1. Dòng sự kiện:
  2. Hàng giá rẻ Trung Quốc đổ bộ

EU áp thuế giày da: “Thắng lợi của chủ nghĩa bảo hộ”

Bất chấp phản đối từ chính một số nước thành viên, cuối cùng EU cũng đã áp thuế chống bán phá giá, giáng một đòn chí tử vào ngành giày VN - nơi đang tạo công ăn việc làm cho cả triệu người lao động.

Mức thuế khởi đầu chỉ có 4,2% nhưng giới hạn sau lên đến 16,8%, trước khi có một mức thuế cuối cùng được ban hành. Trước đây, không ít nhà sản xuất giày VN đã không thể cầm lòng trước những lời than vãn từ những nhà nhập khẩu châu Âu là “thị trường EU cạnh tranh ghê lắm”, phải giảm bớt giá gia công, để rồi cuối cùng lại bị kết tội... bán phá giá!

Ông Diệp Thành Kiệt - phó chủ tịch Hội Da giày TPHCM (SLA) - đã nhận được nhiều email với nhiều băn khoăn lẫn bức xúc. Sự bức xúc hoàn toàn có cơ sở khi gần 100 doanh nghiệp (DN) đã chọn thái độ hợp tác ngay từ buổi đầu nhận đơn khởi kiện (tháng 7-2005).

Họ đã  tốn biết bao công sức và tiền thuê luật sư để khai báo cho kịp với thời hạn phía EU yêu cầu. Thế nhưng, gáo nước lạnh đầu tiên đã giội thẳng vào tinh thần “hợp tác” ấy khi tám DN nằm trong danh sách kiểm tra mẫu của Ủy ban châu Âu (EC) đã không được công nhận là hoạt động trong nền kinh tế thị trường.

Vẫn không nản lòng, một chiến dịch “hợp tác toàn diện” của DN VN đã được thực hiện nhằm minh oan cho ngành da giày trong nước. Những DN tâm huyết cũng đã cố gắng chứng minh họ đang tự bươn chải kinh doanh, chẳng được ai hỗ trợ.

Liên tục trong gần một tháng ròng rã giữa mùa đông giá rét của trời Tây (tháng 12/2005), đoàn DN đi đến từng nước thành viên chủ chốt của EU chỉ để “nói cho họ biết là chúng ta đang sản xuất theo cơ chế nào, vì sao giá cả chúng ta cạnh tranh, ngành da giày không được Nhà nước trợ giá mà hầu hết đều do DN tự thân vận động”. Kết quả vẫn không hoàn không.

Chưa hết, EU đã tự tính ra mức thuế  hết sức vô lý để áp cho ngành da giày VN. Họ đã lấy giá bán bình quân của cùng một nhóm sản phẩm (khởi kiện) trừ cho giá thành của nước tham chiếu là Brazil để cho ra mức chênh lệch làm biên độ phá giá.

Sự vô lý ở chỗ là ngành giày VN và Brazil hoàn toàn khác biệt, trong đó quan trọng nhất là giá nhân công và nguyên liệu của Brazil cao hơn VN rất nhiều, trong khi VN có lợi thế chi phí lao động thấp và công nghệ hiện đại.

EU cũng “phớt lờ” yêu cầu của các DN VN chọn Thái Lan là nước có điều kiện tương đồng để so sánh tính biên độ phá giá. Rõ ràng, mọi sự đã có tính toán để đạt được mục tiêu là ngăn chặn sản phẩm giày VN vào châu Âu.

Đã có quá nhiều vụ kiện chống bán phá giá nhắm vào các nước đang phát triển. Người ta đã không ngần ngại gọi đích danh đó là những vụ kiện nhằm mục đích bảo hộ các ngành sản xuất ở các nước phát triển đã mất hẳn tính cạnh tranh. Vì thế sẽ khó có được sự công bằng trong phân xử các vụ kiện chống bán phá giá vì mục tiêu cuối cùng của nó không phải là sự công bằng mà là bảo hộ.

Theo Trần Vũ Nghi
Báo Tuổi trẻ

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm