“EU không có ý định trừng phạt Việt Nam”
(Dân trí) - Ông Sean Doyle, Đại sứ, Trưởng phái đoàn Ủy ban châu Âu tại Việt Nam đã khẳng định như vậy tại cuộc họp báo công bố bỏ ưu đãi thuế quan đối với giày dép Việt Nam, ngày 13/6.
Quyết định dỡ bỏ mặt hàng giày dép Việt Nam ra khỏi Quy chế ưu đãi thuế quan phổ cập (GSP) trong thời điểm kinh tế đang gặp nhiều khó khăn, có đi ngược lại mục tiêu hỗ trợ Việt Nam trong việc xoá đói giảm nghèo của các ông hay không?
Đây là câu hỏi rất lớn và khó. Trước hết tôi muốn nói ngành giày dép của Việt Nam so với những ngành khác đã thấy một sự nổi trội hơn trong thời gian 2 năm vừa qua.
Và cái sự nổi trội ấy trong ngành xuất khẩu này của Việt Nam không những mạnh mẽ ở riêng thị trường châu Âu mà còn mạnh mẽ ở những thị trường khác như Mỹ, thậm chí đã chứng kiến mức tăng trưởng khoảng 20%.
Tôi đồng ý rằng, chúng tôi quan ngại về đói nghèo nhưng chúng tôi không quan ngại nhiều đến ngành giày dép của Việt Nam, một lĩnh vực mà chúng tôi tin tưởng rằng đã có sức cạnh tranh nhất định.
Cái mà chúng tôi quan ngại là nhóm những người dân tộc thiểu số tại vùng núi, vùng sâu, vùng xa và nhóm những người nghèo tại khu vực thành thị, những người không sản xuất lúa gạo mà phải mua lúa gạo với giá đắt như hiện tại.
Chúng tôi cũng đang có những hành động cùng với những nhà tài trợ khác hỗ trợ nhiều nguồn lực hơn nữa qua ngân sách cho việt Nam.
Thực tế, chúng tôi đang cân nhắc việc cung cấp 20 triệu EURO (tương đương với khoảng 30 triệu USD) là chỉ riêng của cộng đồng châu Âu dành cho chương trình tín dụng hỗ trợ xoá đói giảm nghèo của Việt Nam
Tổng kim ngạch xuất khẩu của ngành giày dép Việt Nam vào EU đã giảm xuống còn 49,1%. Khi dỡ bỏ giày dép Việt Nam ra khỏi danh sách GSP, các ông có tính đến việc suy giảm này là do chính EU đã áp thuế chống bán phá giá hay không?
Chúng tôi đã cân nhắc vô cùng kỹ lưỡng vấn đề này trước khi áp đặt thuế chống bán phá giá đối với giày da Việt Nam.
Chúng tôi muốn nói thêm một điều nữa, chúng tôi không có ý định trừng phạt Việt Nam mà chúng tôi chỉ muốn tìm kiếm một giải pháp lâu dài và thích hợp hơn đối với tình hình phát triển mới của Việt Nam.
Thuế chống bán phá giá chỉ ảnh hưởng tới 20% trong toàn bộ giày xuất khẩu. Năm 2007, thị phần của giày dép bị áp thuế chống bán phá giá vẫn duy trì ở mức cố định 20%.
Điều này chứng tỏ, không có sự sụt giảm về xuất khẩu của những hàng hóa bị áp thuế và sự giảm sút liên tục của toàn bộ sản phẩm giày da xuất khẩu là do khả năng cạnh tranh của các ngành hàng khác đã tăng lên.
Xin cám ơn ông!
Lan Hương - Nguyễn Hiền