nay, công tác thanh kiểm tra của EVN đã tiến hành tới đâu rồi, thưa ông?

 

Tất cả các sự cố dù lớn dù nhỏ cũng đều phải tiến hành điều tra, phân tích. Hiện các kỹ sư vẫn phải ngồi lại phân tích các yếu tố gây lên sự cố trên.

 

Sự cố trên khiến các chuyên gia lo ngại về một nền an ninh lưới điện quốc gia. Sau sự cố này, người ta tin rằng chỉ với một cây gậy dài chọc vào lưới điện EVN là đánh sập cả hệ thống điện quốc gia, vậy EVN sẽ phải đối phó ra sao? 

 

Tốt nhất là không nên để cây gậy đó chọc vào! Vấn đề an toàn hành lang lưới điện đã được quy định rất rõ trong luật. Theo quy định về an toàn đường dẫn điện thì chuyện đó là không được phép vi phạm.

 

Đây là vụ việc hi hữu, từ trước tới nay chưa từng xảy ra. Qua vụ việc này, EVN đã nhanh chóng phối hợp với các địa phương, các cơ quan chức năng liên qua đảm bảo vận hành an toàn và hiệu quả hệ thống điện quốc gia. Trong đó phải tính đến phương án lâu dài như đầu tư thêm cơ sở hạ tầng, cân đối các nguồn để giảm đường truyền tải đi, nâng độ tin cậy lên. Nhưng vấn đề đầu tiên phải đảm bảo an toàn hành lang lưới điện.

 

Còn về vấn đề kỹ thuật thì chúng tôi sẽ tiếp tục nghiên cứu. Nếu trong trường hợp cần thiết thì chúng tôi có thể sẽ thuê kỹ sư nước ngoài.

 

Theo thống kê chưa đầy đủ, khoảng 8 triệu khách hàng bị ảnh hưởng, trong số này là gần 2 triệu người dân và doanh nghiệp tại Sài Gòn chịu ảnh hưởng trực tiếp của việc này. EVN có tính đến phương án bồi thường cho khác hàng ở các khu công nghiệp bị thiệt hại do ảnh hưởng của sự cố mất điện hay không?

 

Vấn đề này cũng đã nằm hết trong quy định, pháp quy. Các cơ quan chức năng sẽ xem xét.

 

Dư luận băn khoăn tự hỏi, chả lẽ sự cố rã lưới cả hệ thống điện miền Nam lại dễ dàng xảy ra đến thế sao? Suốt gần 20 năm qua, bão táp, mưa sa, cây đổ, sét đánh không thấy xảy ra, nay chỉ vì một ngọn cây dầu mà cả miền Nam bị mất điện, khiến hàng triệu khách hàng của EVN phải hứng chịu?

 

Không chỉ có Việt Nam, ngày 21/5, Thái Lan cũng bị mất điện cả 14 tỉnh, công suất cũng tương đương cả nước Việt Nam. Vừa rồi  Ấn Độ cũng mất  điện làm ảnh hưởng tới 600 triệu người, Mỹ năm 2003, mất điện 3 bang liên kết với nhau, Châu Âu cũng mất điện ở toàn bộ nước Ý....

 

Mình không nên quá tự tin nhưng cũng không quá tự ti, ở các nước hiện đại trên thế giới cũng vẫn xảy ra sự cố này.

 

Mặc dù hệ thống 500kV thiết kế theo chuẩn quốc tế và theo đúng quy chuẩn của việt Nam. Nhưng để ngăn ngừa sự cố này thì phải tính toán và xem xét để có thiết kế chi tiết.

 

3 người đã bị tạm giữ trong vụ việc này. Cơ quan chức năng cũng đang điều tra, xem xét trách nhiệm của những đơn vị liên quan. Vậy, EVN phải chịu trách nhiệm như thế nào trong việc đảm bảo an toàn hành lang hệ thống lưới điện quốc gia, thưa ông?

 

Chúng tôi sẽ cố gắng và làm tốt nhất có thể được. EVN luôn luôn cố gắng, vì đó là cả một hệ thống điện rất lớn. Vấn đề vận hành an toàn luôn được ngành điện đặt lên hàng đầu chứ không bao giờ được phép lơ là.

 

Cơ quan chức năng sẽ xem xét và kiểm tra hết trách nhiệm của mỗi bên. EVN mong nhận được cái nhìn chia sẻ từ người dân.

 

Theo Thái An

Đất Việt