Eurozone thoát khỏi cuộc suy thoái dài nhất 40 năm

(Dân trí) - Kinh tế khu vực eurozone trong quý 2 vừa qua đã bất ngờ tăng trưởng 0,3% so với quý trước đó và vượt mức kỳ vọng 0,2%, báo hiệu cuộc suy thoái kinh tế dài nhất tại châu Âu lục địa trong hơn 40 năm qua đã kết thúc.

Kinh tế eurozone đã chấm dứt 18 tháng suy thoái liên tiếp
Kinh tế eurozone đã chấm dứt 18 tháng suy thoái liên tiếp

Theo kênh tài chính CNBC, mặc dù thông tin trên được chào đón một cách hồ hởi, tỉ lệ thất nghiệp tại khu vực này vẫn là vấn đề nan giải khi lên tới 12,1% trong tháng 6. Các nhà phân tích thì cảnh báo rằng cuộc khủng hoảng kinh tế tại khu vực này vẫn chưa hoàn toàn chấm dứt.

“Châu Âu đã vượt qua thời kỳ tồi tệ nhất. Tôi không chắc chúng ta đã qua một bước ngoặt hay chưa, nhưng đó là một con số dương sau 18 tháng tăng trưởng âm và âm”, Daragh Maher, chiến lược gia cao cấp thị trường ngoại hối của ngân hàng HSBC cho biết.

Cơ quan dữ liệu châu Âu Eurostat cho biết cuộc suy thoái kéo dài 18 tháng đã khiến hàng triệu người mất việc làm và khiến các chính phủ ngập trong nợ càng thêm khó khăn. Nhưng nay đà suy giảm này đã chấm dứt, chủ yếu nhờ sự tăng trưởng bất ngờ 0,7% của kinh tế Đức và 0,5% của Pháp.

Trước đó các nhà phân tích chỉ dự báo tăng trưởng của khu vực 17 nước sử dụng đồng tiền chung euro này ở mức 0,2%. Tụt lại so với mức tăng trưởng chung của khu vực, các nền kinh tế lớn thứ ba và thứ tư của Eurozone là Italia và Tay Ban Nha lại suy giảm lần lượt 0,2% và 0,1%.

Hà Lan cũng chứng kiến sự sụt giảm 0,2% trong quý 2, trong khi Bồ Đào Nha, nước đã phải xin “giải cứu” tài chính, đang cho thấy sự phục hồi mạnh mẽ với tăng trưởng GDP 1,1%.

Khủng hoảng nợ công vẫn còn đeo bám

Theo ông Jonathan Loynes, kinh tế gia trưởng khu vực châu Âu của Capital Economics, mặc dù eurozone đã thoát suy thoái, cuộc khủng hoảng nợ “chắc chắn chưa qua”. “Việc cả khu vực eurozone trở lại với đà tăng trưởng nhẹ sẽ không giải quyết các vấn đề kinh tế và tài khóa trầm trọng tại nhiều quốc gia thành viên ngoại vi”, chuyên gia này cho biết.

Các thành viên ngoại vi như Bồ Đào Nha, Ailen, Italia, Hy Lạp và Tây Ban Nha đã bị ảnh hưởng nặng nề bởi cuộc khủng hoảng nợ công của Eurozone. Các nỗ lực cắt giảm thâm hụt ngân sách đã cho ra đời những chính sách khắc khổ, làm ảnh hưởng tới triển vọng tăng trưởng.

Ông Loynes cho rằng những vấn đề mang tính cấu trúc này có nguy cơ gây ra những khó khăn lớn cho phần còn lại của Eurozone.

Cùng quan điểm này, ông Howard Archer, kinh tế gia trưởng của INS Global Insight nhận định sự phục hồi của Eurozone sẽ bị hạn chế bởi những “trở ngại nghiêm trọng” từ các nước đang gặp khủng hoảng nợ công.

“Những điều đáng chú ý đó là chính sách tài khóa vẫn thắt chặt (mặc dù các nước này đã được phép linh hoạt hơn về vấn đề này), điều kiện về tín dụng tiếp tục chặt chẽ và trong bối cảnh lĩnh vực ngân hàng còn nhiều vấn đề lớn, thất nghiệp ở mức cao và sức mua của người tiêu dùng vẫn trầm lặng”, ông Archer nhận xét.

Thanh Tùng
Theo CNBC, AFP