EU điều tra các ngân hàng lớn của Mỹ, châu Âu

Các nhà quản lý của Liên minh châu Âu (EU) vừa mở hai cuộc điều tra chống độc quyền trong thị trường trao đổi rủi ro tín dụng (CDS), một dạng bảo hiểm nợ xấu.

Đối tượng điều tra nhằm vào các tập đoàn ngân hàng khổng lồ của Mỹ và châu Âu với những công cụ mà các tập đoàn này đã sử dụng làm “bùa hộ mệnh” nhằm đối phó với tình huống các quốc gia mà họ nắm giữ trái phiếu bị vỡ nợ. Ủy ban châu Âu (EC) cho biết sẽ kiểm tra xem liệu 16 ngân hàng đầu tư và Markit, nhà cung cấp thông tin thị trường tài chính hàng đầu, có thông đồng hay lạm dụng vị thế chi phối của mình để kiểm soát các thông tin tài chính hay không. Trong vụ việc thứ hai, EC sẽ điều tra xem liệu các mức thuế ưu đãi mà 9 ngân hàng nhận được từ ICE Clear Europe, nhà cung cấp dịch vụ thanh toán bù trừ hàng đầu, có khiến các đối thủ cạnh tranh của họ bị loại khỏi thị trường hay không. Danh sách 16 ngân hàng bị điều tra gồm: JP Morgan, Bank of America Merrill Lynch, Barclays, BNP Paribas, Citigroup, Commerzbank, Credit Suisse First Boston, Deutsche Bank, Goldman Sachs, HSBC, Morgan Stanley, Royal Bank of Scotland, UBS, Wells Fargo Bank/Wachovia, Credit Agricole, và Societe Generale. Hợp đồng CDS được tạo ra nhằm giúp các nhà đầu tư tự bảo vệ mình trước nguy cơ một công ty hay một quốc gia mà họ đang nắm giữ trái phiếu bị vỡ nợ. Tuy nhiên, các CDS cũng thường bị lạm dụng để đầu cơ và thu lợi bất chính cho một số ngân hàng và quỹ đầu tư. Theo TTXVN/Vietnam+